Nhà khoa học đánh giá cao phát minh của nông dân

author 15:38 16/04/2013

(VietQ.vn) – Khi nông dân làm ra các máy móc canh tác trên mảnh ruộng của mình, các nhà khoa học cũng nghiên cứu ra các sản phẩm có thể nhân rộng và xuất khẩu…chứ không “ngồi chơi”.

Lời Tòa soạn: “Hai lúa làm máy bay, nông dân chế tạo máy thu hoạch mía, máy vặt hạt điều”…là những thông tin từng được báo chí đăng tải. Tuy nhiên, sau đó, nhiều người lại “suy diễn” rằng: những người nông dân “ít học” làm được biết bao sáng chế, nâng cao năng suất; còn các nhà khoa học, chuyên gia “học nhiều” nhưng chỉ làm ra những sản phẩm “cho vào ngăn kéo”.

Để làm rõ vấn đề này, Chất lượng Việt Nam có cuộc trao đổi với Tổng Giám đốc Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM), ông Lâm Chí Quang.

Tổng Giám đốc VEAM, ông Lâm Chí Quang. Ảnh: Kim Thanh
Tổng Giám đốc VEAM, ông Lâm Chí Quang. Ảnh: Kim Thanh

- Các chuyên gia, kỹ sư của Tổng Công ty đã làm ra những sản phẩm gì phục vụ nông nghiệp?

Trong lĩnh vực máy nông nghiệp, các kỹ sư của VEAM đặc biệt ưu tiên việc nghiên cứu, phát triển, thiết kế, sản xuất các sản phẩm chính phục vụ sản xuất lúa nói riêng và nông nghiệp nói chung, như: động cơ diesel, máy kéo 4 bánh, máy cấy lúa, máy gặt đập liên hợp, máy chế biến sau thu hoạch, xe vận tải chuyên dùng…

Một số sản phẩm của các kỹ sư cơ khí.
Một số sản phẩm của các kỹ sư cơ khí.

- Khi thấy nông dân chế tạo máy bay, làm các nông cụ mới...các chuyên gia như ông cảm thấy thế nào?

Chúng tôi trân trọng và đánh giá cao những phát minh của nông dân. Song, chúng tôi không có bình luận gì, vì đây là lĩnh vực sản xuất nhỏ, phục vụ cho một vài nhu cầu cụ thể trong sản xuất nông nghiệp.

- Những nhà khoa học Việt Nam gặp khó khăn gì khi đưa các sản phẩm của mình ứng dụng vào sản xuất trong nông nghiệp?

Đặc điểm sản xuất nước ta là quy mô nhỏ, lẻ, tập quán sản xuất khác nhau. Máy móc phù hợp với vùng miền này lại không phù hợp với vùng, miền khác.

Nhu cầu thì khá cao nhưng sức mua hạn chế do khả năng kinh tế của người nông dân có hạn và ít nhận được sự hỗ trợ thiết thực của Nhà nước và địa phương.

Để sản xuất máy phù hợp, cần đầu tư lớn về nghiên cứu, thiết kế và sản xuất, lắp ráp. Trong khi chúng tôi phải tự túc vốn, hoặc đi vay thương mại với lãi xuất cao. Việc đầu tư lớn cho sản xuất máy nông nghiệp với sản lượng nhỏ (vài nghìn máy/năm) là khó khăn lớn nhất trong việc giải bài toán chất lượng và hiệu quả trong sản xuất kinh doanh kinh tế thị trường hiện nay.

Máy cày Bông sen đã được đưa vào sản xuất từ 2012.
Máy cày Bông sen của công ty đã được đưa vào sản xuất từ 2012.

- Vậy chúng ta phải làm gì để các sản phẩm nghiên cứu của các nhà khoa học Việt Nam được đến tay nông dân?

Trước hết, phải xem xét các nước đã thành công trong nông nghiệp.

Ở Trung Quốc, chính phủ trợ cấp nông dân mua máy, xã hội hóa hoạt động dịch vụ máy nông nghiệp.

Ở Hàn Quốc, từ năm 1994 đã ban hành Luật “Khuyến khích cơ giới hóa nông nghiệp”, quy định hỗ trợ nông dân mua máy móc và hỗ trợ tín dụng cho các nhà sản xuất máy.

Ở Nhật Bản, chính phủ khuyến khích các gia đình (từ 3 hộ) trở lên mua chung các loại máy nông nghiệp, bằng cách hỗ trơ từ 1/3 đến ½ giá máy. Nếu mua máy tiên tiến sẽ được hưởng lãi suất thấp hơn 3% lãi suất các ngân hàng.

Vì thế, Việt Nam cần có chính sách ưu đãi thuế với các doanh nghiệp sản xuất máy nông nghiệp, giảm thuế nhập khẩu các linh kiện mà trong nước chưa sản xuất được…Đồng thời, hỗ trợ nông dân mua máy nông nghiệp từ các nhà sản xuất trong nước, trợ giá cho các sản phẩm của Việt Nam sản xuất…

Xin cảm ơn ông !

Hoàng Tuân (thực hiện)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang