Nhà cao tầng, cẩu tháp tiềm ẩn nguy hiểm với gió bão giật mạnh

author 11:24 15/09/2017

(VietQ.vn) - Bão số 10 đang diễn biến rất phức tạp. Đây là lần đầu tiên Việt Nam đưa ra mức cảnh báo nguy hiểm cấp độ 4 (cấp 5 là mức thảm họa). Ở những công trình xây dựng có cẩu tháp và tòa nhà cao tầng, luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, bão số 10 di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ có xu hướng nhanh dần (17 km trong 24 giờ đầu, 20 km trong vòng 24-48 giờ tới, 25 km trong 48-72 giờ tiếp theo), bão liên tục mạnh lên, cao nhất cấp 12 - 13, giật cấp 15 trên vùng biển quần đảo Hoàng Sa. Khi vào Vịnh Bắc Bộ còn khoảng cấp 12, giật cấp 15. Nước biển dâng do bão cao 2-3m.

Dự kiến từ chiều tối và đêm 15/9, bão đổ bộ vào Thanh Hóa-Quảng Bình, trọng tâm là Nghệ An, Hà Tĩnh. Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 4 - cấp cao nhất từ trước đến nay. Đây là lần đầu tiên Việt Nam đưa ra mức cảnh báo nguy hiểm cấp độ 4 (cấp 5 là mức thảm họa).

Hà Nội: Nhà cao tầng, cẩu tháp phải 'cảnh giác' với Bão số 10 giật cấp 15

Hình ảnh cơn bão số 10 qua vệ tinh sáng 14/9 với vùng mây bao trùm cả khu vực giữa Biển Đông, mắt bão đã hình thành. Ảnh: NCHMF. 

Hà Nội: Nhà cao tầng, cẩu tháp tiềm ẩn nguy hiểm với gió bão giật mạnh

Trên địa bàn Hà Nội hiện có hàng nghìn công trình xây dựng cao tầng đang thi công. Trong đó, nhiều công trình nằm trong khu dân cư, sát với tuyến giao thông có mật độ phương tiện qua lại đông đúc. Mùa mưa bão đang diễn ra, nguy cơ xảy ra sự cố từ cẩu tháp tại Hà Nội khiến người dân không khỏi hoang mang, lo lắng hơn bao giờ hết. Thực tế đã xảy ra không ít vụ tai nạn do các cần trục tháp gây ra.

Vào đầu tháng 3/2016, một chiếc tháp cẩu đang hoạt động trong công trường trên đường Trương Định (P.Tân Mai, Q. Hoàng Mai, Hà Nội) cũng bất ngờ bị gãy sập thành 3 đoạn.

Mới đây, đầu tháng 5/2017, một vụ tai nạn lao động liên quan đến cẩu nâng hạ thiết bị trên cao tại khu chung cư 16 tầng thuộc dự án Thanh Hà Cienco 5, xã Cự Khê, Thanh Oai khiến 3 công nhân bị thương.

Hà Nội: Nhà cao tầng, cẩu tháp phải 'cảnh giác' với Bão số 10 giật cấp 15

Cần cẩu trục tháp một công trình trên địa bàn Đà Nẵng bị gió bão Xangsane-2006 quật gãy. Ảnh: Sở Tư pháp Đà Nẵng 

Bão số 10 diễn biến phức tạp, mưa gió kèm theo gió giật mạnh trên diện rộng đặt các công trình đang thi công vào tình thế nguy hiểm. Các đơn vị thi công cần tập trung tăng cường công tác đảm bảo an toàn trên công trình để không xảy ra những sự cố đáng tiếc như vụ tai nạn lao động nghiêm trọng cuối năm 2016 tại công trình chung cư Dream Home (quận Gò Vấp). Theo đó, giông gió mạnh bất ngờ kéo đến, giàn giáo bị đổ nghiêng khiến 3 công nhân bị rơi xuống, 2 công nhân kịp bám vào lan can sắt còn 1 người rơi từ độ cao khoảng 35 mét và tử vong sau đó. 

Xem thêm video, Giàn giáo 35 tầng sập kinh hoàng trong bão tại Tehran, Iran.

Ngày 13/9/2017, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai Thành phố có Công điện số 14/CĐ-BCH về việc chủ động ứng phó với bão số 10 và mưa lũ sau bão.

Theo đó, để chủ động ứng phó với bão số 10 cũng như mưa lớn có thể xảy ra do ảnh hưởng của hoàn lưu bão và đề phòng sự cố các hồ chứa trên thượng nguồn, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai Thành phố Hà Nội yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các quận, huyện, thị xã; các Sở, ban, ngành; Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội; Công ty TNHH MTV Cây xanh Hà Nội; Các Công ty TNHH MTV ĐTPT Thủy lợi: Sông Nhuệ, Hà Nội, Mê Linh, Sông Đáy và Công ty Thủy lợi Sông Tích; Tổng Công ty Điện lực thành phố; Đài Phát thanh và truyền hình Hà Nội theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão và tình hình mưa lũ trên các phương tiện thông tin đại chúng; thông tin, cảnh báo kịp thời đến người dân để chủ động phòng tránh; kiểm tra các trọng điểm xung yếu, các công trình (đặc biệt các công trình đang thi công), chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, trang thiết bị, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ”, chủ động chỉ đạo đối phó kịp thời với mọi diễn biến của bão và mưa lũ, đảm bảo an toàn công trình, tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra.

Tăng cường công tác kiểm tra hồ đập trên địa bàn, chỉ đạo các đơn vị quản lý hồ chứa nước bố trí lực lượng thường trực, theo dõi, vận hành hồ, đặc biệt là đối với các hồ chứa nước đã đầy nước, sẵn sàng lực lượng vật tư, phương tiện để xử lý khi có tình huống xảy ra; các chủ đầu tư, các đơn vị thi công tại các công trình, đặc biệt là công trình nhà cao tầng, các cẩu tháp phải bảo đảm an toàn khi chịu ảnh hưởng của gió bão mưa lớn.

Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội sẵn sàng triển khai phương án tiêu thoát nước đô thị, đặc biệt là các quận nội thành. Các Công ty thủy lợi triển khai tiêu kiệt nước đệm trên các kênh mương và trục tiêu chính; Công ty TNHH MTV công viên cây xanh tổ chức lực lượng kịp thời giải tỏa cây đổ khi có mưa to, gió lớn; hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản; không làm ảnh hưởng đến giao thông và sinh hoạt của nhân dân.

Bộ Tư lệnh Thủ đô, Công an Thành phố chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng cứu, giữ gìn trật tự trị an khi có tình huống xảy ra trên địa bàn Thành phố. Phối hợp với Sở Giao thông vận tải phân luồng giao thông khi có tình huống úng, ngập xảy ra, đặc biệt là khu vực nội thành.

Dũng Linh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang