Nhà thầu ngoại, chất lượng... trôi nổi

author 17:12 31/07/2012

(VietQ.vn) - Cho đến nay, phần lớn các dự án như: Dự án xây dựng đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Dự án đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây; Dự án xây dựng đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai… vẫn trong tình trạng chậm tiến độ, thậm chí tại một số gói thầu còn chưa đạt chất lượng.

Điều đáng nói là những dự án kể trên có đến 90% khối lượng xây lắp do các nhà thầu nước ngoài trúng thầu và thực hiện.

Chậm tiến độ...

Theo báo cáo của Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông thuộc Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), nhiều dự án hạ tầng giao thông có sự tham gia của nhà thầu nước ngoài tại Việt Nam đang triển khai rất chậm và một trong những nguyên nhân là năng lực thi công của nhiều nhà thầu nước ngoài kém. 

Được khởi công từ tháng 9/2009, dự án xây dựng đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai có chiều dài 244km, với tổng mức đầu tư 19.984 tỷ (vốn ODA do VEC vay ADB và vốn đối ứng do VEC phát hành trái phiếu), được chia thành 8 gói thầu xây lắp. 
 
Trong số này, các nhà thầu Hàn Quốc đã trúng thầu 6 gói, nhà thầu Trung Quốc trúng một gói, còn lại là nhà thầu nội. Tuy khởi công từ cách đây 3 năm, nhưng đến nay giá trị sản lượng do các nhà thầu nước ngoài thực hiện mới đạt 26,9%; giá trị giải ngân (kể cả tạm ứng) đạt 28,9%. Cụ thể, gói thầu A1 đạt 42,9% chậm 46,11%; gói thầu A2 đạt 26,5% chậm 28,35%; gói thầu A3 đạt 18,9% chậm 48,59%...
 
Một góc dự án cao tốc Nội Bài - Lào Cai chậm tiến độ
Một góc dự án cao tốc Nội Bài - Lào Cai chậm tiến độ
 
Dự án xây dựng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây được chia làm hai dự án thành phần, với tổng mức đầu tư 15.010 tỷ đồng. Thành phần 1 không có gì đáng nói vì đang trong giai đoạn tổ chức lựa chọn nhà thầu, còn dự án thành phần 2 từ Vành Đai 2 - Long Thành - Dầu Giây với 7 gói thầu xây lắp lại đáng chú ý dù được tổ chức đấu thầu rộng rãi quốc tế theo hướng dẫn của ADB và JICA. Dự án gồm có nhà thầu Hàn Quốc trúng 3 gói thầu, nhà thầu Trung Quốc trúng gói thầu số 1A, được khởi công từ tháng 6/2010, nhưng từ khi thực hiện đến nay giá trị sản lượng do các nhà thầu nước ngoài thực hiện mới đạt 50,4%, chậm 3,32% so với tiến độ tổng thể của dự án.  
 
Tương tự, tại Dự án xây dựng đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng cũng có tới 9/10 gói thầu xây lắp do nhà thầu nước ngoài đảm nhiệm, gồm nhà thầu Hàn Quốc trúng 5 gói, nhà thầu Trung Quốc trúng 4 gói. Nói đến dự án này, đại diện Cục quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông cũng đưa ra nhận định: từ khi thực hiện đến nay, giá trị sản lượng do các nhà thầu nước ngoài thực hiện không đạt yêu cầu về tiến độ thi công theo đúng hợp đồng xây lắp đã ký kết. Các gói thầu cũng đều chậm ít nhất từ 13% cho đến nhiều nhất hơn 55%.
 
Về nguyên nhân, ngoài các vấn đề như vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng, biến động giá, điều chỉnh thiết kế kỹ thuật… thì nhà thầu ngoại cũng bộc lộ nhiều hạn chế như thi công không đúng theo chỉ dẫn kỹ thuật, công tác điều hành còn lúng túng, thụ động… Không dừng lại ở việc chậm tiến độ, đại diện Bộ Giao thông Vận tải còn nhấn mạnh về công tác quản lý chất lượng ở các nhà thầu ngoại. 
 
Nhiều nhà thầu “ngoại” thi công các lớp cấp phối đá dăm có hiện tượng sử dụng máy san để rải nên khó kiểm soát được độ ẩm, cao độ và độ bằng phẳng. Bên cạnh đó, việc tư vấn giám sát một số dự án chưa kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn, để nhà thầu thi công một số hạng mục chưa đúng với yêu cầu chỉ dẫn kỹ thuật. Thậm chí, có nhà thầu còn đưa vật liệu vào công trình ở một số vị trí chưa thực hiện nghiêm túc thí nghiệm theo quy định, như tần suất lấy mẫu vật liệu đầu vào, như đất đắp, vật liệu mỏng đá dăm lớp 2, lớp 1…
 
Kiên quyết “trảm” nhà thầu sai hợp đồng
 
Ông Mai Tuấn Anh -  Tổng Giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), đã rất bức xúc khi phản ánh các nhà thầu “ngoại” không thể hiện được năng lực đúng với uy tín thương hiệu của mình. Hầu hết nhà thầu đều đang vi phạm hợp đồng quốc tế khi không huy động đầy đủ nguồn lực, cả về nhân lực và trang thiết bị để đẩy nhanh thi công. 
 
Bộ trưởng Giao thông vận tải, ông Đinh La Thăng
Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng
 
Nhiều nhà thầu quốc tế khi vào thi công các dự án giao thông ở Việt Nam vẫn phải ăn đong, trông chờ tạm ứng, thanh toán của chủ đầu tư để thi công, dẫn đến nhiều dự án bế tắc về tiến độ. Khi đấu thầu, năng lực các nhà thầu ngoại trên hồ sơ rất tốt, nhưng khi triển khai thi công thì ngược lại. Mặt khác, vốn lưu động của các nhà thầu ngoại dành cho thi công cũng không lớn, bộ máy nhân lực hạn chế, thiết bị nhỏ. Họ thuê lại các nhà thầu nội và lấy lợi nhuận bằng cắt lại các khoản phí…
 
Nhà thầu không đủ năng lực quản lý các nhà thầu phụ dẫn đến chất lượng, tiến độ công trình bị ảnh hưởng… Có nhà thầu đã thể hiện năng lực yếu kém đến mức cần phải chấm dứt hợp đồng như nhà thầu Keangnam, cả 2 gói thầu A4, A5 tại dự án đường cao tốc Nội Bài- Lào Cai do nhà thầu này thực hiện đều chậm tiến độ trong đó gói thầu A5 mới chỉ thực hiện được 5% khối lượng.
 
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, để xảy ra tình trạng trên, trách nhiệm lớn nhất vẫn thuộc về các nhà thầu. Do đó, Bộ sẽ kiên quyết không điều chỉnh tiến độ của 3 dự án giao thông nói trên. Nếu không thực hiện đúng tiến độ, các nhà thầu sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm theo các điều khoản trong hợp đồng đã ký. 
 
Để hỗ trợ các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ, Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu các chủ đầu tư, cụ thể là Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) và Tổng công ty phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) phải chủ động giải quyết những vướng mắc hiện nay để các nhà thầu không còn “viện cớ” bao biện cho việc chậm trễ tiến độ. Cụ thể, cần đơn giản hơn nữa các thủ tục quy trình thực hiện dự án, có thể điều chỉnh cho phép một số nhà thầu tự cung cấp vật liệu xây dựng để đẩy nhanh tiến độ, khẩn trương hoàn thành giải phóng mặt bằng... 
 
Về phía các nhà thầu, bên cạnh việc yêu cầu tiếp thu các ý kiến chỉ ra những yếu kém và trách nhiệm nhà thầu trong việc chậm tiến độ, Bộ trưởng khẳng định: “Tôi sẽ trực tiếp xử lý các vướng mắc của nhà thầu để tháo gỡ khó khăn với mục tiêu các dự án phải được hoàn thành đúng thời hạn”. Bởi đây không chỉ là các dự án của riêng ngành Giao thông Vận tải Việt Nam, mà còn là dự án sử dụng vốn tài trợ nước ngoài, là dự án thể hiện mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam với Hàn Quốc, Trung Quốc.
Nguyễn Phương
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang