Nhà khoa học kiêm... doanh nhân

author 08:43 22/12/2012

(VietQ.vn) - Theo mô hình Thung lũng Silicon, nhà khoa học không chỉ là những người nghiên cứu mà còn là những doanh nhân kinh doanh trên chính sản phẩm nghiên cứu của mình và có thể tự quản lý, phát triển công trình nghiên cứu đó một cách độc lập.

Việt Nam đang xây dựng một mô hình thương mại hóa công nghệ theo mô hình mẫu Thung lũng Silicon. Tại mô hình này, các nhà khoa học được toàn xã hội “nuôi dưỡng” đến khi họ có thể tự phát triển các công trình khoa học khả thi và khi đó các công trình này sẽ là “nguồn sống” của các nhà khoa học, họ cũng có thể sẽ trở thành các doanh nhân khoa học.

Thông tin trên được đưa ra tại Hội thảo khoa học “Một hướng đi mới cho Chương trình Thương mại hóa công nghệ tại Việt Nam” do Văn phòng Phối hợp Phát triển Môi trường Khoa học và Công nghệ (KH&CN) chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý Dự án “Đối tác Đổi mới sáng tạo Việt Nam – Phần Lan” tổ chức ngày 21/12, tại Hà Nội. 

Đến dự hội thảo có Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng; đại diện lãnh đạo và cán bộ các đơn vị thuộc Bộ KH&CN; đại diện một số Bộ ngành và Sở KH&CN địa phương; các nhà khoa học, chuyên gia tư vấn của các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp;… 
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng phát biểu tại buổi hội thảo
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng phát biểu tại buổi hội thảo
 
Hội thảo được tổ chức nhằm xin ý kiến góp ý của các chuyên gia quản lý đến từ các bộ, ngành, địa phương; các nhà khoa học; doanh nghiệp; chuyên gia tư vấn của các tổ chức quốc tế;… cho Dự thảo Đề án “Thương mại hóa công nghệ theo mô hình mẫu Thung lũng Silicon” do Bộ KH&CN giao Văn phòng Phối hợp Phát triển Môi trường KH&CN phối hợp với Viện Nghiên cứu Công nghệ và Phát triển SENA thực hiện từ tháng 7/2012.
 
Theo mô hình Thung lũng Silicon, kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học sẽ được đưa ra đánh giá, xem xét mức độ phù hợp đáp ứng nhu cầu của thị trường, xã hội và khả năng thương mại hóa.
 
Các nhà khoa học không chỉ được tư vấn về đề tài chuyên môn mà còn được đào tạo những kỹ năng quản lý căn bản, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng lập kế hoạch kinh doanh,… theo tiêu chuẩn quốc tế.
 
Nhà khoa học không chỉ là những người nghiên cứu mà còn là những doanh nhân kinh doanh trên chính sản phẩm nghiên cứu của mình và có thể tự quản lý, phát triển công trình nghiên cứu đó một cách độc lập. 
 
Tại Thung lũng Silicon của Việt Nam, các nhà khoa học có thể có các nguồn tài trợ đến từ nhiều đối tượng khác nhau. Hơn thế nữa, những tài trợ này được cung cấp cho các nhà khoa học ngay từ khi họ có ý tưởng, đề xuất nghiên cứu sơ bộ cho công nghệ đến khi hoàn thành nghiên cứu và lập được kế hoạch kinh doanh cụ thể mang tính chiến lược.
 
Đây sẽ là bàn đạp vững chắc để nước ta có thêm ngày càng nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp chất lượng cao, thu hút ngày một nhiều vốn đầu tư mạo hiểm trong và ngoài nước, đưa nền kinh tế Việt Nam tiến xa hơn nữa trong tương lai.
 
Đây là hướng đi mới và cần thiết, với mục tiêu là tạo thêm một môi trường lý tưởng để hình thành, phát triển doanh nghiệp KH&CN, góp phần thực hiện thành công mục tiêu của Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp KH&CN và tổ chức KH&CN công lập, thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm nói riêng và Chiến lược phát triển KH&CN Việt Nam giai đoạn 2011-2020 nói chung. 
 
Hội thảo là cơ sở đánh giá tính khả thi và giới thiệu Chương trình với quy mô quốc gia, quốc tế, đồng thời mở ra hướng đi mới, phù hợp với điều kiện phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế cho hoạt động thương mại hóa công nghệ tại Việt Nam.
 
Nguyến Hạnh
 
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang