Nhà văn hóa lý giải tục “Đầu năm mua muối…”

author 17:36 31/01/2014

(VietQ.vn)- Người xưa mua muối đầu năm không chỉ là mua lộc, mà còn thể hiện giáo lý khuyên răn con cháu trong nhà lo tu trí làm ăn, chi tiêu tiết kiệm…


Tục mua muối đầu năm (vào ngày mùng 1 tết) là một trong những nét văn hóa từ đời xưa cho tới nay vẫn được lưu truyền và áp dụng phổ biến tại nhiều vùng quê Việt Nam.

Ông Vương Duy Bảo, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT&DL) cho rằng  câu tục ngữ: “đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi” chính là một trong những phong tục điển hình gắn vớii nền văn hóa cư dân nông nghiệp lúa nước.

Tục mua muối đầu năm tới nay vẫn còn phổ biến

“ Xưa kia, người Việt đa phần là những người nông dân cần cù chịu khó. Đầu năm mua muối ăn nhịn để dành, không được lãng phí, tích cóp tiết kiệm để cuối năm dành dụm chút vốn liếng. Nhiều thì  xây nhà cửa, ít thì sửa sang được cái trái nhà, bếp núc, sân vườn…âu cũng là giáo lý cuộc đời”, ông Bảo nói.

Theo đó, chu kỳ một cuộc đời con người được đánh dấu bằng những mốc: “Tậu trâu, lấy vợ, làm nhà/ Có ba thứ đó mới ra đời người. “ Mua muối ngày đầu xuân không chỉ mang nghĩa mua lộc, mà còn là giáo lý con cháu ra tết nên ăn chắt hà tiện, tính toán làm ăn…”. Vị Phó Cục trưởng Cục văn hóa cơ sở nói.

Tục xưa cũng truyền dạy: Phiên chợ đầu năm người ta đi chợ thể nào cũng mua một ít muối về nhà và phiên chợ cuối năm, người ta mua vôi về để cho ông bình vôi ăn no nê, đầy đặn. Theo đó, đầu năm mua muối là đưa về nhà sự mặn mà quanh năm trong các quan hệ ứng xử, quan hệ làm ăn. Dẫu muối còn nhiều, nhưng vẫn nhắc nhau mua một bát. Điều đặc biệt ở đây là: với những vùng có thói quen đong các thứ bằng bát sát miệng (bằng miệng) như gạo, thóc, kê, đậu, vừng thì muối bao giờ cũng đong có ngọn, chứ không gạt miệng sợ về sẽ mất lộc, mất mặn mà.

Xưa các cụ làm nhà vật liệu phải tích cóp hàng năm trời, thậm chí là mấy năm trời trong đó có cả vôi làm vữa xây. Và việc tôi vôi chỉ dám thực hiện vào cuối năm. Đầu năm phải kiêng vì tôi vôi rã ra hết thì không may mắn. Hơn nữa “Bạc như vôi” là câu nói cửa miệng của các cụ ngày xưa.

Ở nông thôn, nhà nào cũng rắc vôi bột ở 4 góc vườn rồi vẽ hướng ra phía cổng để xua đuổi ma quỷ. Vì thế, dân gian có câu: “Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi”. Tuy nhiên, cũng có ý cho rằng, cuối năm mua vôi để tô điểm thêm cho ngôi nhà thêm mới, thêm đẹp đón xuân.

Gọi là cuối năm nhưng không ấn định ngày nào để mua vôi. Tùy thuộc vào phiên chợ nào cho thuận tiện trong khoảng mươi ngày cuối tháng Chạp theo chợ phiên (chợ phiên thường có nhiều loại: tháng 3 phiên, tháng 5 phiên, tháng 6 phiên, tháng 9 phiên hay tháng 12 phiên). Không mua chợ này thì mua chợ khác.

 

Hoàng Vũ

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang