Nhà băng nào đang gặp vướng mắc trong ‘đại án’ BIDV?

author 12:37 28/03/2020

(VietQ.vn) - Đến thời điểm 4/4/2019, Công ty Trung Dũng (pháp nhân chính trong 'đại án' BIDV) đang có khoản vay không có khả năng thu hồi với tổng dư nợ tạm tính là 477,82 tỷ đồng tại MBBank.

MBBank liên quan đến "mắt xích" nào?

Kết luận điều tra vụ án hình sự "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), CTCP Chăn nuôi Bình Hà và Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Trung Dũng (Công ty Trung Dũng)" cho thấy, đến thời điểm 4/4/2019 Công ty Trung Dũng đang có khoản vay với tổng dư nợ tạm tính là 477,82 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank) không có khả năng thu hồi.

Theo đó, ngày 21/3/2011, ông Đoàn Hồng Dũng đại diện Công ty Trung Dũng và ông Nguyễn Hải đại diện MBBank chi nhánh Long Biên đã ký Hợp đồng tín dụng số 29.11.066.89998.TD với nội dung: MBBank sẽ cấp tín dụng cho Trung Dũng với hạn mức tối đa 300 tỷ đồng; giá trị hạn mức bảo lãnh thanh toán tối đa là 200 tỷ đồng. Mục đích để tài trợ vốn lưu động, mở L/C nhập khẩu phục vụ hoạt động kinh doanh năm 2011 các mặt hàng thép, phôi thép, các loại than. Thời hạn hợp đồng đến hết 31/12/2012.

Tài sản thế chấp cho hạn mức là quyền đòi nợ phát sinh theo hợp đồng kinh tế giữa Công ty Trung Dũng và Công ty Hà Nam trị giá 65 tỷ đồng và quyền đòi nợ phát sinh bảng đối chiếu công nợ tháng 10/2011 giữa Công ty Trung Dũng và Công ty Hà Nam trị giá 607 tỷ đồng.

Tính đến thời điểm 30/9/2011, MBBank đã thực hiện giải ngân theo 6 khế ước nhận nợ với tổng sổ tiền là 246 tỷ đồng. Tổng nợ tạm tính đến ngày 4/4/2019 là 477,82 tỷ đồng. Công ty Trung Dũng không có khả năng trả nợ đối với khoản nợ này.

Không chỉ cho vay, trước đó, vào tháng 9/2009, MBBank còn mua 50 tỷ trái phiếu của Trung Dũng phát hành dưới sự bảo lãnh thanh toán 5 năm của BIDV. Đến tháng 7/2014, BIDV đã thực hiện bảo lãnh thanh toán cho MBBank gốc trái phiếu là 50 tỷ, Công ty Trung Dũng còn nợ MBBank 4,34 tỷ đồng tiền lãi trái phiếu.

 477,82 tỷ của MBBank không có khả năng thu hồi tại ‘đại án’ BIDV

Kết luận điều tra cho biết, MBBank không có khả năng thu hồi khoản nợ 477,82 tỷ đồng, các khoản vay không còn tài sản đảm bảo. Cơ quan điều tra cho rằng có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong việc cho vay. Tuy nhiên do chưa thu thập đầy đủ tài liệu nên chưa có căn cứ đánh giá việc MBBank thẩm định, đánh giá và quyết định cho vay có tuân thủ các quy định của pháp luật hay không.

‘Bóng ma nợ xấu’ leo thang

Từ số tiền không có khả năng thu hồi trên, nhìn kĩ bức tranh kinh doanh của MBBank năm 2019 cho thấy thu nhập lãi thuần của nhà băng này tăng 3.000 tỷ so với 2018, lên 17.999 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 8.068 tỷ đồng, tăng hơn 2.000 tỷ so với năm 2018. Tuy nhiên, các khoản nợ xấu, nợ mất khả năng thu hồi… của MBBank cũng tăng lên chóng mặt.

Đáng chú ý, khoản nợ có khả năng mất vốn lên tới 8.617 tỷ đồng; nợ nghi ngờ là 899 tỷ đồng; nợ cần chú ý là 2.896 tỷ đồng và nợ đủ chuẩn là 241.847 tỷ đồng. 

Các khoản nợ ngắn hạn lên tới 118.907 tỷ đồng; nợ trung hạn là 33.906 tỷ đồng và nợ dài hạn là 94.826 tỷ đồng. Các khoản nợ trên đều tăng so với cùng kỳ năm trước.

Tính đến 31/12/2019, MBBank ghi nhận nợ phải trả là 371.601 tỷ đồng, tăng 53.000 tỷ so với năm 2018; trong khi đó, vốn chủ sở hữu chỉ là 39.885 tỷ đồng. 

Không chỉ nợ xấu, MBBank còn có nhiều khoản chi phí ghi nhận âm. Đơn cử, chi phí lãi và các chi phí tương tự âm 13.196 tỷ đồng, tăng 3.000 tỷ so với cùng kỳ năm trước; chi phí hoạt động dịch vụ cũng âm 3.234 tỷ đồng; chi phí hoạt động khác âm 429 tỷ đồng. Tổng chi phí hoạt động ghi nhận âm hơn 9.723 tỷ đồng, tăng hơn 1.000 tỷ so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, chi phí dự phòng rủi ro cũng ghi nhận âm hơn 4.890 tỷ đồng; chi phí thuế TNDN hiện hành âm hơn 1.959 tỷ đồng; chi phí thuế TNDN âm 1.967 tỷ đồng…

Nợ xấu MCredit vẫn là gánh nặng

Một “bức tranh” khác cho thấy vấn đề của MBBank trong chuyển hướng hướng đến nhu cầu của thị trường là hiệu quả các chỉ số tài chính của Mcredit - công ty thành viên MBank sở hữu 50% cổ phần. Mcredit đang trở thành “nặng gánh” với nợ xấu của nhà băng này.

Tính đến 31/12/2019, nợ xấu hợp nhất MBBank là 5.792 tỷ đồng. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn là 617 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng là 2,3%. Trong khi đó, theo báo cáo tài chính riêng lẻ, nợ xấu tại ngân hàng mẹ cuối tháng 12/2019 là 4.379 tỷ đồng, tăng 1.267 tỷ đồng so với quý 3/2019 (3.112 tỷ đồng). Như vậy, ước tính nợ xấu tại công ty con MCredit là khoảng 1.413 tỷ đồng. 

Dễ dàng nhận thấy, từ cuối năm 2017 đến nay, xu hướng nợ nhóm 3, nợ nhóm 4 và nhóm 5 tại nhà băng này tăng mạnh. Đây cũng là cơ sở hình thành nợ xấu mới của ngân hàng.

Trên thị trường chứng khoán, kết thúc tuần giao dịch, giá cổ phiếu MBBank tiếp tục giảm mạnh, xuống còn 14.600 đồng/cổ phiếu; tương đương giảm 2,99% so với phiên giao dịch 26/3. Vốn hóa nhà băng này chỉ vỏn vẹn 35.207 tỷ đồng.

Còn nữa...

 Thảo Nguyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang