Chi trăm triệu đốt vàng mã: Sư thầy khuyên điều gì?

author 07:16 23/01/2014

(VietQ.vn) - Kinh phật không hề có đoạn nào dạy đốt vàng mã. Khi có sư mất, các thầy trong chùa cũng đâu có đốt vàng tiền, quần áo…

Hòa Thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó chủ tịch thường trực hội đồng trị sự Giáo Hội phật giáo Việt Nam, trụ trì chùa Bái Đính (Ninh Bình), đã có cuộc chia sẻ với PV Chất lượng Việt Nam về chuyện lạm dụng đốt vàng mã trong xã hội hiện nay.

Thưa thầy, trong Tết ông Công ông Táo và nhiều dịp lễ tết khác, người dân Việt Nam có tục lệ đốt vàng mã, sau khi đốt xong sẽ đem tro đổ xuống các ao hồ, điều đó có đúng với Phật dạy hay không?

Đạo phật không dạy đốt vàng mã, trong kinh phật cũng không hề có đoạn nào nói về đôt vàng mã. Chẳng thế mà khi có vị sư tăng nào mất các thầy nhà chùa cũng không đốt vàng mã, tiền nong, quần áo bao giờ. Đốt mã  là tập quán trong dân gian do ảnh hưởng  phong tục của người  Trung Quốc còn lưu lại từ  giai đoạn 1000 năm Bắc thuộc.

Đã thế, khi đốt vàng mã xong, người ta lại đem thả xuống ao hồ làm ô nhiễm môi trường. Vàng mã giờ đây thường được làm từ vật liệu tái sinh ảnh hưởng sức khỏe trước hết cho người đốt sau là những người xung quanh, khi thả xuống nước còn làm chết những sinh vật sống dưới nước…

Cuộc sống ngày càng hiện đại, người dân còn mua cả I phone, Ipad, xe máy, ô tô, thậm chí là nhà cửa và người hầu để đốt cho người dưới âm, Thầy có nhận định thế nào về quan niệm này?

Việc đốt vàng mã dường như đã ăn sâu vào tâm linh và trở thành một truyền thống lâu đời, việc xóa bỏ truyền thống này là không hề dễ, tuy nhiên, người dân nên hạn chế một cách tối đa đốt đồ mã để tránh ô nhiễm môi trường sống. Không chỉ vì bản thân mà còn vì những người xung quanh.

Nên tiết kiệm số tiền dùng để mua vàng mã để ủng hộ cho những người nghèo, những người có hoàn cảnh khó khăn, không nơi nương tựa. Trên đời này còn rất nhiều hoàn cảnh éo le, tại sao chúng ta bỏ rất nhiều tiền thật ra để mua những đồ vật làm bằng giấy về đốt đi gây lãng phí.

Đem tiền thật để mua đồ giả rồi đốt đi quả là một sự lãng phí

Quan niệm của người dân là “Trần sao âm vậy” nên phải chăng người dân bây giờ đã quá lạm dụng việc đốt vàng mã với mong muốn người thân dưới âm được hưởng cuộc sống sung sướng từ những đồ người trần đốt không ?

Đồ bằng giấy đốt đi rồi thì hàn gắn làm sao được nữa, các cụ ở dưới âm cũng đâu có dạy con cháu phải làm như thế. Người dân không nên quá mê tín như vậy, điều mà các cụ mong muốn con cháu mình đó chính là sống thật tốt, làm nhiều việc thiện, giúp đỡ con người. Các cụ ở dưới đó thì cũng có cuocj sống riêng, tiền tiêu cũng đâu giống trên trần.

Về vấn đề kinh tế, người dân bỏ tiền thật ra mua đồ giả về đốt gây mất lãng phí mà không giải quết được vấn đề gì cả. Để làm được đồ mã người làm lại phải chặt cây lấy gỗ, rồi lại đốt gây ô nhiễm khi đốt. Chúng ta phải có nhận thức đúng đắn hơn.

Thầy có lời khuyên nào cho người dân đi lễ chùa ngày nay?

Khi đi chùa người dân chỉ nên mua hương hoa, tuy nhiên cũng hạn chế đốt hương. Khi đi vào chùa Tâm của mình cần chân thành như thế là Phật đã chứng nhận và đã biết tới, việc đốt hương, đốt vàng mã chỉ ảnh hưởng tới môi trường sống của con người mà thôi. Chưa kể đến chất lượng của nhiều loại hương mua ngoài thị trường rất mất an toàn về chất lượng, khi đốt lên sẽ gây độc hại cho con người và mất vệ sinh môi trường không khí.

 

Nhà văn hóa Ngô Đức Thịnh: Chỉ có tấm lòng mới cảm hóa được thần linh

Tôi không phản đối việc đốt vàng mã , nhưng đốt thế nào cũng là văn hóa. Nếu người ta có ý nghĩ các con cháu trên trần gian được hưởng những đều kiện sống như thế này thì có một chút cho các cụ thì cũng không sao cũng không có gì là ghê gớm. Nhưng còn những kẻ đốt mã như đống rơm đống dạ thì phải có hình thức để ngăn cẩm, phải vận động để người ta hiểu cái đó là vừa vô tín ngưỡng, vừa vô văn hóa.

Có tấm lòng, có tâm thì sẽ cảm hóa được thần linh. Ví như trong ngày ông Công ông Táo, chỉ cần đốt cho 3 người mỗi người 1 cái mũ, 1 đôi giày, 1 bộ quần áo, và cá chép giấy hay mua cá chép sống rồi thả phóng sinh. Mua cá chép thì chỉ cần cá giấy, cá chép thường không cần thiết phải mua cá chép nhập ngoại.. Các cụ ngày xưa vẫn nói, vấn đề tấm lòng của chúng ta là quan trọng bậc nhất, dù đốt cá chép bằng vàng mà tấm lòng không trong sáng thì cũng không để làm gì. Đối với tín ngưỡng, tổ tiên, vong linh chỉ có tấm lòng mới có thể cảm hóa được thiên nhiên trời đất.

Lâm Hà-Hoàng Vũ

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang