Nhận định chứng khoán ngày 16/4: VN30 biến động khó lường?

author 08:16 16/04/2020

(VietQ.vn) - Nhận định thị trường chứng khoán ngày 16/4, các chuyên gia cho rằng đây là thời điểm các cổ phiếu trong rổ VN30 có thể biến động khó lường, qua đó khiến cho thị trường có thể chịu các nhịp biến động mạnh trong phiên.

Sự kiện: Thị trường chứng khoán

Theo lịch, ngày 16/4 là ngày đáo hạn hợp đồng tương lai VN30F2004. Do đó, các chuyên gia cho rằng, đây là thời điểm các cổ phiếu trong rổ VN30 có thể có biến động khó lường, qua đó khiến cho thị trường có thể chịu các nhịp biến động mạnh trong phiên.

Các chuyên gia nhận định, VN-Index phiên giao dịch 16/4 không thể vượt qua ngưỡng 810 điểm. Trong khi đó, rủi ro điều chỉnh đang có sự gia tăng khi đây là vùng kháng cự mạnh trong nhịp hồi phục lần này. Vì thế, nhà đầu tư không nên vội mua đuổi trong những phiên tăng mạnh này.

 Rổ VN30 có thể có biến động khó lường khi đến ngày đáo hạn hợp đồng tương lai VN30F2004. Ảnh minh họa

Phân tích kĩ hơn, Công ty chứng khoán Phú Hưng (PHS) cho rằng, rủi ro ngắn hạn đang tăng dần tại vùng này, vùng hỗ trợ sẽ quanh 700-715 nếu thị trường giảm điểm. Nhà đầu tư nên tiếp tục thiên về chiến lược canh bán và đứng ngoài quan sát chờ tín hiệu điều chỉnh tích cực để tham gia trở lại.

Còn Công ty chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng, việc VN-Index tăng lên đã chạm đến vùng cản mục tiêu đã đề cập trong các bản tin trước và rủi ro điều chỉnh ngắn hạn đang ở mức cao.

Phiên giao dịch thứ ngày thứ Năm, theo các chuyên gia phân tích, một số mã cổ phiếu nhà đầu tư có thể quan tâm như: DRC của Công ty cổ phần Cao su Đà Nẵng (23.200 đồng/cổ phiếu); hay cổ phiếu LPB của Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt; cổ phiếu FPT của FPT; NBB của Công ty cổ phần Xây dựng Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (CII)…

Kết thúc phiên giao dịch 15/4, VN-Index tăng 9,81 điểm (1,28%) lên 777,22 điểm; HNX-Index tăng 1,1% lên 108,33 điểm; UPCoM-Index tăng 1,44% lên 51,51 điểm.

Toàn thị trường ghi nhận 484 mã tăng giá, 211 mã giảm giá và 151 mã đứng giá tham chiếu. Thanh khoản thị trường đạt 384,7 triệu đơn vị tương ứng giá trị giao dịch 5.633 tỉ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận trên HOSE đạt 1.264 tỉ đồng.

Cuối phiên, lực cầu càng gia tăng khiến VN-Index tăng gần 10 điểm, động lực chính đến từ cổ phiếu SAB và mã ngân hàng: VCB, BID, CTG, TCB. Cổ phiếu VIC chìm trong sắc đỏ cả phiên, đến phiên ATC cũng đảo chiều tăng 0,4% lên 96.000 đồng/cổ phiếu.

Trong khi đó, thị trường chứng khoán châu Á phiên 15/4 cũng ghi nhận nhiều mã giảm sàn. Cụ thể, Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 0,4% trong khi thị trường Hàn quốc đóng cửa để chuẩn bị cho bầu cử quốc hội. Tại Trung Quốc, Shanghai Composite và Shenzhen Composite lần lượt giảm 0,6% và 0,5%. Hang Seng của Hong Kong giảm 1,2%.

ASX 200 của Australia giảm 0,4%, ngược lại, NZX 50 của New Zealand tăng 2,5%. Tại Đông Nam Á, Straits Times của Singapore giảm 1,5%, SET 50 của Thái Lan giảm 1,4%, Jakarta Composite của Indonesia giảm 1,7% trong khi KLCI của Malaysia tăng 1,2%.

Cổ phiếu tại châu Á diễn biến trái chiều sau khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc quyết định hạ lãi suất đối với khoản vay kỳ hạn một năm từ 3,15% xuống 2,95% và bơm 14 tỉ USD vào hệ thống tài chính nhằm giúp kinh tế khắc phục hậu quả do Covid-19 gây ra. Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự báo kinh tế thế giới sẽ giảm 3% trong năm 2020, trái ngược với dự báo tăng 3,3% hồi tháng 1.

Thảo Nguyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang