Nhà tài trợ không chỉ muốn Việt Nam 'tiêu tiền' của họ

authorMinh Hà 06:54 20/12/2014

(VietQ.vn) - Các nhà tài trợ quốc tế, ngoài đầu tư tiền cho hỗ trợ phát triển họ còn muốn Việt Nam đổi mới sáng tạo để nâng cao năng sực cạnh tranh, phát triển bền vững.

Sự kiện: Hoạt động Khoa học & Công nghệ

Ông Trần Quốc Thắng - Nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), hiện là Giám đốc dự án Đổi mới sáng tạo Việt Nam – Phần Lan (IPP) cho biết, các công ty hàng đầu thế giới như Apple, Google, Samsung… đều nằm trong top doanh nghiệp “chịu” đổi mới nhất và chi “mạnh tay” nhất cho nghiên cứu khoa học. Cũng chính từ đó mà họ đạt được doanh thu rất lớn. Nhiều doanh nghiệp để đứng vững trên thị trường, khẳng định sức sống của mính chính là nhờ biết đổi mới sáng tạo (ĐMST).

Xin ông cho biết hệ thống đổi mới sáng tạo ở Việt Nam hiện nay ra sao? IPP giai đoạn 2 sẽ thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo ở Việt Nam như thế nào?

IPP là một trong những chương trình hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) đầu tiên do Chính phủ Phần Lan thực hiện trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo trên thế giới. Tại Việt Nam, IPP là chương trình ODA đầu tiên thí điểm thực hiện hỗ trợ đối với hoạt động phát triển Khoa học và Công nghệ (KH&CN) và đổi mới sáng tạo. Giai đoạn 1 của chương trình đã được thực hiện từ năm 2009-2013 với ngân sách hoạt động trên 7 triệu Euro. Giai đoạn 2 sẽ được bắt đầu từ nay đến tháng 2/2018 với mục tiêu hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường thế giới, xuất khẩu những sản phẩm công nghệ mang dấu ấn đổi mới sáng tạo. Ngân sách hoạt động dự kiến khoảng 11 triệu Euro trong giai đoạn ba năm (2015-2018). 

Hệ thống ĐMST Quốc gia chúng ta cần nghĩ tới 3 chủ thể: các cơ quan hoạch định chính sách, các DN – nơi sử dụng tri thức, sử dụng công nghệ; các viện ,trường nghiên cứu nơi sản sinh ra trí tuệ, sản sinh ra các công nghệ mới, công nghệ cao. Liên kết giữa 3 chủ thể trên tạo ra một hệ thông đổi mới sáng tạo. Để cho hệ thống ĐMST Quốc gia phát triển một cách bền vững và có hiệu quả thì làm sao cơ chế chính sách cho hoạt động KH&CN phải tạo động lực, tạo ra cơ chế thông thoáng, để tạo mối liên kết chặt chẽ giữa 2 chủ thể còn lại giữa DN nơi cần tri thức với nơi sản sinh ra tri thức, công nghệ là các viện, trường, nhà nghiên cứu.

Ông Trần Quốc Thắng - Nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), hiện là Giám đốc dự án Đổi mới sáng tạo Việt Nam – Phần Lan (IPP)

Ông Trần Quốc Thắng - Nguyên Thứ trưởng Bộ KH&CN, hiện là Giám đốc dự án IPP. Ảnh: Tuyết Hoàn

Tuy nhiên, hiện nay hệ thống ĐMST vẫn chưa đáp ứng được sự phát triển của kinh tế xã hội, đặc biệt chưa đáp ứng được sự cạnh tranh càng ngày càng mãnh liệt khi chúng ta xâm nhập càng sâu, càng rộng vào nền kinh tế thị trường quốc tế. Muốn nâng cao hơn nữa chúng ta cần nâng cao nhận thức trong suy nghĩ và IPP giai đoạn 1 rất vinh dự, chính là một trong những nơi thí điểm để hỗ trợ cho sự liên kết giữa 3 nhà đó, hỗ trợ cho sự phát triển của hệ thống đối mới sáng tạo của Quốc gia.

Thời gian qua, chương trình này đã đạt được những kết quả ra sao thưa ông?

Trong giai đoạn 1 chúng tôi đã nhận được trên 400 hồ sơ xin tài trợ và sau khi tuyển chọn thì chúng tôi đã chọn được khoảng 60 đơn vị để tài trợ. Và trong 60 đơn vị này có khoảng 1 nửa là các doanh nghiệp. Các DN trong giai đoạn 1 được tài trợ chủ yếu là những DN vừa và nhỏ và có những DN rất nhỏ đã có những ý tưởng sáng tạo và lĩnh vực của họ rất đa dạng. Từ những DN rất nhỏ liên quan đến lĩnh vực y học cổ truyền cho đến những DN công nghiệp hiện đại như sơn Hải Phòng hoặc có những nhóm nghiên cứu của một số những viện trường. 

Các DN có ý tưởng thông qua hỗ trợ của dự án IPP, họ được hỗ trợ về kĩ thuật , tài chính, và đặc biệt được hỗ trợ về tư vấn trong việc làm thế nào để hoạt động đổi mới sáng tạo có hiệu quả. Thông qua hỗ trợ đó có rất nhiều DN thành công. Tiêu biểu như: Công ty CP bóng đèn phích nước Rạng Đông cùng với các nhà khoa học làm việc tại trung tâm R&D của Công ty đã nghiên cứu và sản xuất thành công đèn Compact chất lượng cao, rất tiết kiệm điện, sử dụng balat điện tử hoạt động theo chế độ dự nhiệt IC giúp nâng cao tuổi thọ của đèn lên 10 000 giờ; Ống đèn sử dụng thủy tinh không chì có tráng lớp bảo vệ Al2O, sử dụng viên Amalgan giúp kiểm soát lượng thủy ngân trong đèn không quá 3 mg nên rất thân thiện môi trường; sử dụng bột huỳnh quang 3 phổ cho ánh sáng trung thực, tự nhiên.

Hay như nhà máy sơn Hải phòng thông qua hỗ trợ của IPP đã đưa ra được sản phẩm sơn thân thiện với môi trường không dùng hóa chất độc hại hòa tan và đã một phần xâm nhập được thị trường quốc tế. Hoặc xí nghiệp nhuộm tơ tằm rất nhỏ có sự liên kết với 1 nhà khoa học để có những sản phẩm nhuộm thân thiện với môi trường, không dùng hóa chất để nhuộm. Đây là những thành công rất lớn của những DN tham gia IPP giai đoạn I.

Đối với IPP giai đoạn II, vẫn tiếp tục hỗ trợ cho những DN có ý tưởng đổi mới sáng tạo đồng thời sẽ hỗ trợ cho những DN khởi nghiệp mà có những ý tưởng đổi mới sáng tạo, có những sản phẩm mới, sản phẩm công nghệ cao đưa ra được thị trường trong nước và quốc tế.

Rút kinh nghiệm ở giai đoạn 1, trong giai đoạn 2, Ban Chỉ đạo chương trình sẽ có giải pháp gì để hạn chế các tiểu dự án không bị rơi vào tình trạng chậm tiến độ, thưa ông?

Vì sao nó chậm, chúng ta cần tìm ra nguyên nhân: Bản thân Ban quản lý cũng như là bản chỉ đạo chậm trong việc xem xét, phê duyệt; Chậm trong vấn đề hoàn thiện hồ sơ dự án, trong khi xem xét xong, phê duyệt xong chủ thể được nhận tài trợ phải hoàn thiện đề xuất của mình, hoàn thiện kế hoạch của mình kể cả trong dự toán; Sau khi kí kết tài trợ nó chậm bởi nơi nhận tài trợ quản lý dự án yếu kém đôi khi không nắm rõ được cơ chế cụ thể, quy định cụ thể của nhà nước về giải ngân. 

Từ những nguyên nhân này chúng tôi sẽ xem xét và rút kinh nghiệm. Thứ nhất: trong vấn đề phê duyệt, xem xét dự án phải nhanh, và trong quá trình thực hiện dự án phải tổ chức những lớp tập huấn hỗ trợ bám sát với các đơn vị nhận tài trợ để thúc đẩy quá trình thực hiện dự án nhanh.

Sau khi khởi động giai đoạn II này, chúng tôi sẽ xây dựng những tiêu chí rất cụ thể đối với những gói tài trợ cụ thể. Tuy nhiên, DN muốn tài trợ đầu tiên phải có ý chí, đổi mới sáng tạo và không ngại thất bại. Sau đó có dự án cụ thể khả thi để đề xuất với IPP, IPP sẽ xem xét và quyết định tài trợ

Ông kì vọng thế nào về IPP giai đoạn II, đặc biệt để từ đây có những sản phẩm Việt đạt đẳng cấp quốc tế?

Tôi rất kì vọng, tất nhên không phải chỉ do IPP giai đoạn 2, mà chúng ta cần biết lồng ghép với các chương trình khác của đất nước để có những sản phẩm cụ thể mang thương hiệu Quốc gia chiếm lĩnh được thị trường quốc tế. Đây chính là kì vọng của chúng tôi. IPP giai đoạn 2 cũng chỉ là một phần đóng góp vào hệ thống đỏi mới sáng tạo của đất nước ta trong giai đoạn hiện nay.

Từ khi có chương trình IPP, các nhà tài trợ trên thế giới họ cũng biết rằng đối với Việt Nam bây giờ không phải chỉ có tài trợ để chúng ta phát triển hạ tầng như giao thông, bệnh viện, trường học và phát triển để đổi mới sáng tạo hết sức quan trọng ở Việt Nam, mà cần có sự hỗ trợ về phát triển ĐMST thì chúng ta mới có thể phát triển bền vững.

IPP là "đốm lửa" đầu tiên và nó lôi kéo được các nhà tài trợ tiếp theo. Giai đoạn II của IPP sẽ tạo ra những đột phá mới cho ngành KH&CN Việt Nam, tạo điều kiện gắn kết giữa nhà khoa học, doanh nghiệp để tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng, hàm lượng khoa học cao…

Xin cảm ơn ông!

Tuyết – Hoàn (thực hiện)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang