Nhà khoa học trẻ Phạm Văn Phúc: Làm nghiên cứu phải biết ‘giữ lửa’ đam mê

author 16:16 10/09/2015

(VietQ.vn) - Yếu tố quan trọng nhất cần có ở nhà nghiên cứu trẻ là giữ mãi niềm đam mê khoa học. Để có thể giữ được niềm đam mê, chúng ta cần xác định rõ đâu là niềm đam mê của chúng ta.

Sự kiện: Lãnh đạo Chính phủ gặp mặt nhà khoa học trẻ 2015

TS. Phạm Văn Phúc - một nhà khoa học trẻ của Đại học Quốc gia TP. HCM đã nhận định như vậy. TS Phạm Văn Phúc được biết tới là một trong những nhà nghiên cứu trẻ nhận được nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ tế bào gốc, công nghệ y học tái tạo,… đạt giải thưởng công bố khoa học xuất sắc các năm 2011, 2012, 2013, 2014 của Đại học Quốc gia TP. HCM. Đặc biệt là một trong số các nhà khoa học trẻ sẽ tham gia trong buổi gặp mặt của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng với các nhà khoa học trẻ tới đây.

Là một trong những nhà nghiên cứu trẻ nhận được nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ tế bào gốc, công nghệ y học tái tạo,... Anh có thể chia sẻ những thành công, thất bại trên con đường nghiên cứu của mình, động lực nào đã giúp ông vượt qua những thất bại trên?

Tôi gặp nhiều may mắn trong con đường nghiên cứu. Đó có thể là nguyên nhân giúp tôi gặt hái nhiều thành tích trong thời gian ngắn. Sau 10 năm bước vào con đường nghiên cứu khoa học công nghệ (KHCN), tôi may mắn được nhiều thành công hơn thất bại. Có lẽ, thành công lớn nhất của tôi trong hơn 10 năm qua là tôi đã bước đầu thực hiện được tâm nguyện của mình là ứng dụng những kiến thức được học để phục vụ cộng đồng. Từ khi còn học phổ thông trung học, tôi đã có ước ao được phục vụ cộng đồng, có thể nghiên cứu điều trị một số bệnh cho bệnh nhân.

Tôi hoàn toàn không ngờ rằng ước ao đó là trở thành hiện thực. Tôi cảm thấy rất sung sướng và hạnh phúc khi công nghệ tế bào gốc mô mỡ do bản thân nghiên cứu chế tạo được Bộ Y tế cho phép thử nghiệm lâm sàng điều trị bệnh thoái hoá khớp (từ năm 2013) và tắc nghẽn phổi mạn tính (từ năm 2015). Thời gian qua, số lượng bệnh nhân được chữa khỏi bệnh bằng công nghệ do bản thân nghiên cứu tăng lên. Đó là niềm hạnh phúc, sung sướng vô cùng của tôi. Và có lẽ hạnh phúc nhất là chính công nghệ này đã giúp người thầy đáng kính của tôi (Thầy Phan Kim Ngọc) cải thiện đáng kể tình hình sức khoẻ, khi Thầy bị bệnh tắc nghẽn phổi mạn tính (COPD) giai đoạn cuối.

TS. Phạm Văn Phúc - một nhà khoa học trẻ của Đại học Quốc gia TP. HCM

TS. Phạm Văn Phúc cho rằng, làm nghiên cứu cần phải có đam mê 

Tuy nhiên, bên cạnh thành công, tôi cũng gặp nhiều khó khăn trong quá trình nghiên cứu. Nếu như khó khăn lớn nhất đối với tôi là gì, thì tôi có thể trả lời rằng, đó là khó khăn về tâm lí. Dấn thần vào phát triển công nghệ mới – công nghệ tế bào gốc, việc nghiên cứu và ứng dụng sớm công nghệ này đã gặp sự phản ứng mạnh mẽ của một số nhà khoa học trong nước.

Trước khó khăn đó, nhiều lần tôi cũng phải suy nghĩ về con đường nghiên cứu khoa học (KH) của mình nên như thế nào? Cũng không ít lần tôi đã có ý định từ bỏ con đường nghiên cứu KH theo hướng ứng dụng mà chỉ tập trung vào nghiên cứu cơ bản, hàn lâm,… Nhưng mỗi lần vào bệnh viện, mỗi lần xem tivi, đọc báo… thấy các bệnh nhân gặp nhiều bệnh hiểm nghèo tôi lại thấy xót xa lòng. Khi đó, tôi đã suy nghĩ “nếu bệnh nhân đó là người thân, là bạn bè hay những người mình yêu thương nhất thì sao?” Và rồi tôi lại lao mình vào nghiên cứu ứng dụng, hàng ngày tôi vẫn tiếp tục nghiên cứu, như đang làm gấp gáp vì một mong muốn thành công hơn nữa khi nghĩ tới nhiều người (có thể có cả người thân của mình) đang ngóng chờ sự thành công tiếp theo.

Trong quá trình nghiên cứu của mình, bản thân anh đã nhận được sự hỗ trợ nào từ phía các cơ quan, đơn vị chức năng? Đặc biệt là từ Bộ KH&CN?

Là một người may mắn, dù là một cán bộ nghiên cứu trẻ, tôi đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ các cơ quan chức năng và Bộ KH&CN. Trường ĐHKHTN, ĐHQG TP.HCM. Bộ KH&CN đã tạo điều kiện cho tôi làm việc, nghiên cứu ở phòng thí nghiệm (PTN) với trang thiết bị hiện đại, đồng bộ bậc nhất hiện nay. Đồng thời, giúp đỡ tôi về mặt ngân sách để thực hiện các ý tưởng nghiên cứu, sáng tạo KHCN của mình.

Có thể nói rằng nếu không nhận được sự hỗ trợ của Bộ KH&CN, nhà trường, các cơ quan, đơn vị liên quan thì chắc chắn rằng tôi không thể đạt được bất kì kết quả thành công nào như hiện nay.

Với tôi, đó là một sự đặt cách của Bộ KH&CN khi đồng ý cho tôi làm chủ nhiệm 01 đề tài Độc lập cấp Nhà Nước đầu tiên khi tôi chỉ có học vị Thạc sĩ và tuổi đời còn quá trẻ (vào năm 2009). Năm này, tôi chỉ mới 27-28 tuổi.

Các cơ chế chính sách từ Bộ KH&CN được đưa ra thời gian qua đã có những tác động như thế nào đối với các nghiên cứu trẻ nói chung và bản thân anh nói riêng trong nghiên cứu?

Theo quan điểm cá nhân và cảm nhận rất riêng, tôi thấy rằng cơ chế chính sách đang vận động theo yêu cầu xã hội nói chung và sự phát triển của KHCN trong nước nói riêng. Phải nói rằng, ngày càng nhiều văn bản pháp lý và chương trình KHCN cho phép các nhà KH trẻ tuổi có thể tham gia nghiên cứu. Đó là một trong những đổi mới to lớn trong lĩnh vực hoạt động KH&CN. Điều này đã góp phần thu hút đội ngũ cán bộ nghiên cứu trẻ tuổi đang ở nước ngoài về nước để phục vụ cho đất nước.

Tuy nhiên, từ kinh nghiệm bản thân, tôi thấy rằng các khó khăn trong vấn đề tài chính vẫn chưa được giải quyết triệt để, làm thoả mãn sự kì vọng của các nhà khoa học trẻ. Là một người nghiên cứu KH, tôi hầu như không thể hiểu hết các quy định tài chính trong giải ngân đề tài. Tại một số quy định, theo tôi, cơ chế tài chính vẫn còn cứng nhắc. Nhiều lần, tôi vẫn phải đặt những câu hỏi ngược lại: Tại sao phải quy định như vậy? Nhà quản lý kỳ vọng gì vào quy định này? Nhưng vẫn chưa thể tự tìm những câu trả lời thoả mãn cho chính mình.

Bản thân tôi vẫn ước ao có một hệ thống giải pháp tổng thể liên Bộ, liên ngành về KHCN. Tôi mơ rằng có một ngày nào đó, những người làm tế bào gốc (TBG) như tôi hiểu rằng những gì họ đang làm sẽ nhận được sự ủng hộ của nhà nước, những bệnh viện họ hiểu sẽ được nhà nước đồng ý dùng công nghệ TBG trong điều trị, những doanh nghiệp biết rằng họ sẽ thành công khi đầu tư vào TBG và bệnh nhân biết rằng họ có thể dùng TBG để điều trị bệnh.

Cơ duyên nào đã tạo cho anh lựa chọn nghiên cứu tế bào gốc, công nghệ y học tái tạo thay vì lựa chọn một số ngành nghề khác như: Kinh tế, bất động sản, chứng khoán,…? Bản thân anh có cảm thấy hối tiếc về việc lựa chọn của mình?

Tôi đã có sự đam mê y sinh học nói chung từ khi còn học PTTH. Trong khoảng thời gian được học bồi dưỡng kiến thức sinh học trong kì thi tuyển chọn học sinh giỏi cấp quốc gia (2000-2001) là thời gian làm đã làm tôi suy nghĩ nhiều về nghề nghiệp tương lai của mình. Từ thời gian đó, tôi đã nghĩ đến một công việc nghiên cứu để điều trị bệnh, nhưng tôi không muốn là bác sĩ. Cuối cùng tôi đã quyết định vào học ngành Công nghệ sinh học của Trường ĐHKHTN, ĐHQG Tp.HCM.

Đến năm thứ hai, tôi đã rất hoang mang trong việc chọn hướng đi của mình, nhưng thật may mắn tôi đã gặp thầy Phan Kim Ngọc – Trưởng PTN CNSH Phân tử C. Thầy Ngọc đã định hướng cho tôi làm về tế bào gốc. Đó là vào năm 2003. Từ đó, với tôi việc phát triển tế bào gốc vừa như là một niềm đam mê vừa là thực hiện một mệnh lệnh của thầy với mong muốn hun đúc niềm đam mê, khát khao được cống hiến và phục vụ cộng đồng.

Với tôi, nếu có một cơ hội nữa để đi vào Đại học thì thôi vẫn chọn con đường Công nghệ Sinh học Y dược, và tế bào gốc để nghiên cứu, để làm việc và để cống hiến.

Theo anh, những yếu tố quan trọng nào cần có ở những nhà nghiên cứu trẻ? Đặc biệt là những học sinh, sinh viên mong muốn đóng góp trí tuệ của mình cho đất nước qua hoạt động nghiên cứu khoa học?

Theo tôi, yếu tố quan trọng nhất cần có ở nhà nghiên cứu trẻ là giữ mãi niềm đam mê khoa học. Để có thể giữ được niềm đam mê, chúng ta cần xác định rõ đâu là niềm đam mê của chúng ta.

Tuy nhiên, trên thực tế sự hình thành đam mê nghiên cứu bị tác động rất lớn bởi người thầy, môi trường xung quanh. Do vậy, theo tôi, để có thể có nhiều nhà nghiên cứu trẻ xuất sắc thì rất cần nhiều thầy xuất sắc và môi trường tốt cho họ có cơ hội nghiên cứu, thể hiện bản thân nhằm phục vụ cho sự phát triển của đất nước.

Hồng Anh (thực hiện)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang