Nhà sư đến Yên Tử khất thực được đối đãi như ‘khách VIP’

author 06:28 14/02/2016

(VietQ.vn) - Vào mùa lễ hội, thi thoảng có nhà sư đến Yên Tử khất thực thì đều được mời cơm, cho tiền và bố trí ô tô đưa về tận nơi.

Dù chưa đến ngày khai hội (mùng 10 tháng Giêng), nhưng tính từ 29 đến mùng 6 Tết đã có khoảng 130.000 lượt người về Yên Tử (TP Uông Bí, Quảng Ninh) hành hương lễ Phật, cầu bình an.

du khách đến yên tử

Du khách "đội nắng" hành hương về Yên Tử ngày mùng 6 Tết

Trao đổi với phóng viên Chất lượng Việt Nam, ông Lê Tiến Dũng – quyền trưởng Ban quản lý Di tích và Rừng Quốc gia Yên Tử cho biết: Để lễ hội diễn ra thuận lợi và chu đáo, ngay từ rất sớm, ban tổ chức đã tiến hành xây dựng kịch bản và lập kế hoạch thực hiện như: tu bổ, sửa chữa tuyến đường từ quốc lộ 18 vào khu di tích, tránh việc ách tắc khi phương tiện gặp sự cố.

Có khoảng 300 thùng rác công cộng đã được bố trí đặt tại các điểm di tích và dọc tuyến đường hành hương của du khách. Đông đảo người dân địa phương đã tình nguyện cùng nhau nhặt rác và xử lý, qua đó xây dựng một không gian lễ hội sạch đẹp và văn minh hơn.

Đồng thời, ban quản lý phối hợp với các lực lượng khác triển khai phương án không chèo kéo khách, bán hàng không đúng nơi quy định, không thực hiện niêm yết giá hay bán hàng kém chất lượng; quản lý các dịch vụ xe ôm, xe taxi nhằm tạo môi trường kinh doanh dịch vụ văn minh; ngăn chặn những tiêu cực xảy ra tại nhiều lễ hội như hiện tượng đánh bạc, cò mồi…

Ông Dũng cho hay: “Công an chìm” tại Yên Tử rất đông, mặc thường phục như dân thường. Nếu thấy đối tượng nào khả nghi ngay lập tức cho vào tầm ngắm để theo dõi.

“Mấy ngày nay lượng khách về Yên Tử rất đông nhưng chúng tôi chưa nhận được phản ánh nào báo bị mất trộm, móc túi”, ông Dũng nói.

ông Lê Tiến Dũng – quyền trưởng Ban quản lý Di tích và Rừng Quốc gia Yên Tử

Ông Lê Tiến Dũng – quyền Trưởng Ban quản lý Di tích và Rừng Quốc gia Yên Tử

Về vấn đề ăn xin, ăn mày, vị cán bộ Ban quản lý Di tích và Rừng Quốc gia Yên Tử khẳng định, không bao giờ tìm được người ăn xin tại Yên Tử, và theo ông thì không phải ngẫu nhiên có chuyện như vậy.

“Thực ra năm nào đến mùa lễ hội cũng có ăn xin, ăn mày đến Yên Tử. Nhưng khi họ vừa bước chân vào Yên Tử thì chúng tôi lập tức trục xuất. Với những trường hợp ‘lì lợm’, chúng tôi bố trí ô tô, kinh phí đưa về tận nhà. Còn nếu sau đó vẫn tiếp tục quay lại thì chúng tôi đưa vào trại tế bần đến hết mùa lễ hội”, ông Dũng nói.

“Ngoài người ăn xin ra thì hàng năm, thi thoảng vẫn có một số nhà sư cầm bát đến Yên Tử xin ăn, xin tiền. Gặp trường hợp nào chúng tôi cũng mời vào để mời cơm, cho tiền. Sau đó tiếp tục bố trí ô tô đưa nhà sư đó về bến Mỹ Đình hoặc Lương Yên vì hình ảnh nhà sư Yên Tử không có việc như thế”, ông Dũng cho biết thêm.

Chính vì có các biện pháp vừa mềm dẻo, vừa cương quyết nên từ nhiều năm nay, tại Yên Tử không có người ăn xin, ăn mày và nhà sư khất thực. Các việc tiêu cực khác như cờ bạc, bán thịt thú rừng,… từ lâu cũng bị dẹp bỏ.

Bài-ảnh: Viết Cường

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang