Nhà ở thương mại sẽ "chết" dần dần

author 19:00 19/06/2013

Việc Hà Nội "dọa" không cấp phép nhà ở thương mại được DN cho rằng do chủ đầu tư quyết định thay vì Hà Nội muốn là ép được.

Doanh nghiệp tự quyết định dừng hay không

Với số lượng nhà ở cho người thu nhập cao đã khá lớn, Hà Nội có kế hoạch tạm dừng, chưa xem xét một số dự án nhà thương mại từ nay đến năm 2015.

Dự thảo chương trình nhà ở giai đoạn 2012-2020 và định hướng đến năm 2030 của Hà Nội, đưa ra chỉ tiêu diện tích nhà ở theo diện thu nhập cao, trung bình và thấp.

Với nhà thương mại, trong 3 năm tới, Hà Nội dự kiến tạm dừng, chưa xem xét một số dự án và rà soát các dự án hiện có để phân loại xem dự án nào được thực hiện. Hà Nội cũng tiếp tục quản lý quỹ đất 20% trong dự án nhà thương mại để xây dựng nhà xã hội và áp dụng tỷ lệ chung cư đạt 87%, nhà cho thuê đạt 25% trong các dự án phát triển nhà.

Sau năm 2015, thành phố tiếp tục phát triển nhà ở thương mại với tỷ lệ chung cư đạt 89%, nhà cho thuê đạt 30% tại các dự án.

 

<em>Doanh nghiệp sẽ tự quyết định việc dừng dự án hay không, do đó chủ trương dừng các dự án nhà ở thương mại là khó khả thi.<br></em>
Doanh nghiệp sẽ tự quyết định việc dừng dự án hay không, do đó chủ trương dừng các dự án nhà ở thương mại là khó khả thi.

Đánh giá về chủ trương Hà Nội ngừng triển khai xây dựng nhà ở thương mại đến năm 2015, ông Phạm Sỹ Liêm, Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Phó chủ tịch tổng Hội Xây dựng khẳng định: Thị trường vận hành theo quy luật của nó. Có cầu thì khắc có cung, còn có cung mà không có cầu thì anh không cấm người ta cũng dừng. Lâu nay việc cung cấp các căn hộ cao cấp, nhà ở thương mại không bán được thì chủ đầu tư cũng sẽ chủ động dừng thôi”.

Ông Liêm cho rằng, phải xem từng cái cụ thể một, trong bối cảnh hiện nay, không có khuyến khích phát triển căn hộ cao cấp nhưng ở nơi nào đó chủ đầu tư xem xét có nhu cầu phát triển thì việc gì phải cấm họ.

“Nếu nói ngừng dự án nhà ở thương mại là chưa hiểu về nhà ở thương mại. Nhà ở thương mại tức là có sự mua bán, có cung có cầu”, ông Liêm nói.

Phân tích rõ hơn về điều này, ông Liêm chỉ ra nhà ở thương mại đâu chỉ là nhà ở cao cấp. Thương mại bao gồm cả những nhà ở bình thường, chung cư mini, nhà cho thuê…

"Nói ngừng nhà ở thương mại là không rõ ràng. Nhà ở cho thuê cũng là nhà ở thương mại. Nhưng hiện nay đang thiếu nhà ở cho thuê, vậy khi chủ đầu tư muốn xây nhà cho thuê thì phải khuyến khích chứ", ông Liêm nói.

Hà Nội cũng chủ trương đối với những dự án nhà ở thương mại đang triển khai dang dở thì khuyến khích chuyển sang nhà ở xã hội. Còn dự án nào chưa triển khai, đang xin giấy phép triển khai thì ngưng. Sau 2 năm, thành phố mới lại tiếp tục triển khai nhà ở thương mại.

Đánh giá về điều này, ông Liêm cho rằng rất dễ xảy ra tình trạng xây dựng nhà ở xã hội ồ ạt, dẫn đến dư thừa vì thế chủ đầu tư phải nghiên cứu thị trường, có kế hoạch cụ thể. Rõ ràng nhu cầu nhà ở các huyện như Đông Anh, Hoài Đức, Long Biên… sẽ khác nhau và khác với khu vực nội thành. 

"Đừng nghĩ chuyển từ nhà nọ sang nhà kia mà được"

Ông Nguyễn Đình Học, PGĐ công ty đầu tư xây dựng HUD1cũng cho rằng, nhà ở xã hội, thật sự đúng mức một người dân bình thường vẫn khó tiếp cận và nếu để tình trạng xây nhà một cách ồ ạt thì nguy cơ hàng tồn kho nhà ở xã hội còn oái oăm hơn cả nhà thương mại.

Còn việc không cấp phép nhà ở thương mại trong hai năm tới theo ông Học cái này là do chủ đầu tư quyết định. Vì lợi nhuận của doanh nghiệp rõ ràng chủ đầu tư phải tính toán. Doanh nghiệp nào khảo sát cảm thấy có lợi, trên cơ sở tình hình tài chính, chiến lược mà ép phải dừng xây dựng thì như thế bị xem là kìm hãm. 

Còn việc khuyến khích chuyển nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội thì cũng do doanh nghiệp thôi. Tùy họ cảm thấy thuận cho hoạt động kinh doanh thì họ chuyển. Ngay cả công ty tôi cũng làm điều đấy. Cái nào chuyển sang nhà ở xã hội, cái nào vẫn giữ là nhà ở thương mại thì chính doanh nghiệp đó mới hiểu được. 

Theo ông Học thì để giải quyết hàng tồn kho, Nhà nước nên hỗ trợ về vốn cho cả người mua nhà và doanh nghiệp. "Mỗi một lần thay đổi chính sách là một lần khó khăn. Cái loay hoay bây giờ là tiếp cận đồng vốn của người mua và chủ đầu tư. Đừng nghĩ chuyển từ nhà nọ sang nhà kia mà được", ông Học bày tỏ.

Trưởng phòng pháp chế của một công ty xây dựng cho rằng không thể ép DN dừng dự án vì những dự án đang xin phép triển khai thì sau 2-3 năm bị ngưng liệu tính hiệu quả của dự án có còn, thậm chí còn gây thiệt hại cho doanh nghiệp. Và sau khoảng thời gian bị dừng ấy chắc chắn họ phải tính toán lại, làm thủ tục điều chỉnh.

Do đó vị trưởng phòng pháp chế trên cho rằng việc dừng dự án nhà thương mại cần quy định rõ với từng trường hợp, từng thời điểm cụ thể của dự án chẳng hạn dự án đã có chủ trương, dự án đang xin phép mà chưa phê duyệt, dự án đã phê duyệt nhưng chưa giải phóng mặt bằng, đã giải phóng mặt bằng, dự án đang làm hạ tầng…sẽ được xử lý thế nào.

Bên cạnh đấy là lo ngại trước tình trạng doanh nghiệp chạy theo nhà ở xã hội. Theo vị trưởng phòng pháp chế này, cần phải tính toán và có một kế hoạch cụ thể, phải thống kê xem có bao nhiêu dự án đang triển khai, có bao nhiêu căn hộ, nhu cầu thực là bao nhiêu…trước khi khuyến khích xây dựng nhà ở xã hội một cách ồ ạt dẫn đến nguy cơ thừa cung.

Diệu Thùy/Infonet

 
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang