Nguy hiểm khi ăn nội tạng động vật

author 10:01 17/04/2016

Nội tạng động vật tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ lây bệnh cho người, trong đó có các bệnh nhiễm khuẩn như lao, than...

Nội tạng động vật bao gồm ruột và cơ quan nội tạng của động vật bị xẻ thịt, chứa chất béo bão hòa và lượng cholesterol cao, đồng thời còn có lượng muối vô cơ cũng như vitamin phong phú. Đây là một trong những thực phẩm được nhiều người Việt ưa thích.

Rất nhiều món ngon được chế biến hấp dẫn từ nội tạng động vật như lòng luộc, gan xào, dạ dày nướng... có giá trị dinh dưỡng cao. Tuy nhiên, thực phẩm này cũng lại tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ gây bệnh nguy hiểm.

Nội tạng động vật là một trong những thực phẩm được nhiều người Việt ưa thích 

Nội tạng động vật nguy hiểm như thế nào?

Nội tạng động vật không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ nhiễm các vi sinh vật như vi khuẩn, vi-rút, ký sinh trùng (giun, sán) lây bệnh sang người. Cụ thể, mô hệ thống thần kinh có thể bị truyền bệnh não xốp bò 'bệnh bò điên' (bovine spongiform encephalopathy) nếu ăn óc bò không rõ nguồn gốc.

Ăn gan động vật được chăn nuôi bằng thức ăn hỏng, hết hạn sử dụng, nấm mốc thì sẽ có nguy cơ ô nhiễm độc tố vi nấm Aflatoxin cao. Đây là chất có khả năng gây ung thư gan ở người. Nếu lợn bị nhiễm liên cầu khuẩn Streptococcus suis (S.suis) (kể cả lợn bệnh và lợn lành mang trùng không phát bệnh) thì trong máu (tiết), lòng ruột nội tạng và thịt lợn sẽ chứa một lượng lớn vi khuẩn.

Khi ăn các sản phẩm được chế biến từ lợn như tiết canh, lòng, thịt... chưa được nấu chín thì các liên cầu khuẩn từ thức ăn đó sẽ xâm nhập vào cơ thể người và gây bệnh. Người bệnh có thể bị tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Theo thống kê, tại Việt Nam, có đến trên 70% bệnh nhân mắc phải bệnh liên cầu khuẩn lợn là do ăn tiết canh, lòng lợn. Người bị nhiễm bệnh có các triệu chứng viêm não, viêm phổi, viêm cơ tìm, xuất huyết và viêm khớp. Bên cạnh đó, trong ruột, tá tràng, dạ dày… của một số loại động vật là nguồn lây nhiễm vi khuẩn E.coli gây nên bệnh tiêu chảy, tả, thương hàn…

Không chỉ có vậy, nội tạng động vật còn có thể tăng nguy cơ lây lan các bệnh đặc biệt nguy hiểm như bệnh than, lợn đóng dấu… Người mắc các bệnh này đều để lại những hậu quả nặng nề về sức khỏe. Trong trường hợp nghiêm trọng có thể dẫn đến tử vong.

Nhìn chung nội tạng động vật có chứa lượng chất béo bão hòa và cholesterol cao hơn so với thịt. Nếu ăn nhiều các sản phẩm chế biến từ nội tạng động vật sẽ làm tăng mỡ máu và có hại cho tim mạch. Đặc biệt đối với người cao tuổi, người bị bệnh béo phì và người mắc bệnh rối loạn chuyển hóa như gút, tiểu đường, huyết áp cao..

Một số lưu ý ăn nội tạng động vật

Để đảm bảo sức khỏe cho bản thân và gia đình khi ăn nội tạng động vật, bạn cần phải có những chú ý kỹ lưỡng. Cụ thể là, chỉ ăn nội tạng động vật có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng hoặc mua ở những cơ sở uy tín. Khi mua về cần phải chế biến đảm bảo vệ sinh rồi nấu chín, kỹ. Để thực phẩm đã chín ở nơi sạch sẽ và cao ráo, không bị ô nhiễm hoặc có thể lây nhiễm từ các thực phẩm bẩn khác sang. Thực phẩm đã được chế biến chin và thực phẩm còn sống cần phải để riêng biệt.

Theo khuyến cáo từ Viện Dinh dưỡng Quốc gia, bạn vẫn có thể ăn nội tạng động vật nhưng chỉ ăn ở mức độ vừa phải. Cụ thể là người trẻ tuổi nên dừng lại ở mức 2 - 3 lần/tuần, (khoảng 50 - 70g/lần); trẻ em chỉ nên ăn 2 lần/tuần (khoảng 30 - 50g/lần).

Đối với những người già, người thừa cân, béo phì, rối loạn mỡ máu hoặc mắc các bệnh tim mạch thì nên hạn chế và tốt nhất là không nên dùng các món ăn chế biến từ phủ tạng động vật vì hàm lượng cholesterol ở trong những thực phẩm này rất cao.

>> Sự thật đau xót: Thực phẩm sạch chỉ dành cho nhà giàu, dân Việt nghèo thì phải ăn bẩn?

Theo NLĐ


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang