Nhà mạng lừa dối, khách từ bỏ 3G

author 07:00 30/12/2013

Thông tin thuê bao 3G tại Trung Quốc (TQ) rời mạng tăng mạnh kéo theo doanh thu bị sụt giảm dự báo tương lai tương tự với các nhà mạng tại VN.

Thông tin thuê bao 3G tại Trung Quốc rời mạng tăng mạnh kéo theo doanh thu bị sụt giảm dự báo tương lai tương tự với các nhà mạng tại Việt Nam. Tăng cước, lừa dối, trừ tiền khách hàng, các nhà mạng đang khiến khách hàng ngán ngẩm, đã có cả hội được thành lập kêu gọi tẩy chay dịch vụ của các nhà mạng này.

Trung Quốc thuê bao 3G rời mạng, doanh thu sụt giảm thê thảm
 
TTXVN dẫn giới truyền thông Trung Quốc cho hay, tỷ lệ tăng trưởng thuê bao 3G hàng tháng ở Trung Quốc bất ngờ đã giảm mạnh.
 
Hồi tháng Chín vừa qua, lượng thuê bao 3G kích hoạt ở Trung Quốc là 17 triệu. Theo số liệu của hãng nghiên cứu TeleGeography (Mỹ), số thuê bao di động 3G ở Trung Quốc đã tăng gấp hơn hai lần từ 81 triệu lên 176 triệu trong khoảng từ quý 2/2011 và quý 2/2012. Trong quý 1 năm nay, Trung Quốc đã vượt Mỹ để trở thành thị trường 3G lớn nhất thế giới.

Nhiều người tiêu dùng tẩy chay nhà mạng 3G vì tăng giá bất hợp lý

Trên cộng đồng mạng, nhiều người tẩy chay nhà mạng 3G vì tăng giá bất hợp lý. Ảnh minh họa

Số người đăng ký sử dụng các dịch vụ di động 3G ở nước này đã tăng 74,22 triệu người trong chín tháng đầu năm nay và ước đạt 667 triệu vào năm 2016.
 
Tuy nhiên, đến tháng 11/2013, số lượng này lại tụt tiếp xuống 11 triệu. Cùng với đó là doanh thu sụt giảm của nhà mạng di động có số thuê bao lớn nhất thế giới China Mobile.
 
Chủ tịch China Mobile, ông Xi Guohua cho biết tập đoàn này đã gặp phải "những khó khăn và thử thách nghiêm trọng từ sự cạnh tranh tinh vi xuất hiện ngày càng nhiều", trong đó bao gồm "chấn động mạnh mẽ từ những sản phẩm OTT (Over-the-Top)".
 
Các ứng dụng OTT như WhatsApp, Viber, LINE hay ứng dụng bản xứ WeChat cho phép ứng dụng nhắn tin, gọi thoại miễn phí qua mạng dữ liệu (Wi-Fi, 3G), người dùng chỉ có thể mất khoản phí mạng 3G khi sử dụng.
 
Được biết, đến tháng 9 vừa qua, China Mobile có 170 triệu thuê bao 3G, tăng trưởng 31,6 triệu so với ba tháng trước đó. Tuy nhiên, doanh thu trên mỗi người dùng (ARPU) của China Mobile lại không hề tăng lên.
 
Chất lượng tồi, nhà mạng lừa dối, khách hàng tẩy chay
 
Dịch vụ 3G xuất hiện tại Việt Nam từ cuối năm 2009 nhưng chỉ hút người tiêu dùng cách đây không lâu khi các nhà mạng đua nhau giảm giá dịch vụ này.
 
Tuy nhiên, từ ngày 16/10/2013, giá cước 3G của cả ba nhà mạng lớn đã đồng loạt tăng trung bình 20%, trong đó có gói cước tăng đến 40%.
 
Mức điều chỉnh này được cả ba nhà mạng giải thích là là vẫn chưa bằng 50% giá thành, tức là vẫn đang "bán lỗ" đối với dịch vụ 3G.
 
Theo trình bày của các doanh nghiệp, hiện nay, giá cước 3G đang bán ra ở Việt Nam chỉ bằng 35 - 68% giá thành của dịch vụ, rẻ hơn gần 10 lần so với Trung Quốc và kém khoảng 40 lần so với các nước châu Âu. Do đó, dịch vụ 2G đang phải bù lỗ cho 3G và Việt Nam nằm trong nhóm quốc gia có giá cước rẻ nhất thế giới.
 
Nhưng thực tế theo phản ánh các nhà mạng đã âm thầm tăng cước 3G 25% từ tháng 4/2013.
 
Viettel cho biết, việc tăng giá cước 3G là theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông, giá cước data 3G phải được quản lý dựa trên cơ sở giá thành và "việc điều chỉnh giá cước lần này là động thái đưa giá bán tiệm cận dần với giá thành". Trước đó, Viettel là đơn vị đầu tiên kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông cho phép nhà mạng điều chỉnh cước 3G.
 
MobiFone thì giải thích tăng giá là phải theo luật không phải nhà mạng thích là được.
 
Nhà mạng này cho rằng, hiện giá cước 3G cung cấp cho khách hàng chưa bằng 50% so với giá thành dịch vụ, do đó MobiFone cần từng bước điều chỉnh giá cước cho tiệm cận với giá thành.
 
Mặc dù thừa nhận chất lượng dịch vụ 3G chưa cao, nhưng theo tính toán của ông Lê Nam Thắng, Thứ trưởng Bộ TT&TT, giá cước dịch vụ dữ liệu 3G trước điều khi điều chỉnh chỉ chiếm 54% giá thành, sau điều chỉnh là chiếm 60% giá thành, và để hòa vốn và kinh doanh có lãi, các doanh nghiệp viễn thông phải tăng cước dịch vụ dữ liệu 3G thêm ít nhất là 43%.
 
Việc tăng giá cước 3G bất ngờ của các nhà mạng đã khiến nhiều thuê bao đồng tình chấm điểm kém cho dịch vụ 3G tại Việt Nam và sẵn sàng hủy dịch vụ nếu giá cả không đi kèm với chất lượng.
 
Tình trạng khách hàng rời bỏ 3G được cảnh báo còn thê thảm hơn cả Trung Quốc, khi cộng đồng mạng đã lập cả fanpage Hội tẩy chay 3G được nhiều người dân quan tâm và bình luận. Việc tăng cước 3G một cách đột biến được ví như giọt nước làm tràn ly, "tức nước" thì "vỡ bờ", nhiều người tiêu dùng đã tuyên bố: Sẽ hủy bỏ dịch vụ này và không dùng vĩnh viễn.
 
Không chỉ với 3G, ngay cả tình trang gian dối, trừ tiền khách hàng một cách vô tội vạ để trục lợi của ba nhà mạng cũng đang khiến khách hàng thật sự nổi giận.
 
Việc nhà mạng tự ý cài ứng dụng thu về cả trăm tỉ đã được thanh tra Bộ TT&TT chỉ rõ.
 
Cụ thể, thanh tra Bộ TT&TT đã yêu cầu Vinaphone hoàn lại tiền cước sử dụng các tin nhắn lỗi, tin nhắn sai cú pháp, tin nhắn không được cung cấp dịch vụ với tổng số tiền gần 693 triệu đồng.
 
Tương tự, mạng MobiFone cũng phải hoàn lại gần 817 triệu đồng nhưng đến nay còn hơn 227 triệu đồng không thể hoàn lại vì khách hàng đã rời mạng.
 
Đáng chú ý, tình trạng tích hợp ứng dụng trên sim của các nhà mạng cho phép tải thông tin và tính phí nhưng không niêm yết rõ ràng, chính xác giá cước, không có thông tin cảnh báo về giá cước, không cho phép người sử dụng xác nhận đồng ý, không đồng ý tải dịch vụ với mức phí được đưa ra tồn tại ở cả ba nhà mạng chiếm thị phần chi phối.
 
Tại Vinaphone, chỉ tính trong một năm (từ tháng 6/2012 đến tháng 6/2013) đã đạt doanh thu hơn 20 tỷ đồng từ ứng dụng IOD; tại MobiFone đạt hơn 150 tỷ đồng từ ứng dụng SuperSim và LiveInfo.
 
Ở Viettel, tình trạng này cũng tương tự khi nhà mạng cài sẵn phần mềm Viettel Plus do nhà mạng cài đặt sẵn trên sim điện thoại, bán cho người sử dụng có chức năng cho phép tải thông tin và tính phí.

Theo Đất Việt

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang