Nguyên liệu sản xuất Trà xanh C2 Ô Long: Dân Thái Nguyên ngơ ngác

author 09:43 21/08/2014

Các hộ nông dân tại Thái Nguyên khẳng định không bán chè tươi cho nhà máy chè Phúc Long – Đơn vị cung cấp nguồn nguyên liệu cho sản phẩm Trà C2 Ô Long.

Trong văn bản trả lời báo điện tử VTC News về nguồn gốc nguyên liệu sản xuất trà xanh C2 Ô Long, Công ty TNHH URC Việt Nam khẳng định: Toàn bộ nguyên liệu trà xanh Ô Long phục vụ cho việc sản xuất sản phẩm Trà C2 Ô Long do công ty TNHH SX&TM Phúc Long cung cấp, thu mua trực tiếp từ nông dân/cơ sở nhỏ ở khắp các vùng Thái Nguyên, trong đó có xã Tân Cương và Tức Tranh. Công ty và nhà máy chế biến của Phúc Long cũng đặt tại xã Tức Tranh, Thái Nguyên.

sản xuât trà xanh c2 ô long

Người dân xã Tức Tranh trồng nhiều giống chè đan xen lẫn nhau, trong đó có cả giống chè Ô Long, nhưng là để sản xuất chè xanh. Ảnh: VTC News

Nhóm phóng viên VTC News đã khảo sát thực tế tại hai xã này, theo đúng địa chỉ nhà sản xuất trà C2 Ô long cung cấp nhằm tìm ra câu trả lời xác thực nhất cho những ý kiến trên.

Trong vai một người đi tìm nguồn hàng, nhóm phóng viên VTC News đã được bà Hạnh, một người trồng chè tại xã Tức Tranh cho biết: “Ở đây, dân toàn sản xuất kiểu tự cung tự cấp, nghĩa là tự sản xuất, tự thu hoạch, tự sao chế, và sẽ có những tiểu thương nhỏ lẻ đến trực tiếp thu mua ngay tại vườn”.

Một tiểu thương buôn bán chè ở chợ trung tâm xã cũng khẳng định, trên địa bàn có trồng xen kẽ những giống chè dùng làm nguyên liệu để sản xuất chè Ô Long như Kim Tuyên, Thúy Ngọc... nhưng thực tế người dân đều thu hoạch, sấy khô và làm chè xanh. Chè Ô Long thì không ai làm, và cũng không gia đình nào có đủ dây chuyền thiết bị công nghệ để sản xuất chè Ô Long.

Cũng theo bà Hạnh, những giống chè như Kim Tuyên, Thúy Ngọc mới được đưa vào trồng dưới dạng thử nghiệm, và dùng để sản xuất chè xanh.

Loại chè này cho ra chất lượng cũng như hương vị chè tốt hơn, so với các loại chè cũ tại địa phương, đặc biệt là nó cho giá trị kinh tế cao hơn hẳn các loại chè lai hay các giống chè trung du khác.

Theo khảo sát của nhóm phóng viên VTC News, các giống chè trung du chiếm diện tích trồng khá lớn tại địa phương, nhưng giá trị khá rẻ, dao động từ 100.000 – 110.000đồng/kg.

Trong khi đó, cũng để làm ra chè xanh, chè đen thì những giống chè như Thúy Ngọc, Kim Tuyên có mức giá cao hơn hẳn, từ 170.000 – 200.000đồng/kg, thậm chí có những lúc thị trường khan hiếm, giá chè có thể được đẩy lên tới 400.000đồng/kg.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay trên địa bàn xã Tức Tranh chỉ có duy nhất một doanh nghiệp sản xuất chè đạt tiêu chuẩn VietGAP là Công ty Cổ phần chè Thác Dài của bà Lê Thị Thu Thủy và bà Cao Thị Ninh làm chủ. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là doanh nghiệp được vận hành theo hình thức hộ gia đình, và nguồn nguyên liệu chủ yếu là tự cung tự cấp.

Tại cơ sở này cũng chỉ có 2 máy sao chè với sản lượng thấp.

vườn chè của công ty Thác Dài

Vườn chè của công ty Thác Dài. Ảnh: VTC News

Theo bà Ninh, nguyên liệu sản xuất chè được lấy từ chính vườn chè của gia đình, những lúc có đơn đặt hàng nhiều thì có thể thu mua thêm từ các hộ gia đình xung quanh. Hiện nhà chị Ninh mới chỉ đang chế biến chè xanh từ các giống chè Trung Du, LDP1, Phúc Vân Tiên, Kim Tuyên... với công nghệ thủ công. Các loại chè này được bán ra thị trường với giá từ 250.000- 300.000đồng/kg. Thời điểm giá cao nhất đạt 500.000đồng/kg.

Mặc dù có trồng các giống chè có thể làm nguyên liệu sản xuất ra chè Ô Long, nhưng cơ sở của bà Ninh cũng chưa dám phát triển loại chè này, vì chi phí cho dây chuyền, thiết bị công nghệ quá cao, cũng như chưa tìm được đầu ra cho sản phẩm.

Ngoài ra, việc trồng các giống chè để làm chè Ô Long tại địa phương cũng khá thủ công. Các giống này chủ yếu được trồng bằng phương pháp giâm cành, sau đó san ủi đất, đào rãnh, ủ lót phân chuồng, phân NPK, đạm, lân, Kali, thuốc trừ bệnh, trừ sâu...

“Vì hiện tại chúng tôi chỉ trồng những giống này để làm chè xanh, nên việc trồng trọt và chăm bón các giống này cũng chưa yêu cầu kỹ thuật cao”, bà Ninh chia sẻ.

Chè xanh được sản xuất chỉ để tự cung tự cấp

Chè tại Tức Tranh được trồng theo hình thức tự cung tự cấp, dân khẳng định không bán cho bất cứ nhà máy nào. Ảnh: VTC News

Cũng theo bà Thủy, hiện nay trên địa bàn xã Tức Tranh, việc trồng các giống chè Ô Long mới chỉ manh mún, chưa đại trà. Hiện chưa có nhà máy nào trên địa bàn xã sản xuất hay thu mua giống chè Ô Long.

“Các nhà máy không phát triển được và không dám thu mua nguồn chè vì giá cao so với thị trường, trước đây cũng có 2 – 3 nhà máy, nhưng đã đóng cửa từ lâu”, bà Thủy nói.

Tương tự, PV VTC News cũng đã khảo sát tại xã Tân Cương – địa điểm mà công ty URC đã cung cấp trong văn bản trả lời báo điện tử VTC News.

Tại địa bàn này cũng chỉ rải rác một số hộ dân có trồng thử nghiệm các giống chè sản xuất sản ra sản phẩm trà Ô Long, nhưng cũng chỉ để sản xuất chè xanh, theo chủ trương phát triển kinh tế mới của tỉnh, quy hoạch giống chè làm mũi nhọn. Các hộ dân này cũng dùng những giống chè Ô Long để sản xuất chè xanh theo hình thức tự cung tự cấp.

Như vậy, qua khảo sát thực địa của PV VTC News có thể khẳng định, văn bản trả lời về nguồn cung cấp nguyên liệu sản xuất chè Ô Long tại Thái Nguyên, mà cụ thể là trên 2 xã Tức Tranh và Tân Cương, là không trung thực.

Thứ nhất, những người nông dân trên địa bàn 2 xã này có trồng những giống chè Ô Long, nhưng là để sản xuất chè xanh, vì chất lượng nguồn nguyên liệu không đảm bảo để sản xuất chè Ô Long.

Thứ hai, người dân trồng chè theo hình thức tự cung tự cấp chứ không cung cấp cho bất cứ nhà máy chè nào.

Vậy, Nhà máy chè Phúc Long được đóng tại địa bàn xã Tức Tranh - nơi cung cấp nguồn chè Ô Long “tươi ngon Thái Nguyên” cho sản phẩm Trà xanh C2 Ô Long Hoa hồng, mà công ty URC Việt Nam đã trả lời Báo điện tử VTC News, đang nằm ở đâu?

Theo VTC News


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang