Nhạc sĩ Thuận Yến và chặng đường nghệ thuật hào hoa

author 10:08 25/05/2014

(VietQ.vn) - Dù đã ra đi nhưng nhạc sỹ Thuận Yến đã để lại nhiều hình ảnh đẹp trong lòng những người yêu nhạc Việt Nam không chỉ với những ca khúc bất hủ mà còn bởi lối sống và con người của ông.

Nhạc sĩ Thuận Yến tên khai sinh là Đoàn Hữu Công, sinh ngày 15/8/1932 (theo thông tin gia đình cung cấp), quê ở Duy Xuyên, Quảng Nam.

Từ năm 1949, ông là cán bộ văn nghệ của Đoàn văn công Khu ủy Liên khu V từ năm 1949, sau đó theo học lớp Trung cấp sáng tác tại Trường Âm nhạc VN. Bước vào kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông viết những bài hát động viên thanh niên lên đường: Ba lô ta buộc cho chặt, Vành lá nguỵ trang rất xanh... 

chang duong nghe thuat nhac si thuan yen

Nhạc sỹ Thuận Yến được biết đến với khá nhiều ca khúc cách mạng

Năm 1945, ông chính thức lấy nghệ danh là Thuận Yến và tập trung sáng tác tác các ca khúc cổ vũ cách mạng.

Năm 1965, ông lên đường trở lại chiến trường  và cho ra đời nhiều ca khúc bất hủ như: Hát mừng quê ta giải phóng, Mỗi bước ta đi, Bài ca tiếp vận, Mỗi dòng thư Bác sáng ngời niềm tin. Ông đã có mặt trên chiến trường Trị Thiên - Huế và khi cuộc đấu tranh chính trị phát triển mạnh, ông đã viết ca khúc Người mẹ miền Nam tay không thắng giặc được nhanh chóng phổ biến rộng rãi ở cả hai miền Nam, Bắc

Sau đó, Thuận Yến theo học sáng tác tại Nhạc viện Hà Nội. Kết thúc khóa học, ông về Đoàn Văn công Tổng cục Xây dựng kinh tế, viết những ca khúc nổi tiếng về đề tài ca ngợi lãnh tụ: Bác Hồ - một tình yêu bao la, Vầng trăng Ba Đình 

Bên cách những bài hát về cách mạng, về lãnh tụ, Nhạc sĩ Thuận Yến còn có những bài hát viết về tình yêu đã  gắn liền tên tuổi ông như Chia tay hoàng hôn, ít ai biết rằng, chính NSUT Thanh Hương – bà xã Thuận Yến chính là nguồn cảm hứng để cố nhạc sỹ viết nên ca khúc này. Khi ông lên đường nhập ngũ, bà đã quyết tâm đi theo dù ngày ấy phụ nữ không được phép vào chiến trường.

Thế nhưng, nghệ sỹ Thanh Hương vẫn bất chấp tất cả để được gặp ông. Tình yêu của họ ngày sâu đậm theo từng năm tháng, dù nhiều lần chỉ gặp nhau trong vài phút ngắn ngủi rồi lại chia tay.

Sau đó, cũng chính nhờ ca khúc này mà Thanh Lam (con gái nhạc sĩ Thuận Yến) đã bước lên bục vinh quang nhận giải thưởng cao nhất trong cuộc thi đơn ca nhạc nhẹ năm 1991.

chang duong am nhac cua nhac si thuan yen

Nhạc sĩ Thuận Yến đóng góp một phần to lớn giúp Thanh Lam trở thành diva hàng đầu Việt Nam

Chiến tranh kết thúc, hòa bình được lập lại ở hai miền Nam, Bắc, nhạc sĩ Thuận Yến đã tiếp tục sự nghiệp sáng tác của mình với những cá khúc tập trung vào chủ để tình yêu và những suy ngẫm về cuộc đời. Thêm vào đó, những sáng tác sau này của nhạc sĩ Thuận Yến  hầu hết đều là những “món quà” dành cho cô con gái duy nhất của ông – ca sĩ Thanh Lam. Nổi bật nhất trong số những ca khúc mà Thanh Lam đã thể hiện và tạo được tiếng vang phải kể tới Em tôi, Khát vọng,…

Có thể nói, chính nhạc sĩ Thuận Yến đã góp một phần không nhỏ để đưa Thanh Lam đứng trong hàng ngũ những Diva hàng đầu của Việt Nam.

Gia đình Thuận Yến được coi là gia đình âm nhạc. Vợ của ông là nghệ sĩ đàn tranh Thanh Hương. Con gái lớn của ông là diva Thanh Lam, con trai là nhạc sĩ, DJ Trí Minh - người sáng lập Liên hoan âm thanh Hà Nội.

Năm 2009, các con ông đã thực hiện liveshow Tình yêu không lời dành tặng cha. 

Năm năm trở lại đây, căn bệnh Alzheimer đã khiến nhạc sĩ Thuận Yến mất đi những ký ức của mình, có những khi ông dường như còn không nhớ nổi tên các con, những người thân quen nhưng với riêng vợ mình, nghệ sĩ đàn tranh Hồ Thanh Hương, thì ký ức liên quan đến bà trong ông không thể nào mất được. Dù quên quên - nhớ nhớ nhưng mỗi lần vợ ra khỏi nhà là ông lại đi ra đi vào, đi lên đi xuống ngóng xem bà về chưa. Gắn bó với nhau suốt nhiều năm tháng tuổi trẻ trên chiến trường, những năm cuối đời của nhạc sĩ, bà vất vả ngược xuôi lo lắng, tận tình thuốc thang chăm sóc cho ông.

Suốt cuộc đời làm nghệ thuật của mình, nghệ sĩ Thuận Yến không chỉ đóng góp cho kho tàng âm nhạc quốc gia những tác phẩm bất hủ mà ông còn để lại cho đời một “trái tim thắp lửa”, gởi lại cho người “một nửa vầng trăng” , là động lực cho thế hệ trẻ Việt Nam đến với nghệ thuật chân chính. 

Lễ viếng nhạc sĩ Thuận Yến sẽ diễn ra từ 10 đến 12 giờ 30 phút ngày 27-5, lễ truy điệu được tổ chức lúc 12 giờ 30 phút tại Nhà Tang lễ quốc gia - số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ an táng được tổ chức lúc 15 giờ cùng ngày tại Nghĩa trang Công viên Vĩnh Hằng.

Vân Trang (th) 


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang