Nhà đầu tư Oman sẽ nắm một phần ba cảng Hài Phòng

author 11:46 22/01/2015

(VietQ.vn) - Tổng công ty Hàng hải (Vinalines) vừa báo cáo Bộ Giao thông Vận tải phương án thoái vốn tại Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng cho đối tác nước ngoài theo hình thức thỏa thuận trực tiếp với nhà đầu tư Oman.

Theo tin tức từ báo Vnexpress, Vinalines dự định thoái 29,68% vốn điều lệ tại cảng lớn nhất miền Bắc để giảm tỷ lệ phần vốn Nhà nước tại đây từ 94,68% xuống còn 65%. Tỷ lệ này tương đương hơn 97 triệu cổ phần. Nếu theo mệnh giá 10.000 đồng mỗi cổ phần khi xây dựng phương án IPO, thì giá trị thu về chỉ khoảng 970 tỷ đồng. 

Tuy nhiên, Vinalines cho hay giá trị chuyển nhượng sẽ không thấp hơn mức đấu giá bình quân khi thực hiện IPO vừa qua. Do vậy, chiếu vào giá bán bình quân 13.800 đồng mỗi cổ phần ở lần IPO hồi tháng 5/2014 thì số tiền thu về trong thương vụ này lên đến gần 1.340 tỷ đồng.

Xét đề nghị của Bộ Giao thông Vận tải và ý kiến của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc chuyển nhượng cổ phần cho Công ty Cổ phần đầu tư Việt Nam - Oman, Chính phủ đã đồng ý cho phép Vinalines bán tối thiểu 19,68%, tối đa 29,58% cổ phần thuộc sở hữu của Vinalines tại Công ty Cổ phần Cảng Hải Phòng, theo thông tin cập nhật trên báo Vneconomy.

Đến hết năm 2014, Cảng Hải Phòng có vốn điều lệ gần 3.270 tỷ đồng

Đến hết năm 2014, Cảng Hải Phòng có vốn điều lệ gần 3.270 tỷ đồng. Ảnh minh họa

Việc thoái vốn nhà nước thực hiện theo quy định hiện hành, đảm bảo Vinalines nắm giữ cổ phần chi phối từ 65% đến 75% tổng vốn điều lệ 3.269 tỷ đồng tại Cảng Hải Phòng. Hiện Vinalines đang nắm giữ 94,68% cổ phần tại Cảng Hải Phòng sau khi đơn vị này được cổ phần hoá từ 1/7/2014.

Tuy nhiên, trong phương án mới trình, Tổng công ty Hàng hải vẫn bảo lưu đề xuất bán theo hình thức thỏa thuận trực tiếp. Vinalines lập luận, nếu tiếp tục đấu giá cổ phần thì sẽ khó đạt hiệu quả bởi cả hai lần bán đấu giá trước đó, Cảng Hải Phòng chỉ thoái được được hơn 17 triệu cổ phần, tương đương khoảng 5,5% vốn điều lệ. Chưa kể, tới đây nguồn cung sẽ rất lớn khi một loạt cảng biển lớn cũng sẽ chào bán cổ phần ra công chúng.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp này khẳng định, đối tác của họ - Công ty cổ phần Đầu tư Việt Nam - Oman (VOI) là thành viên thuộc Quỹ dự trữ quốc gia Oman lại không được tham gia đấu giá trong các dự án đầu tư theo quy định của Vương quốc. Do vậy, thỏa thuận trực tiếp được Vinalines coi là “điều kiện tiên quyết” với đối tác này.

Phía Oman cam kết sẽ hỗ trợ Công ty Cổ phần Cảng Hải Phòng về quản trị, công nghệ khai thác cảng và tìm kiếm đối tác, khách hàng trong giai đoạn tới. Có một chi tiết khá thú vị, sau hai lần phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của Cảng Hải Phòng trong năm 2014 dường như đều bị “ế”, thì nay, với việc Chính phủ cho phép giảm tỷ lệ sở hữu của Nhà nước tại cảng Hải Phòng xuống còn 51%, thì cổ phần của Cảng Hải Phòng lại đang trở nên “đắt hàng”.

Thái Hà


 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang