Nhà khoa học trẻ sẽ sống được bằng chất xám

author 08:00 13/02/2014

Nhà khoa học trẻ sẽ sống được bằng chất xám của mình - một chuyện tưởng chừng đương nhiên, không nói ai cũng rõ. Thế nhưng, nếu xem xét trên thực tế thì nhiều nhà khoa học vẫn cống hiến tài năng, trí tuệ của mình nhưng chưa nhận được những ưu đãi cần có.

Sự kiện: Hoạt động Khoa học & Công nghệ

Dự thảo Nghị định quy định chính sách sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ (KHCN) đang được hoàn thiện, trình Chính phủ phê duyệt sẽ phần nào giải quyết vướng mắc này.

Ưu đãi không phụ thuộc thâm niên

Cá nhân hoạt động KHCN có thành tích càng cao thì càng được nhiều ưu đãi, không phụ thuộc vào số năm công tác. Đây là một trong những nguyên tắc chính được áp dụng trong quá trình soạn thảo Nghị định quy định chính sách sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động KHCN. Điều đó thể hiện sự công bằng, bình đẳng về khả năng cống hiến của các nhà khoa học đồng nghĩa với việc những nhà khoa học trẻ tài năng sẽ có “đất diễn” nhiều hơn, được hưởng nhiều chính sách ưu đãi.

Mục tiêu này được cụ thể hóa tại Điều 21 dự thảo nghị định, những nhà khoa học trẻ tài năng được xác định là nguồn hình thành đội ngũ nhà khoa học đầu ngành hay nhà khoa học được giao chủ trì nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia đặc biệt quan trọng. Theo đó, có những chính sách trọng dụng nhằm tạo điều kiện phát triển các nhà khoa học trẻ tài năng như được ưu tiên tham gia các chương trình nghiên cứu sau tiến sỹ tại các cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu ở trong và ngoài nước; tham gia nhóm nghiên cứu của các nhà khoa học đầu ngành; được ưu tiên xét cử đi thực tập, làm việc có thời hạn tại các tổ chức KHCN uy tín ở nước ngoài. Điều quan trọng là các nhà khoa học trẻ được hỗ trợ kinh phí như ưu đãi nâng lương vượt bậc đối với những người có thành tích đặc biệt xuất sắc.

Thực tế chỉ ra rằng, hiện có khá nhiều nhà khoa học trẻ tài năng của Việt Nam đang nghiên cứu, học tập tại nước ngoài không muốn về nước do thiếu điều kiện, cơ chế làm việc trong khi thu nhập quá thấp. Theo Pgs.Ts Lê Quân, ĐH Quốc gia Hà Nội, trong 5 năm đầu sau khi về nước, nhà khoa học trẻ chỉ được hưởng mức lương theo thang bảng lương Nhà nước cũng ít có cơ hội tham gia các đề án, đề tài để tăng thu nhập.

Chú trọng môi trường làm việc

Đãi ngộ về vật chất rất quan trọng nhưng chưa đủ, nhà khoa học cần môi trường phát triển – nhận định của Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Đào Trọng Thi xuất phát từ thực tế, thời gian qua nhiều địa phương trải thảm đỏ mời các nhà khoa học về với nhiều ưu đãi nhưng lại không biết sử dụng họ vào công việc gì. Hơn nữa, hoạt động quản lý còn nặng về tính hành chính, đầu tư cơ sở vật chất cho ngành KHCN còn thấp, không phát huy được tính sáng tạo cũng là nguyên nhân dẫn tới hiện tượng chảy máu chất xám ở nước ta. Điều đó cho thấy, các nhà khoa học trẻ cần một môi trường làm việc để có thể phát huy hết khả năng vốn có của mình.

Nhằm giải quyết những vướng mắc trên cũng như cụ thể hóa quy định tại điểm c khoản 1 Điều 23 Luật KHCN, dự thảo nghị định ghi nhận, cá nhân hoạt động KHCN được bảo đảm các điều kiện thuận lợi về phòng làm việc, trang thiết bị, vật tư, phòng thí nghiệm, cơ sở thực nghiệm và các điều kiện cần thiết khác phù hợp với yêu cầu thực hiện nhiệm vụ; được hỗ trợ kinh phí công bố, đăng ký quyền sở hữu trí tuệ đối với kết quả hoạt động KHCN, kinh phí tham gia ươm tạo công nghệ. Đặc biệt, đối với cá nhân hoạt động KHCN được bổ nhiệm chức danh nghiên cứu khoa học, chức danh công nghệ hạng I sẽ được hưởng các ưu đãi cao hơn về điều kiện làm việc, bảo đảm tương xứng với yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của hạng chức danh này.

Việc Nhà nước trao quyền sở hữu tài sản trí tuệ được hình thành từ ngân sách cho nhà khoa học trẻ để họ có thể chuyển giao cho doanh nghiệp, góp vốn vào doanh nghiệp và hưởng lợi nhuận tương đương với phần góp vốn cũng là cách giúp các nhà khoa học sống được bằng kết quả nghiên cứu của mình.

Cần thông tư hướng dẫn

Không thể phủ nhận ý nghĩa tích cực trong việc coi thành tựu, giá trị cống hiến là tiêu chí để các nhà khoa học trẻ tài năng được hưởng chính sách đãi ngộ song vẫn có những chuyên gia lo ngại, đưa các tiêu chí lựa chọn nhà khoa học trẻ chẳng khác sẽ dễ dẫn tới cơ chế xin - cho, việc hành chính hóa các chức danh sẽ gây hiện tượng “lạm phát” nhà khoa học.

Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Quân nhận định, nhà khoa học trẻ tài năng phải đáp ứng đồng thời nhiều tiêu chí như về độ tuổi, có công trình đạt giải thưởng trong nước hoặc quốc tế có uy tín, có bài báo công bố quốc tế hay sáng chế được đánh giá tốt. Bên cạnh đó, những đề xuất nghiên cứu của họ phải được cơ quan chức năng đánh giá tốt, cần thiết cho xã hội mới được hưởng các chính sách ưu đãi, trọng dụng. Với các tiêu chí ấy, số lượng các nhà khoa học trẻ không nhiều và khó có thể xảy ra hiện tượng xin - cho.

Tuy nhiên, nếu không có thông tư hướng dẫn cụ thể cách tính các thành tích khoa học thì Nghị định này sẽ rất khó đi vào cuộc sống. Có một thực tế, hệ thống đánh giá thành tích khoa học hiện còn nặng về số lượng mà chưa chú trọng tới chất lượng. Nhiều khi bề dày, chiều sâu của chất lượng công trình nghiên cứu chỉ được đánh giá hời hợt hay bị chi phối về mặt hình thức. Rõ ràng, để đánh giá một nhà khoa học xuất sắc không thể chỉ căn cứ vào số lượng công trình nghiên cứu mà phải đặc biệt chú trọng vào chất lượng. Như vậy, mới thu hút nhà khoa học trẻ tài năng tham gia cống hiến cho KHCN nước nhà.

Để giải quyết được tất cả những vấn đề trên cần phải có nguồn vốn hỗ trợ. Dự thảo xác định, kinh phí để thực hiện chính sách trọng dụng đối với nhà khoa học trẻ tài năng được cấp từ Quỹ Phát triển KHCN quốc gia. Tuy nhiên, với mức vốn điều lệ 200 tỷ đồng của quỹ theo Nghị định 122/2003/NĐ-CP hiện khó có thể đáp ứng các yêu cầu phát triển về KHCN. Mới đây, Bộ KH - CN đã đề xuất, tăng vốn cấp từ ngân sách tối thiểu hằng năm cho Quỹ Phát triển KHCN quốc gia lên 500 tỷ đồng để phù hợp với nhiệm vụ và quy mô phát triển.

Theo ĐBND

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang