Nhà khoa học giỏi được đãi ngộ như nào từ 2014?

author 06:51 26/10/2013

(VietQ.vn) - Sẽ được nâng lượng vượt bậc, được đảm bảo điều kiện về phòng thí nghiệm, được quyền tự chủ về tài chính theo hình thức khoán đến sản phẩm cuối cùng...

Bộ KHCN đang hoàn thiện dự thảo Nghị định chính sách sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động KHCN.

Theo đó, tại Điều 15 Dự thảo Nghị định đã quy định nhiệm vụ của nhà khoa học đầu ngành gồm có các nhiệm vụ chung thể hiện vai trò, sứ mệnh đại diện, định hướng và dẫn dắt cho một ngành, một bộ môn khoa học và các nhiệm vụ cụ thể gắn với việc thực hiện vai trò định hướng dẫn dắt của nhà khoa học đầu ngành.

GS Trương Nam Hải và PGS Chu Hoàng Hà (trái) là 2 nhà khoa học của Viện Công nghệ Sinh học.
GS Trương Nam Hải và TS Chu Hoàng Hà (phải) đều là các nhà khoa học giỏi trong lĩnh vực Công nghệ sinh học.

Các nhiệm vụ của nhà khoa học đầu ngành được Dự thảo đưa ra đồng thời để lựa chọn và để đánh giá sự duy trì vai trò đầu ngành của một nhà khoa học được công nhận là nhà khoa học đầu ngành. Các nhiệm vụ đó thể hiện năng lực, kết quả hoạt động thực tiễn có tính toàn diện và uy tín khoa học của nhà khoa học đầu ngành.

Nhiều đãi ngộ với nhà khoa học đầu ngành

Trên cơ sở xác định nhiệm vụ của nhà khoa học đầu ngành, Điều 16 Dự thảo Nghị định quy định tiêu chuẩn lựa chọn nhà khoa học đầu ngành với các tiêu chí về vị trí quản lý khoa học đang đảm nhiệm, về trình độ đào tạo, kinh nghiệm quản lý, uy tín khoa học và các thành tích KHCN cụ thể, trong đó các thành tích của cá nhân hoạt động KHCN để được xem xét, lựa chọn là nhà khoa học đầu ngành có sự khác biệt về chất so với các thành tích được xem xét để áp dụng các chính sách ưu đãi khác.

Tiêu chí về vị trí quản lý khoa học đang đảm nhiệm phải “đứng đầu bộ môn khoa học hoặc tương đương của các tổ chức KHCN do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập” nhằm giới hạn phạm vi đối tượng được xem xét, lựa chọn là nhà khoa học đầu ngành, đồng thời đó là tiêu chí cần thiết vì để thực hiện vai trò “đầu ngành”, vị trí thực tế gắn với chuyên môn đang đảm nhiệm của nhà khoa học là yêu cầu cần thiết.

Việc lựa chọn nhà khoa học đầu ngành gắn liền với việc áp dụng các chính sách trọng dụng để phát huy vai trò đầu ngành của các nhà khoa học được công nhận vị trí đầu ngành. Vì vậy, để bảo đảm tính chặt chẽ của chính sách và tính khả thi, dễ áp dụng trên thực tế, Dự thảo Nghị định đưa ra quy định về công nhận và miễn nhiệm nhà khoa học đầu ngành tại Điều 17.

Theo đó việc công nhận, miễn nhiệm nhà khoa học đầu ngành do Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện sau khi có ý kiến thẩm định của cơ quan quản lý nhà nước về KHCN là Bộ Khoa học và Công nghệ. Nhà khoa học đầu ngành bị xem xét miễn nhiệm nếu không hoàn thành các nhiệm vụ phải đạt được hàng năm hoặc trong thời gian quy định hoặc khi bị phát hiện thiếu trung thực trong hồ sơ xem xét làm sai lệch kết quả xét công nhận nhà khoa học đầu ngành.

Chính sách trọng dụng nhà khoa học đầu ngành quy định tại Điều 18 Dự thảo cụ thể hóa quy định tại khoản 2 Điều 23 của Luật KHCN và đưa ra các nội dung trọng dụng khác để tạo điều kiện thực hiện vai trò đầu ngành của nhà khoa học, đồng thời thể hiện mức độ trọng dụng đặc biệt của Nhà nước đối với đối tượng này. Kinh phí để thực hiện chính sách trọng dụng đối với nhà khoa học đầu ngành được cấp từ Quỹ Phát triển KHCN quốc gia.

Tháo "xiềng xích" cơ chế tài chính

Dự thảo quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật KHCN thay thế Nghị định số 81/2002/NĐ-CP ngày 17/10/2002 đã quy định về “nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia” và “nhiệm vụ KHCN đặc biệt”, chưa có tiêu chí “nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia đặc biệt quan trọng”. Để bảo đảm có sự phù hợp giữa nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia đặc biệt quan trọng với các chính sách trọng dụng đặc biệt áp dụng với nhà khoa học được giao chủ trì loại nhiệm vụ KHCN đặc biệt này, Dự thảo Nghị định đưa ra tiêu chí xác định nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia đặc biệt quan trọng “là nhiệm vụ KHCN do Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đề xuất và Thủ tướng Chính phủ giao trực tiếp”. Trên thực tế, đó thường là những nhiệm vụ KHCN có tầm quan trọng mang tính chiến lược đối với an ninh, quốc phòng và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Lãnh đạo Đảng và Nhà nước đề xuất chính vì sự cần thiết, tầm quan trọng đối với quốc gia. Bộ KHCN có trách nhiệm tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ trong việc xác định và phê duyệt các nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia đặc biệt quan trọng.

Nhà khoa học được giao chủ trì nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia đặc biệt quan trọng có nhiệm vụ tổ chức triển khai và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nhiệm vụ (có thể coi như Tổng công trình sư chịu trách nhiệm chỉ đạo tổ chức thực hiện một nhiệm vụ cụ thể), vì thế chính sách trọng dụng với nhà khoa học được giao chủ trì nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia đặc biệt quan trọng (quy định tại Điều 20 Dự thảo Nghị định) tập trung vào việc tạo điều kiện chủ động về mọi mặt cho nhà khoa học và các điều kiện hỗ trợ khác để thực hiện nhiệm vụ, gồm có:

Quyền tự chủ đặc biệt về tài chính trong suốt thời gian thực hiện nhiệm vụ,  theo phương thức khoán chi,

Quyền được chủ động bố trí, sử dụng nhân lực để thực hiện nhiêm vụ (đề xuất huy động nhân lực từ các tổ chức KHCN tham gia thực hiện nhiệm vụ, thuê hoặc mời chuyên gia trong nước và nước ngoài để tư vấn hoặc tham gia thực hiện nhiệm vụ);

Quyền được tạo các điều kiện thuận lợi khác trong thời gian thực hiện nhiệm vụ: bố trí nhà ở, phương tiện đi lại công vụ; tiếp cận thông tin, tư liệu phục vụ nghiên cứu...

Kinh phí để thực hiện chính sách trọng dụng đối với nhà khoa học được giao chủ trì nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia đặc biệt quan trọng gắn liền với kinh phí thực hiện nhiệm vụ. Vì thế để bảo đảm các chính sách trọng dụng nhà khoa học được giao chủ trì nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia đặc biệt quan trọng cũng như thuận lợi để triển khai các nhiệm vụ này, dự thảo Nghị định đề xuất nguồn kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia đặc biệt quan trọng từ ngân sách nhà nước dành cho sự nghiệp KHCN, được giao trực tiếp cho Bộ KHCN dự toán, quản lý và bố trí hàng năm cho các nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia đặc biệt quan trọng.

Nhiều ưu đãi với nhà khoa học trẻ tài năng

Điều 21 của Dự thảo Nghị định quy định mục tiêu trọng dụng và tiêu chí xác định nhà khoa học trẻ tài năng. Theo đó, nhà khoa học trẻ tài năng được xác định là nguồn hình thành đội ngũ nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học được giao chủ trì nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia đặc biệt quan trọng và chính sách trọng dụng nhằm tạo điều kiện phát triển các nhà khoa học trẻ tài năng phù hợp với định hướng nêu trên. Việc lựa chọn nhà khoa học trẻ tài năng dựa trên các yếu tố: độ tuổi, trình độ và kết quả hoạt động KHCN.

Các nhà khoa học thuộc các lĩnh vực khác nhau đạt tới độ chín ở độ tuổi khác nhau (thông thường khoa học kỹ thuật đạt tới độ chín ở độ tuổi cao hơn so với khoa học công nghệ...), tuy nhiên theo kinh nghiệm quốc tế và phù hợp với một số chương trình ưu đãi dành cho cán bộ trẻ đã được ban hành trước đây (Đề án 322 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đề án 165 của Ban Tổ chức Trung ương...), dự thảo Nghị định quy định độ tuổi của nhà khoa học thuộc nhóm này là dưới 40 tuổi.

Bên cạnh tiêu chí về độ tuổi và trình độ, dự thảo Nghị định quy định cán bộ khoa học trẻ được coi là tài năng nếu có thành tích KHCN xuất sắc.

Nhà khoa học trẻ tài năng được xác định là nguồn để hình thành đội ngũ các nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học được giao chủ trì nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia đặc biệt quan trọng. Chính sách trọng dụng đối tượng này vì thế gồm 02 khía cạnh cơ bản: các chính sách để đạt được mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng và các chính sách tạo điều kiện cho cán bộ khoa học trẻ tài năng có điều kiện phát triển các ý tưởng nghiên cứu khoa học. Cụ thể các chính sách trọng dụng nhà khoa học trẻ tài năng được quy định trong dự thảo gồm có:

Ưu đãi về đào tạo, bồi dưỡng: được ưu tiên tham gia các chương trình nghiên cứu sau tiến sỹ tại các cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu ở trong và ngoài nước; tham gia nhóm nghiên cứu của các nhà khoa học đầu ngành; được ưu tiên xét cử đi thực tập, làm việc có thời hạn tại các tổ chức KHCN uy tín ở nước ngoài;

Được thành lập nhóm nghiên cứu xuất sắc trong lĩnh vực chuyên môn và được hỗ trợ kinh phí cho hoạt động của nhóm thông qua các dự án nghiên cứu được tuyển chọn;

Được hỗ trợ kinh phí sử dụng phòng thí nghiệm, tham gia hội nghị, hội thảo khoa học trong và ngoài nước thuộc lĩnh vực chuyên môn;

Được ưu tiên thuê, mua nhà xã hội...

Kinh phí để thực hiện chính sách trọng dụng đối với nhà khoa học trẻ tài năng được cấp từ Quỹ Phát triển KHCN quốc gia.

Toàn văn Dự thảo Nghị định được đăng trên Cổng thông tin Bộ KHCN: http://www.most.gov.vn

Thùy Chi

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang