"Nhân bản" xét nghiệm: Sai chuyên môn, y đức

author 08:49 09/08/2013

Trước những sai phạm nghiêm trọng cả về chuyên môn lẫn y đức, hôm qua (8/8), Giám đốc, Phó giám đốc BV và 5 cán bộ Khoa Xét nghiệm của BV Đa khoa Hoài Đức đã bị đình chỉ công tác để phục vụ điều tra. Tìm hiểu vụ việc, PV phát hiện thêm nhiều trường hợp trùng xét nghiệm máu.

Trước những sai phạm nghiêm trọng cả về chuyên môn lẫn y đức, hôm qua (8/8), Giám đốc, Phó giám đốc BV và 5 cán bộ Khoa Xét nghiệm của BV Đa khoa Hoài Đức đã bị đình chỉ công tác để phục vụ điều tra. Tìm hiểu vụ việc, PV Tiền Phong phát hiện thêm nhiều trường hợp trùng xét nghiệm máu.

Bệnh viện Đa khoa huyện Hoài Đức, Hà Nội (ảnh to). Gia đình cháu Nguyễn Đức Khải bị sốc khi biết tin kết quả xét nghiệm máu của con mình bị “nhân bản” (ảnh nhỏ)
Chị Cao Thị Hương (xã Đức Giang, Huyện Hoài Đức) mẹ cháu Phạm Văn Đạt - 3 tuổi bàng hoàng khi biết kết quả xét nghiệm máu của con mình bị nhân bản.  Ảnh: Công Khanh.

 Cháu bé 3 tuổi trùng xét nghiệm máu với người bị động kinh

Chị Cao Thị Hưởng (xã Đức Giang, huyện Hoài Đức) ngỡ ngàng khi phóng viên đưa cho gia đình xem kết quả xét nghiệm máu của con trai chị là Phạm Văn Đạt (3 tuổi) trùng khớp xét nghiệm máu của bệnh nhân Nguyễn Công Thụ (46 tuổi), bị bệnh động kinh.

Chị Hưởng cho biết, 3 lần Đạt nhập viện vì viêm phế quản, các bác sĩ đều chỉ định cho lấy máu để xét nghiệm. Lần nào kỹ thuật viên cũng chích một ít máu ở đầu ngón tay và quệt lên lam kính (tấm kính mỏng). Anh Phạm Văn Tuấn, bố cháu Đạt cho biết, anh bị sốc khi biết kết quả xét nghiệm máu của con trai mình là kết quả bị “nhân bản” và trùng với một người 46 tuổi, một cháu 11 tháng tuổi.

Tại thôn Nội, xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức anh Nguyễn Văn Vũ, bố cháu Nguyễn Đức Khải không giấu được ngạc nhiên khi xem kết quả xét nghiệm máu của con trai trùng với người bệnh nhân động kinh 46 tuổi: “Không thể ngờ được con trai tôi mới 11 tháng tuổi lại là nạn nhân của sự việc tệ hại này”.

Chị Yến, mẹ cháu Khải cho biết: “Con trai chị nhập viện vì bị tiêu chảy, một nhân viên lấy máu từ đầu ngón tay trỏ của bé và phết lên tấm kính mỏng. Có lần con tôi bị tiêu chảy nặng nên gia đình đưa cháu đến BV Nhi T.Ư, ở đấy các bác sĩ lấy máu từ ven cho cháu chứ không chích từ đầu ngón tay như ở BV ĐK Hoài Đức”.

Bà Hoàng Thị Nguyệt, cán bộ Khoa Xét nghiệm, người đứng tên trong đơn tố cáo cho biết: “Thông thường khi lấy máu xét nghiệm phải lấy ở ven mới đủ số lượng máu để thực hiện xét nghiệm bằng máy móc của Khoa Xét nghiệm. Lấy máu ở đầu ngón tay chỉ giúp thử máu chảy, máu đông. Cũng có thể thử các chỉ số khác bằng cách lấy máu ở đầu ngón tay với điều kiện đó là máy hiện đại và thực hiện ngay sau khi lấy máu. Tuy nhiên, BV ĐK Hoài Đức không có loại máy xét nghiệm hiện đại đó”.

Được biết tại BV này bệnh nhân thường được chỉ định xét nghiệm cùng lúc 3 mẫu gồm xét nghiệm máu, nước tiểu và sinh hóa. Chi phí cho cả 3 xét nghiệm dao động trên dưới 200 nghìn đồng. Nhưng thực tế rất nhiều trong số những mẫu bệnh phẩm đó không được thực hiện xét nghiệm đúng quy trình mà bị vứt đi. Điều này cho thấy số tiền BV thu được từ bệnh nhân mà không phải thực hiện bất kỳ xét nghiệm nào sẽ lớn đến đâu.

Giảm 50% bệnh nhân xét nghiệm

 

a
Bệnh viện Đa khoa huyện Hoài Đức, Hà Nội (ảnh to). Gia đình cháu Nguyễn Đức Khải bị sốc khi biết tin kết quả xét nghiệm máu của con mình bị “nhân bản” (ảnh nhỏ).

Tìm gặp kỹ thuật viên Hoàng Thị Oanh, một trong những người đứng đơn tố cáo sự việc lên cơ quan chức năng, chị Oanh thẳng thắn chia sẻ: “Tôi là một trong những người đầu tiên ký tên vào đơn tố cáo. Nhưng không hiểu vì sao đơn chưa kịp gửi cơ quan chức năng thì tên tôi đã bị lộ ra. Ngay sau đó, tôi chịu sức ép từ anh em họ hàng và chồng bắt phải rút tên khỏi đơn. Dù rất phẫn nộ với việc làm sai trái của nhiều người trong vụ việc này nhưng tôi chịu áp lực lớn từ gia đình và người thân nên buộc phải rút tên khỏi đơn”.

Chị Oanh cho biết, chuyên môn của mình là kỹ thuật viên xét nghiệm nhưng chị chỉ được lãnh đạo BV giao cho làm công việc hành chính là phần lớn. Hàng ngày, chị Oanh có nhiệm vụ chấm công cho nhân viên trong khoa, theo dõi lượng hóa chất nhập vào và đã dùng, làm báo cáo xét nghiệm vào cuối tuần... Từ khi vụ việc bê bối vỡ lở, lượng bệnh nhân đến làm xét nghiệm đã giảm so với trước. Trong ngày 8/8, chỉ có chưa đầy 100 bệnh nhân làm xét nghiệm, giảm trên dưới 50% so với mọi khi.

Cử 7 bác sĩ, kĩ thuật viên hỗ trợ

Chiều ngày 8/8, ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đã có buổi làm việc với Ban giám đốc BV Đa khoa Hoài Đức. Trao đổi với phóng viên sau cuộc họp, ông Hiền cho biết, tại cuộc họp lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội đã công bố các quyết định đình chỉ công tác những người có liên quan đến việc nhân bản xét nghiệm trong thời gian qua.

Cụ thể, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc đã ra quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Nguyễn Trí Liêm, Giám đốc BV Đa khoa Hoài Đức. Thời hạn tạm đình chỉ công tác là 15 ngày kể từ ngày ký (8/8). Lý do đình chỉ là để phục vụ việc xem xét điều tra khởi tố vụ án “Lợi dụng chức vụ và quyền hạn trong khi thi hành công vụ tại BV ĐK Hoài Đức”. Đồng thời, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội giao ông Nguyễn Văn Dung, Phó Giám đốc Sở Y tế kiêm phụ trách điều hành BV Đa khoa Hoài Đức trong thời gian ông Nguyễn Trí Liêm bị tạm đình chỉ công tác. Cùng ngày, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đã ra quyết định đình chỉ công tác đối với bà Nguyễn Thị Nhiên, Phó giám đốc phụ trách chuyên môn BV Đa khoa Hoài Đức.

Hôm qua, ông Nguyễn Văn Dung cũng ra quyết định đình chỉ công tác đối với 5 cán bộ thuộc Khoa Xét nghiệm của BV gồm: Bà Vương Thị Kim Thành, trưởng Khoa Xét nghiệm; ông Nguyễn Đồng Sơn, kỹ thuật viên khoa Xét nghiệm, bà Vương Thị Lan, bà Nguyễn Thị Thu Trang, bà Nguyễn Thị Hồng Nhung là 3 nhân viên khoa xét nghiệm. Ngoài ra, Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu 3 bệnh viện (BV Hà Đông, BV Đống Đa và BV Saint Paul) cử 2 bác sĩ và 5 kỹ thuật viên lành nghề xuống hỗ trợ, lấp chỗ hổng do việc đình chỉ nói trên để đảm bảo việc khám chữa bệnh bình thường.

Mỗi năm chi 14 tỷ đồng cho BV Đa khoa Hoài Đức
 
Trao đổi với PV Tiền Phong, ngày 8/8, ông Trần Quang Ánh, Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) huyện Hoài Đức cho biết, BHXH huyện đã tạm dừng chi trả tất cả các loại tiền xét nghiệm trong quý I và quý II cho BV Đa khoa Hoài Đức để chờ kết luận xác minh vụ việc. BHXH sẽ lập đoàn công tác để thẩm tra lại toàn bộ hồ sơ kết quả xét nghiệm.
 
Ông Ánh cũng cho hay, mỗi năm với khoảng 12 nghìn hồ sơ, bảo hiểm chi trả cho riêng Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức khoảng 14 tỷ đồng/năm. Theo quy định, BHXH phải thực hiện công tác giám định chi phí khám chữa bệnh của người có sổ, thẻ bảo hiểm xã hội tại các cơ sở khám chữa bệnh. Trả lời câu hỏi liệu BHXH Hoài Đức có thiếu trách nhiệm, để lọt lưới những trường hợp “nhân bản” kết quả xét nghiệm? Ông Ánh cho biết, hàng ngày BHXH huyện đều cử cán bộ tới trực tiếp giám định, kiểm tra các thủ tục của bệnh nhân được hưởng tiền khám chữa bệnh theo quy định.

 

Nhóm PV

Theo Tiền Phong

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang