Nhà sáng chế không chuyên: Sẽ không còn đơn độc!

authorBảo Anh 09:36 21/05/2015

(VietQ.vn) - Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có những chính sách thiết thực giúp người dân phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật giúp người dân thoát nghèo và vươn lên làm giàu.

Nhà sáng chế không chuyênThủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trò chuyện với các nhà sáng chế không chuyên nghiệp tiêu biểu 2015

Đề cao vai trò sáng tạo quần chúng nhân dân

Bộ trưởng  Bộ KH&CN Nguyễn Quân cho biết, nhận thức rõ vai trò và tầm quan trọng của lực lượng quần chúng nhân dân trong hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và phát triển KH&CN. Trong những năm qua, Bộ KH&CN đã tham mưu cho Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động sáng kiến, cải tiến kỹ thuật của các tầng lớp nhân dân. Điều lệ sáng kiến ban hành kèm Nghị định số 13/2012/NĐ-CP của Chính phủ và các Thông tư hướng dẫn của Bộ KH&CN đã có quy định cụ thể về điều kiện, thủ tục công nhận sáng kiến; quyền, nghĩa vụ của chủ đầu tư tạo ra sáng kiến; trả thù lao cho tác giả sáng kiến và người áp dụng sáng kiến. 

Với các nỗ lực của Bộ KH&CN và các Bộ, ngành, địa phương, phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong lao động, sáng tạo đã từng bước lan toả trong xã hội. Trên khắp các vùng miền đất nước, trong các tầng lớp nhân dân, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình mới, cách làm mới, gương điển hình tiên tiến về ứng dụng tiến bộ KH&CN. Bộ KH&CN trân trọng và đánh giá cao các thành quả sáng tạo của các nhà sáng chế không chuyên, bằng nỗ lực lao động nghiêm túc, bền bỉ và niềm đam mê đối với khoa học, đã tạo ra các sáng kiến cải tiến kỹ thuật có giá trị được ứng dụng trong sản xuất và đời sống, tiết kiệm chi phí, thời gian, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ, phục vụ thiết thực đời sống sinh hoạt của người dân.

Nhà sáng chế không chuyênNhà sáng chế không chuyên Bùi Trọng Tuấn ( Phú Thọ) với loại bếp khí hóa sạch môi trường

Hỗ trợ người dân phát huy sáng tạo

Ông Trần Quang Thiều – người đã sáng chế ra chiếc bẫy diệt chuột không cần mồi chia sẻ,  những nhà sáng chế không chuyên nghiệp  như ông cần được hỗ trợ một số vấn đề như đăng ký bản quyền, quyền tác giả.  Ông Thiều cho rằng, nhà sáng chế không chuyên thì thường không có bằng cấp nên để hoàn thiện một bộ hồ sơ đăng ký là rất vất vả, bên cạnh đó nhà nước nên có hỗ trợ nhân rộng các sáng chế có bản quyền, hữu ích cho cuộc sống.

Đối với ông Nguyễn Văn Trường, quê Ninh Bình cũng cho rằng, để một sáng chế thành công, đối với tác giả mất rất nhiều công sức và thời gian. Có những công trình thành công, có những công trình không thành công. 

Ông Trường cho biết, đối với những sáng chế có hiệu quả về kinh tế, xã hội, được thực tế công nhận thì rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước. Vì những người sáng chế ít khi là doanh nghiệp nên muốn phát triển và nhân rộng sản phẩm cần có vốn, rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước. Cụ thể, nhà sáng chế cần được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước để mở rộng quy mô và nhân rộng sản phẩm.

Cùng quan điểm trên, ông Trịnh Đình Năng thật sự mong muốn nhà nước có chính sách để hỗ trợ đưa các sản phẩm sáng chế vào thực tế cuộc sống, vào thị trường, thậm chí là xuất khẩu. "Mỗi người chỉ mạnh ở một mặt nào đó, đối với kinh doanh những người nghiên cứu như chúng tôi thì đó là trở ngại lớn nhất", ông Năng chia sẻ.

Đồng cảm với những ý kiến trên, ông Nguyễn Hồng Hà - Phó Vụ trưởng Vụ phát triển KH&CN địa phương cho biết, hiện đã có các văn bản quy định quy định mọi công dân đều có quyền nghiên cứu và sáng tạo, được hưởng lợi từ các kết quả nghiên cứu và sáng tạo của mình.  Bên cạnh đó, Luật KH&CN đã có những quy định cụ thể về hỗ trợ, về tạo điều kiện, xúc tiến các nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo. Đặc biệt, các Chương trình quốc gia đang thực hiện việc hỗ trợ cho các hoạt động sáng tạo, các quỹ như quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, quỹ đổi mới sáng tạo (IPP) đã hỗ trợ tư vấn các hoạt động về đổi mới sáng tạo. Do vậy, trong thời gian sắp tới, việc hỗ trợ các sáng chế hữu ích của quần chúng nhân dân sẽ được thực hiện.

Được biết, Bộ KH&CN đã phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan có liên quan triển khai nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực hỗ trợ các nhà sáng chế không chuyên từ khâu hình thành ý tưởng, nghiên cứu chế tạo đến hỗ trợ thương mại hóa sản phẩm, thành lập doanh nghiệp KH&CN để phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh. 

Có thể kể tới một số hoạt động nổi bật như: Khuyến khích, hỗ trợ các nhà sáng chế không chuyên tham gia chợ công nghệ và thiết bị Techmart. Từ năm 2003 đến nay, Bộ KH&CN đã phối hợp với các Bộ, ngành và các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức được 4 kỳ Techmart quy mô quốc gia và quốc tế, hàng chục Techmart quy mô vùng, thu hút hơn 6.000 lượt đơn vị tham gia, giới thiệu và chào bán hơn 30.000 công nghệ, thiết bị; 

Hỗ trợ cá nhân có sáng chế, sáng kiến thành lập doanh nghiệp KH&CN. Những người dân có sáng chế, sáng kiến cũng được khuyến khích thành lập doanh nghiệp KH&CN để ứng dụng và thương mại hóa các kết quả KH&CN do họ tạo ra; Tổ chức cuộc thi Sáng chế và các hoạt động nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ cho các tầng lớp nhân dân.

Cần huy động nguồn đầu tư của xã hội

 Trong dự thảo thông tư hướng dẫn về hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước cho bà con nông dân, chúng tôi đã đề cập đến nội dung này. Tuy nhiên, chúng ta đừng quá lệ thuộc vào nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước mà cần huy động nguồn đầu tư của xã hội, chủ yếu từ DN. Nhưng DN chỉ đầu tư khi nhìn thấy lợi nhuận. Những sáng kiến của người dân phải làm xuất phát từ thực tiễn của sản xuất, đồng thời đáp ứng lợi nhuận của DN.

Bên cạnh đó, Chính phủ đã thành lập các quỹ phát triển KHCN ở các địa phương, bộ ngành và quan trọng hơn cả là quỹ phát triển KHCN của các DN.

Chúng tôi cũng mong bà con khi có sáng chế, sáng kiến cải tiến khoa học, kỹ thuật thì cần nghiên cứu ngay là sẽ được sử dụng để làm gì, có đáp ứng được nhu cầu thị trường địa phương hay không. Yếu tố quan trọng không kém là mẫu mã phải phong phú, hấp dẫn, giá thành phải hợp lý.

Bộ trưởng Nguyễn Quân

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang