Nhà khoa học viết sách giáo khoa... bất đắc dĩ

author 07:15 27/05/2013

(VietQ.vn) – Anh từng là giáo viên dạy toán, lập trình viên, viết sách giáo khoa, luyện thi đội tuyển Tin học quốc tế, giám đốc công ty tin học nhà trường Vnschool…

Lời Tòa soạn: Tiếp sau loạt bài "Những nhà khoa học nổi tiếng trên thương trường", Chất lượng Việt Nam xin giới thiệu chân dung một nhà giáo quân đội, nhà Tin học, doanh nhân Bùi Việt Hà.

Thầy Bùi Việt Hà từng học chuyên Chu Văn An, Hà Nội.
Thầy Bùi Việt Hà từng học chuyên Chu Văn An, Hà Nội. Ảnh: HT

Thủ khoa cả nước

Hồi đó, những học viên năm đầu của Học viện Kỹ thuật quân sự (HVKTQS) đang học một môn xã hội trong phòng học cấp 4 có cửa sổ. Phía bên cạnh là một lớp khác đang học môn “Tin học đại cương”.

Thầy giáo dạy xã hội nhìn sang thầy giáo dạy Tin và nói với học trò: “Thầy kia giỏi lắm đấy!”.

“Thầy kia” chính là Bùi Việt Hà, người từng là Thủ khoa thi ĐH cả nước và được đào tạo ngành Toán ở ĐH Lomonosov (Nga), cùng khóa với Trương Gia Bình của FPT.

Anh được biết đến là người đã sáng lập và phát triển phần mềm sắp xếp Thời khóa biểu trong nhà trường, nổi tiếng khắp Việt Nam và thế giới.

Theo một bài toán…20 năm

Bùi Việt Hà nhớ lại:

"Khoảng tháng 3/1987, hồi đó HVKTQS có địa điểm chính trong Tam Đảo nhưng giáo viên phần lớn vẫn ở ngoài thị xã Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc). Lúc đó tôi đang ở trong diện  chuẩn bị thi nghiên cứu sinh nên dạy ít. Trong bộ môn có anh Hồ Ước và một vài anh khác đang làm đề tài khoa học về bài toán thời khóa biểu.

Tôi là dân Toán lý thuyết nên lúc đó, một chữ lập trình bẻ đôi không biết. Bỗng nhiên, một hôm, anh Ước hỏi tôi: “cậu đang rỗi có muốn tham gia làm đề tài thời khóa biểu với tớ không?”. Lúc đó tôi đang rỗi thật nên gật đầu ngay. Không ngờ cái gật đầu đơn giản đó đã lôi tôi vào một bài toán và sẽ theo tôi suốt 20 năm sau.

Thế là tôi tham gia vào nhóm của anh Ước với đề tài thiết lập 1 thuật toán tối ưu để xếp được thời khóa biểu. Dữ liệu mẫu là của ĐH Bách khoa Hà Nội.

Cùng thời gian đó HVKTQS bắt đầu có một1 số máy tính quả táo và XT đặt tại đường Phan Chu Trinh, Hà Nội. Ban đầu ý định của anh Ước là tất cả nhóm dồn vào làm thuật toán, nhưng không hiểu sao tôi lại được phân công viết phần giao diện để thể hiện thời khóa biểu này trên màn hình máy tính và in ra giấy. Ngôn ngữ lập trình lựa chọn cho tôi là Pascal, môi trường lập trình là Turbo Pascal 1.0.

Kỷ niệm 10 năm Vnschool, công ty tư nhân làm phần mềm phục vụ ngành Giáo dục nhưng chưa lấy một đồng nào từ ngân sách nghiên cứu khoa học.
Kỷ niệm 10 năm Vnschool, công ty tư nhân làm phần mềm phục vụ ngành Giáo dục nhưng chưa lấy một đồng nào từ ngân sách nghiên cứu khoa học.

Tôi nhớ thời gian đó chúng tôi phải xếp hàng ở Phan Chu Trinh để đợi đên lượt mình vào làm máy tính, có rất nhiều hôm phải thức đêm để làm. Thời gian đó tôi gặp và quen Quốc, Dũng, anh Nam … sau này lập công ty AIC.

Khi bắt đầu làm tôi có ý kiến với các anh trong nhóm là tôi sẽ làm không chỉ thể hiện mà làm cả phần xếp bằng tay và một phần xếp tự động trên máy tính. Các anh trong nhóm không nghe và tôi đã có những cuộc cãi nhau nảy lửa với các anh. Cuối cùng tôi vẫn lẳng lặng làm theo ý mình và các anh kia vẫn làm theo cách của họ. Tôi nhớ là chỉ sau 4 – 5 tháng tôi đã hoàn thành 1 chương trình có giao diện khá hoàn chỉnh, có phần nhập liệu, phần xếp tay và phần xếp tự động…Tôi đã vô cùng hứng thú khi viết những dòng code đầu tiên trong đời này.

Tôi nhớ là khoảng tháng 10/1987 là thời điểm cần nghiệm thu đề tài, phần việc của các anh khác chưa ai có kết quả gì, phần của tôi thì đã gần như hoàn thiện thành một phần mềm. Thời gian đó anh Ước đã bị thuyết phục và quay ra ủng hộ cách làm của tôi. Đến gần ngày nghiệm thu, tôi và anh Ước bàn là phải dùng phần mềm xếp tay bằng được 1 thời khóa biểu nghiêm chỉnh.

Chúng tôi đã thức nhiều đêm tại cơ sở Phan Chu Trinh để cùng xếp tay thời khóa biểu cho trường ĐH Bách khoa. Tôi không nhớ chính xác chỉ biết rằng vào 1 đêm đẹp trời, lúc đã quá nửa đêm, chúng tôi đã xếp xong trọn vẹn 1 thời khoa biểu và như vậy đề tài coi như hoàn thành. Thật là một cảm giác vui sướng, 2 anh em ra quán ăn và nói chuyện suốt đến sáng. Kỷ niệm đó tôi không bao giờ quên, lần đầu tiên trong đời làm trọn vẹn 1 phần mềm máy tính mà mới chỉ cách đó 5 tháng chưa biết 1 tí gì về máy tính và lập trình.

Đề tài đó về sau đã được bảo vệ xuất sắc tại ĐH Bách khoa. Đó chính là tiền thân đầu tiên của phần mềm TKB bây giờ”. 

Đi viện vẫn…mê lập trình

Tuy nhiên, để hoàn thiện phần mềm, Bùi Việt Hà và các cộng sự của anh ở công ty Vnschool đã phải giải rất nhiều bài toán khó.

Anh kể lại: “Vào tháng 7/2005, bài toán xếp tự động thời khóa biểu 100% (lệnh SF) một lần nữa được đặt ra cho mô hình phòng học bộ môn. Nhưng lần này vấn đề không nằm ở bài toán lớn mà chỉ nằm ở một thuật toán FPR cần nâng cấp cho mô hình phòng học bộ môn.

Công ty Công nghệ Tin học Nhà trường School@net thành lập năm 1998 với mục đích duy nhất là thiết kế các giải pháp phần mềm ứng dụng Tin học trong Nhà trường. Đến nay, công ty đã hoàn thiện hơn 50 sản phẩm phần mềm đóng gói cho ngành giáo dục.

Các sản phẩm của công ty rất đa dạng từ các đĩa CD đóng gói phục vụ học tập, nâng cao kiến thức, thư giãn giải trí đến các phần mềm phục vụ chuyên sâu phức tạp như Learning Math, TKB, School Viewer, iQB, TKBU, EMU, từ các sản phẩm đóng gói chạy trên PC đơn lẻ đến các giải pháp ứng dụng trên mạng máy tính. Công ty School@net đã đăng ký bản quyền tác giả và nhãn hiệu thương mại với hơn 30 sản phẩm quan trọng của mình, là một trong các công ty có số lượng bản quyền tác giả phần mềm được đăng ký nhiều nhất tại Việt Nam.

Chúng tôi biết rằng không thể không giải quyết bài toán này vì thị trường không cho phép chúng tôi thất hẹn thêm 1 lần nữa. 

Trong suốt thời gian sau tháng 7-2005, thuật toán FPR luôn ám ảnh tôi. Đi đâu tôi cũng cầm theo 1 cuốn sổ nhỏ để làm nháp, vẽ các sơ đồ và suy nghĩ về cách thực hiện thuật toán FPR trong môi trường có phòng học bộ môn. Nhưng tất cả đều vô vọng. Càng suy nghĩ về bài toán này càng thấy phức tạp không như mình tưởng tượng ban đầu. Để các bạn hình dung có thể nói ngắn gọn thế này: mô hình cũ của thời khóa biểu không có phòng bộ môn là mô hình 2 chiều, trong đó chỉ có 2 chiều là Lớp học và Giáo viên. Còn mô hình mới với phòng học bộ môn là 3 chiều với thêm 1 chiều nữa là Phòng học. Sự phức tạp nằm ở chỗ cần nâng cấp 1 thuật toán từ 2 chiều lên 3 chiều. 

Cho đến tận gần cuối năm 2005 bài toán vẫn bế tắc. Có những lúc tôi đã tuyệt vọng và nghĩ rằng có lẽ bài toán thời khóa biểu làm tới đây là hết. Trong khi các phát triển nâng cấp khác của bản TKB 6.0 vẫn được tiến hành thuận lợi thì việc nâng cấp lệnh SF xếp 100% vẫn giậm chân tại chỗ. 

Có một sự kiện đã làm thay đổi một cách tình cờ. Tháng 12/2005 tôi bất ngờ bị mắc bệnh nhãn áp cao và phải vào bệnh viện 108 mổ mắt gấp. Tôi nhập viện vào khoảng giữa tháng 12, dự kiến là sẽ nằm viện tối thiểu 10 ngày: chuẩn bị trước mổ 3 ngày, sau mổ 7 ngày sẽ xuất viện. Vào viện tôi rảnh hơn và đã dành toàn bộ thời gian suy nghĩ về thuật toán FPR này. Và một điều kỳ lạ đã đến, vào đúng những ngày nằm viện tôi đã nghĩ ra được cách giải quyết bài toán này.

Tôi hãy còn nhớ đêm thứ 2 sau khi tôi mổ mắt, một mắt bịt kín hoàn toàn, một mắt bịt 50% (vì mắt này bắn lazer nên không bịt hoàn toàn), tôi đã đến phòng trực của khoa mắt xin phép bác sĩ trực làm việc 1 lúc. Đêm hôm đó tôi đã ngồi đến 3h sáng để viết lại toàn bộ thuật toán FPR mới trong môi trường phòng học bộ môn. Nửa đêm bác sĩ trực tỉnh dậy đã ra quát tôi ầm ĩ nói rằng "anh muốn mù mắt hay sao mà làm như thế này!". 

Còn tôi thì cực kỳ thấy vui sướng vì đã hoàn thành công việc mà trước đó tôi không bao giờ nghĩ mình có thể làm được”.

Thầy giáo luyện thi quốc tế…bất đắc dĩ

Do đã nổi tiếng về Toán và lập trình, một hôm, có người nhờ Bùi Việt Hà dạy cho con mình học tin. Thế là chàng sĩ quan trẻ không những đào tạo kiến thức cơ bản của máy tính mà còn giúp học sinh đó lọt vào đội tuyển quốc gia.

Từ đây, những người chuyên luyện “gà nòi” biết đến anh và nhờ anh luyện thi cho đội tuyển Tin thi quốc tế, dù thực sự, Bùi Việt Hà không thích làm những cái

Nói về "Toán học vị nghệ thuật hay vị nhân sinh", Bùi Việt Hà cho rằng, đi theo Toán lý thuyết hay ứng dụng đều được, miễn là người đó phải đam mê.

 như vậy vì mất nhiều thời gian.

Sau khi “bị” phát hiện vì luyện “gà nòi”, tiếp tục đến các chuyên gia ngành Tin của Bộ Giáo dục và Đào tạo lại mời anh viết sách giáo khoa Tin học từ lớp 3 đến lớp 9.

Thế nên, trang đầu của các cuốn sách giáo khoa Tin học hiện nay đều có tên của một nhà giáo phổ thông…bất đắc dĩ là Bùi Việt Hà.

Có lần, anh từng tâm sự với học trò của mình rằng, tất cả bằng cấp của các kỹ sư Công nghệ thông tin Việt Nam hồi trước đều được cấp bởi những thầy giáo…không có bằng cấp nào về Tin, mà chỉ có lòng say mê Toán học và đam mê khám  phá thế giới của bit và bite.

Khi đưa ra nhận định đó, Bùi Việt Hà không biết rằng, anh đã tiếp thêm ngọn lửa cho các kỹ sư quân sự, khiến họ tự tin lao vào các lĩnh vực khác, dù không hề được đào tạo. Thế nên, người ta có thể thấy, học viên của trường này còn làm chính trị, doanh nhân, nhà báo, nhà thơ…có tên tuổi.

Nặng lòng với thời cuộc

Khi thực hiện loạt bài về “Những nhà khoa học nổi tiếng trên thương trường” này, nhóm PV Chất lượng Việt Nam nhận ra một đặc điểm chung: Tất cả họ, ngoài thời gian say mê chuyên môn, đều chú ý đến những đổi thay trong đời sống chính trị - xã hội của đất nước và khu vực, với một tâm thế trong sáng là mong Tổ quốc mình ngày một tốt hơn.

Bởi vậy, không chỉ là nhà khoa học, doanh nhân, mà họ còn là những nhà bình luận, phân tích thời sự sắc sảo, với trí nhớ tuyệt vời.

Trên facebook của Bùi Việt Hà, không khó để nhận ra những dòng tâm sự về thời cuộc, về những mặt trái của xã hội với niềm xót xa, về những vấn đề biên giới – hải đảo với sự sốt sắng – lo lắng của một trái tim yêu nước, muốn bảo vệ từng tấc đất của dân tộc…

Có lần, tâm sự với chúng tôi, một nhà khoa học của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng từng nói: “Đừng nghĩ nhà khoa học chỉ chôn mình trong phòng thí nghiệm mà quên hết xung quanh. Chúng tôi không thờ ơ trước thời cuộc”.

Nhưng khác với những con người “nhân danh trí thức”, chỉ thích chỉ trích người khác, Bùi Việt Hà cùng các cộng sự của mình, mỗi năm lại cho ra đời những phần mềm mới trong nhà trường, để góp phần xây dựng nền giáo dục hiện đại và nhân văn hơn…

Hoàng Tuân

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang