(VietQ.vn) - 43 năm thực hiện công việc nghiên cứu khoa học, PGS. TS Đinh Duy Kháng đã có hơn 160 công trình nghiên cứu có ý nghĩa thực tiễn cao trong lĩnh vực công nghệ sinh học. Đáng chú ý, mới đây, ông đã cùng nhóm nghiên cứu đứng đầu là PGS.TS. Đồng Văn Quyền, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Sinh học (Viện Hàn lâm KH&CN VN) chế tạo thành công bộ sinh phẩm chẩn đoán COVID – 19 (KIT phát hiện SARS-CoV-2 bằng Real-time PCR).

PGS. TS Đinh Duy Kháng, người con quê hương Ninh Bình trở về nước công tác tại Viện Khoa học Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) vào năm 1977 sau khi tốt nghiệp đại học tại Cộng hoà Séc. Với mong muốn cống hiến sức lực và trí tuệ cho nền khoa học nước nhà, ông luôn phấn đấu và tập trung nghiên cứu vào các lĩnh vực nóng bỏng như: Ứng dụng các kỹ thuật của công nghệ gen, vi sinh vật học và miễn dịch học để tạo vắc xin phòng bệnh cho người và vật nuôi; Chế tạo các bộ sinh phẩm (Kit) chẩn đoán bệnh ở người và vật nuôi… 

Công việc khoa học tưởng như khô khan nhưng với PGS. TS Đinh Duy Kháng thì nghiên cứu khoa học phải được dùng như một phương tiện để giải quyết những vấn đề của xã hội, “nhảy vào những điểm nóng mang tính thời sự như COVID – 19 hiện nay hay cúm gia cầm H5N1 trước đây…”. Chính vì vậy, cuộc đời ông luôn gắn với các công trình nghiên cứu có ý nghĩa thực tiễn cao, đầy tính thời sự.

Năm 2003, dịch cúm gia cầm H5N1 bùng phát với tốc độ lây lan chóng mặt, hàng triệu gia cầm bị tiêu huỷ, gây thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng. Trước thực trạng bức thiết, GS. TS Lê Trần Bình (Viện Trưởng Viện CNSH) đã đề xuất đề tài: “Nghiên cứu xây dựng quy trình sản xuất vaccine cúm A/H5N1 cho gia cầm” và đề nghị PGS. TS Đinh Duy Kháng chịu trách nhiệm thực hiện chính, kết hợp với TS. Trần Xuân Hạnh, Phó Tổng giám đốc NAVETCO cùng nghiên cứu sản xuất. Đề tài đã được nghiên cứu thành công và đưa vào ứng dụng mang lại hiệu quả thiết thực.

Kết quả, từ năm 2012 đến nay đã có hàng triệu liều vắc xin cung cấp ra thị trường, góp phần giúp Việt Nam tự túc được nguồn vắc xin cúm gia cầm mà không phụ thuộc vào nước ngoài. Năm 2019, để ghi nhận kết quả nghiên cứu này, PGS. TS Đinh Duy Kháng đã được trao tặng Giải thưởng Trần Đại Nghĩa cùng GS. TS Lê Trần Bình và TS Trần Xuân Hạnh.

Thế nhưng, việc nghiên cứu vắc xin cho người lại vô cùng gian nan, phải trải qua rất nhiều công đoạn nghiên cứu, thử nghiệm đòi hỏi độ chính xác cao, không thể cho phép sai sót. Do vậy, trong quá trình tham gia nghiên cứu sản xuất vắc xin cúm A/H5N1 dùng cho người cùng các đồng nghiệp tại Viện Vắc xin Nha Trang, ông luôn giữ cho mình sự tỉnh táo cần thiết và cẩn trọng trong từng chi tiết. Đồng thời đảm bảo an toàn cho bản thân, đồng nghiệp cũng là yếu tố quan trọng bởi chỉ cần sơ suất nhỏ có thể nhiễm loại vi rút nguy hiểm này.

“Với sản phẩm vắc xin phòng H5N1, Việt Nam là nước đầu tiên được gửi sang tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kiểm nghiệm đánh giá và đạt tiêu chuẩn chất lượng. Ngay sau đó, WHO đã tài trợ Viện Vắc xin Nha Trang một nhà máy sản xuất vắc xin cúm cho người, đây là dấu ấn sự nghiệp nghiên cứu của tôi và ê kíp tham gia sản xuất", PGS Kháng chia sẻ.

Để có được kết quả đó, nhóm nghiên cứu đã làm việc trong điều kiện áp lực, nhiều buổi kéo dài tới 4h sáng mới bước ra khỏi căn phòng an toàn sinh học cấp 3, trên mình vẫn khoác bộ trang phục bảo hộ kín mít. Vất vả là vậy nhưng tình đồng nghiệp lúc nào cũng ấm áp, chân thành.

Với PGS. TS Đinh Duy Kháng, khoa học không những giải quyết những vấn đề cấp bách mà còn có mối quan hệ mật thiết với đời sống con người. Chính vì vậy, những phát minh, nghiên cứu của khoa học trước hết phải phục vụ cho nhu cầu và lợi ích của đời sống.

Với mong muốn đóng góp cho sự nghiệp bảo vệ sức khoẻ cộng đồng, năm 1992, trước thực tế tại Việt Nam có rất nhiều người bị loạn khuẩn đường ruột do kháng sinh, ông đã nghiên cứu sản xuất thành công men tiêu hoá Biolactomen, một sản phẩm đã được kiểm nghiệm về độ an toàn và hiệu quả. Biolactomen chứa 2 chủng vi sinh trợ sinh là L.acidophilus và L. casei có khả năng ức chế vi khuẩn có hại như E. coli, salmonella… Nhiều công trình nghiên cứu còn chứng minh khả năng hỗ trợ điều trị loại bỏ vi khuẩn HP. Men vi sinh giúp bổ sung vi khuẩn có lợi, ức chế vi khuẩn có hại, lập lại cân bằng vi sinh đường ruột của PGS. TS Đinh Duy Kháng đã được 3 cơ sở y tế uy tín là Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Quân Y 108 và Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương kiểm nghiệm an toàn. Đến nay sau gần 30 năm có mặt trên thị trường Việt Nam, loại men vi sinh của ông vẫn đang được sản xuất và bán ra hàng triệu lọ mỗi năm.

PSG. TS Đinh Duy Kháng chia sẻ: “Khoa học không thể đứng ngoài cuộc trước các vấn đề nóng của đất nước, mà phải cống hiến hết sức lực, trí tuệ của mình để giải quyết các vấn đề như COVID – 19 hiện nay”. Để "chạy đua" với dịch bệnh nguy hiểm có thể bùng phát bất cứ lúc nào, ông và nhóm nghiên cứu đứng đầu là PGS. TS Đồng Văn Quyền, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Sinh học đã tập trung nghiên cứu giải mã một phần bộ gen của SARS-CoV-2 và chế tạo thành công bộ KIT chẩn đoán COVID – 19 đạt tiêu chuẩn WHO.

Kết quả nghiên cứu khẳng định Việt Nam đã làm chủ công nghệ hiện đại và hoàn toàn chủ động trong việc sản xuất bộ KIT realtime RT- PCR dùng để chẩn đoán SARS-CoV-2, giảm bớt sự phụ thuộc vào việc nhập ngoại KIT chẩn đoán hiện đang trong tình trạng khan hiếm. “Cuộc đua” vẫn chưa kết thúc. Sau khi chế tạo thành công ngoài mong đợi bộ KIT chẩn đoán COVID – 19, vị PGS. TS 68 tuổi tiếp tục tham gia cuộc chiến chống dịch cùng nhóm nghiên cứu tại Trung tâm NC&SX Vắc xin (Polyvac) chế tạo vắc xin phòng COVID – 19.

“Công trình nghiên cứu của PGS. TS Đinh Duy Kháng luôn luôn là những vấn đề mang “tính thời sự”, nóng hổi của khoa học trong nước cũng như toàn cầu. Trên những chặng đường dài nghiên cứu của mình, ông luôn dành cả trí tuệ và trái tim đam mê nhiệt huyết đối với khoa học nước nhà. Những công trình của ông đã được áp dụng nhiều vào công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Trên con đường gian nan và đầy thử thách ây, ông không hề đơn độc mà luôn có sự đồng hành của gia đình và các đồng nghiệp” - tác giả của cuốn sách Di sản các nhà Khoa học Việt Nam và Thế giới đã nhận xét về PGS. TS Đinh Duy Kháng như vậy.

Thực hiện: Doãn Trung
Thích và chia sẻ bài viết:

Về đầu trang