Nguyên Bộ trưởng KH&CN: Không đầu tư mạo hiểm chẳng bao giờ có DN lớn!

author 09:09 03/05/2017

Nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân cho rằng cần tạo điều kiện hơn nữa cho cộng đồng khởi nghiệp, đồng thời phải có chính sách ưu đãi tốt hơn cho các nhà khoa học.

Đang có một sự nhầm lẫn từ nhiều người khi cho rằng khởi nghiệp là khởi sự một công việc kinh doanh, cứ ra vỉa hè bán cái gì đó rồi gọi đó là khởi nghiệp là không đúng. Khởi nghiệp kiểu mưu sinh không đem lại giá trị gia tăng lớn cho xã hội.

Trả lời phỏng vấn của Infonet, nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân cho rằng cần tạo điều kiện hơn nữa cho cộng đồng khởi nghiệp, đồng thời phải có chính sách ưu đãi tốt hơn cho các nhà khoa học.

Thưa ông, phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đang rất phát triển, ông có đánh giá thế nào về chất lượng đội ngũ khởi nghiệp hiện nay?

Nói đến khởi nghiệp là phải nói về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Riêng trong lĩnh vực Công nghệ thông tin (CNTT), Việt Nam là nước có nhiều tiềm năng bởi trí tuệ của người Việt về IoT (internet of things - Internet vạn vật) là rất tốt. CNTT chỉ đòi hỏi về trí tuệ, còn đầu tư thực chất không lớn như những lĩnh vực khác.

Tuy nhiên kết quả vẫn còn hạn chế mà nguyên nhân phần lớn do cơ chế. Cơ chế của chúng ta chưa thực sự khuyến khích, thúc đẩy, ưu đãi thật sự cho lĩnh vực IoT và CNTT nói chung. Nếu thực sự được quan tâm, riêng trong lĩnh vực IoT Việt Nam có thể nằm trong tốp đầu của khu vực.

Chính phủ cũng đã tỏ rõ quyết tâm thúc đẩy phong trào khởi nghiệp trong đó có lĩnh vực IoT, thưa ông.

Về mặt văn bản, rõ ràng Chính phủ đã rất quan tâm, nhưng thực tế còn đòi hỏi sự quan tâm thực sự ở cấp cơ sở, từ các Viện Nghiên cứu, thị trường, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương. Khi nào người ta thực sự quan tâm đầu tư và tạo cơ chế chính sách thì lúc đó mới thực sự phát triển.

Chúng ta có chính sách ở tầm vĩ mô, nhưng việc tổ chức thực hiện và đưa vào cuộc sống lại rất kém. Ví dụ như việc ưu đãi cho cán bộ KHCN, cả Chính phủ và Trung ương Đảng đều rất quan tâm, ai cũng nói cần phải quan tâm đến cán bộ khoa học, nhất là cán bộ trẻ, phải đặt KHCN trở thành quốc sách… nhưng trên thực tế chúng ta có đầu tư đủ cho phát triển KHCN hay không? Có thực sự ưu đãi tạo điều kiện cho các nhà khoa học trẻ hay không? Điều này phục thuộc vào cấp cơ sở như đã nói ở trên.

Nghị định 40 của Chính phủ đã chỉ rõ các nhà khoa học chủ trì các nhiệm vụ quốc gia, các nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học trẻ,… phải được ưu đãi như nâng lương, được tự chủ kinh phí, được giao đề tài nghiên cứu, được tham dự các Hội nghị Khoa học quốc tế,… Tuy nhiên, có vẻ như ở cơ sở người ta không biết đến chuyện đó, nên nhiều nhà khoa học trẻ có được công bố quốc tế lẽ ra phải được ưu đãi, được các Quỹ Hỗ trợ phát triển KHCN ở các Bộ ngành và địa phương hỗ trợ, nhưng có rất nhiều người kêu với tôi là ở cơ sở người ta không quan tâm.

Nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân. Ảnh: KH&PT

Nếu làm được như vậy sẽ có khả năng thu hút các nhà khoa học người Việt ở nước ngoài trở về, thưa ông?

Các nhà khoa học người Việt ở nước ngoài cũng rất mong muốn được trở về để phục vụ đất nước, nhưng với điều kiện làm việc như hiện nay họ sẽ còn băn khoăn. Với hệ thống tiền lương như hiện nay, các nhà khoa học sẽ không thể tồn tại, rồi môi trường làm việc và môi trường học thuật còn nhiều cái không phù hợp.

Nhưng tôi nghĩ nếu thực sự quan tâm đến giới khoa học trong nước thì các nhà khoa học người Việt ở nước ngoài sẽ nhìn về và nhận ra có cơ hội để phát triển trong nước và họ sẽ tự tìm về.

Ông đánh giá thế nào về những chuyển biến trong phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thời gian qua?

So với giai đoạn trước đây, phong trào khởi nghiệp sang tạo đã có những chuyển biến rất tốt khi Chính phủ coi năm 2016 là năm Khởi nghiệp Quốc gia, đó là bước tạo đà cho năm 2017 và những năm tiếp theo. Những doanh nghiệp về CNTT, IoT, công nghệ số, và trí tuệ nhân tạo trong thời gian qua đã được thành lập rất nhiều. Ngoài ra còn có nhiều khu ươm tạo công nghệ, những không gian sáng tạo dành cho các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Tuy nhiên, cần phải hiểu cho đúng và làm cho đúng về khởi nghiệp để có thể phá triển nhanh hơn. Đang có một sự nhầm lẫn từ nhiều người khi cho rằng khởi nghiệp là khởi sự một công việc kinh doanh, cứ ra vỉa hè bán cái gì đó rồi gọi đó là khởi nghiệp là không đúng.

Khởi nghiệp là phải dựa trên nền tảng của đổi mới sáng tạo vào có hàm lượng trí tuệ cùng với những ý tưởng sáng tạo. Chính vì thế cả thế giới khởi nghiệp nhưng chỉ có vài quốc gia được gọi là quốc gia khởi nghiệp.

Hiểu đúng về khởi nghiệp mới có những giải pháp hỗ trợ phát triển khởi nghiệp. Chỉ những doanh nghiệp xuất phát từ đổi mới sáng tạo mới có giá trị gia tăng lớn và đóng góp lớn cho xã hội. Còn những loại hình khởi nghiệp khác chỉ được coi là mưu sinh mà thôi vì nó không đem lại giá trị gia tăng lớn cho xã hội.

Khi đã hiểu đúng về khởi nghiệp, cần có những giải pháp nào để phong trào khởi nghiệp đi vào thực chất, thưa ông?

Để phong trào này có thể phát triển được và đi vào chiều sâu, cần phải có một hệ sinh thái khởi nghiệp, trong đó có 5 cấu phần chính gồm: Hệ thống pháp lý; nguồn cung của thị trường công nghệ trong đó có các Viện Nghiên cứu, các Trường Đại học, các bằng sáng chế, ý tưởng sáng tạo…; nguồn cầu của thị trường là các doanh nghiệp sẵn sang sử dụng kết quả nghiên cứu và những bằng sáng chế đó để đưa vào sản xuất kinh doanh; cần có các tổ chức dịch vụ trong thị trường để kết nối giữa nguồn cung và nguồn cầu, đưa các nhà khoa học đến với doanh nghiệp và đưa doanh nghiệp đến với các bằng sáng chế, kể cả các kết quả nghiên cứu trong và ngoài nước; yếu tố thứ năm rất quan trọng là các Quỹ đầu tư. Chúng ta chưa có các quỹ đầu tư mang tính khởi nghiệp như Quỹ đầu tư mạo hiểm, các nhà đầu tư thiên thần. Đến bây giờ nhiều người vẫn còn mơ hồ về loại hình quỹ đầu tư này.

Khi chưa có nguồn đầu tư lớn từ nhà nước cũng như từ xã hội, các nhà khởi nghiệp cũng chỉ dừng lại ở mức độ nghiên cứu hoặc sản xuất thử nghiệm mà thôi. Trong công nghệ, nhất là công nghệ mới, yếu tố mạo hiểm là rất lớn, cho nên đã đầu tư là phải xác định đầu tư mạo hiểm. Một khi không chấp nhận điều này, sẽ chẳng bao giờ có doanh nghiệp lớn.

Cả 5 yếu tố trên cho đến thời điểm này mới chỉ ở dạng manh nha, cần phải hình thành nên hệ sinh thái khởi nghiệp hỗ trợ cho phong trào khởi nghiệp, có như vậy Việt Nam mới mong trở thành một quốc gia khởi nghiệp.

Xin cảm ơn ông!

Theo Infonet

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang