Nhân dịp dân kêu khổ, quan chức Đường Lâm xin Hà Nội 500 tỷ

author 09:17 22/05/2013

(VietQ.vn) - Các quan chức của làng cổ Đường Lâm đã "vẽ" ra dự án phục hồi, di dân trong những năm tới, với kinh phí...500 tỷ đồng.

Sáng 21/5, đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy dẫn đầu đoàn công tác của TP đã có buổi khảo sát, làm việc với UBND thị xã Sơn Tây và đại diện chính quyền, các hộ dân xã Đường Lâm về thực trạng công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích Làng cổ Đường Lâm. Cùng dự buổi làm việc có các đồng chí: Đặng Thị Bích Liên, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL; Hồ Quang Lợi, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy, Đào Văn Bình, Chủ tịch UB MTTQ TP; Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Chủ tịch UBND TP.
 
Làng cổ Đường Lâm.
Làng cổ Đường Lâm.
Báo cáo với Bí thư Thành ủy, ông Đặng Vũ Nhật Thăng, Chủ tịch UBND Thị xã Sơn Tây cho biết, Làng cổ Đường Lâm là một quần thể di tích có mật độ dày đặc, với 50 di tích có giá trị, trong đó có nhiều di tích đã được nhà nước xếp hạng (gồm 7 di tích quốc gia, 2 di tích và 10 ngôi nhà cổ được xếp hạng cấp tỉnh), ngoài ra còn lưu giữ được 37 ngôi nhà cổ giá trị đặc biệt có niên đại từ 200 - 400 năm, 74 ngôi nhà cổ loại 1 có niên đại trên 100 năm và gần 1.000 ngôi nhà truyền thống nông thôn vùng đồng bằng Bắc bộ.
 
Hiện 5 thôn trong khu vực di tích Làng cổ có gần 1.500 hộ dân, với hơn 6.000 nhân khẩu đang sinh sống. Theo Luật Di sản văn hóa thì Làng cổ Đường Lâm được quy định có 2 khu vực bảo vệ 1 và 2, trong đó khu vực 1 là vùng có các yếu tố gốc cấu thành di tích, khu vực này phải được bảo vệ nguyên trạng về không gian. Do vậy, khu vực bảo vệ 1 là thôn Mông Phụ phải được bảo vệ nguyên trạng, nhưng di tích Làng cổ Đường Lâm là một “di tích sống”. Vì vậy, giữa bảo tồn và phát triển luôn luôn là một bài toán khó và mâu thuẫn đối với công tác quản lý di tích trong suốt thời gian qua.

Kể từ khi Làng cổ Đường Lâm được công nhận là di tích kiến trúc - nghệ thuật cấp quốc gia, các cấp chính quyền từ thị xã đến tỉnh, TP đã ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo công tác bảo tồn, phát huy giá trị như tiến hành tu bổ một số di tích như đình Mông Phụ, đình Đông Sàng, nhà thờ thám hoa Giang Văn Minh và 16 ngôi nhà cổ bị xuống cấp; đầu tư cơ sở hạ tầng xã hội cho xã Đường Lâm như trường học, công trình văn hóa, đường giao thông nông thôn… với tổng kinh phí trên 113 tỷ đồng.
 
Trong 6 năm qua, Làng cổ Đường Lâm đã đón tiếp trên 320 nghìn lượt khách đến tham quan, nghiên cứu, số tiền phí thu được gần 4,5 tỷ đồng, một phần trong số tiền này đã phục vụ công tác tuyên truyền, tập huấn, quảng bá về di tích, hỗ trợ cho chủ nhân các ngôi nhà cổ và người trông coi di tích, chi hỗ trợ đảm bảo công tác an ninh cho xã…

Tuy nhiên, việc thực hiện bảo tồn nguyên trạng di tích mâu thuẫn với nhu cầu sinh hoạt ngày càng phát triển của nhân dân. Mặc dù thị xã Sơn Tây đã linh hoạt trong việc ban hành quy chế tạm thời trong phối hợp quản lý và xử lý các vi phạm trật tự xây dựng trong khu vực Làng cổ, từ năm 2006 đến nay, thị xã Sơn Tây đã ban hành 131 văn bản thỏa thuận cho phép các hộ dân xây dựng, sửa chữa nhà ở. Riêng quý I/2013, trong khu vực di tích có 22 hộ dân xây dựng, trong đó có 3 hộ xây không phép. Song do Quy hoạch tổng thể khu di tích đang trong quá trình xây dựng, việc cấp đất giãn dân chậm, nên dẫn đến việc nhiều hộ dân tự ý xây dựng, sửa chữa nhà ở trong vùng bảo vệ của khu di tích.
 
Cùng với đó, kinh phí dành cho việc bảo tồn, tôn tạo các nhà cổ bị xuống cấp còn hạn chế; việc tham gia của các hộ dân vào hoạt động du lịch, phát triển kinh tế gia đình còn chưa nhiều, chủ yếu tập trung ở một số gia đình có nhà cổ tiêu biểu, trong khi các hộ dân phải thực hiện nghiêm ngặt các quy định về xây dựng… làm nảy sinh những mâu thuẫn, bức xúc, dẫn đến việc một số hộ dân làm đơn xin trả lại danh hiệu di tích quốc gia.

Tại hội nghị, đa số các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học đều nhấn mạnh đến ý nghĩa, giá trị của di tích Làng cổ Đường Lâm. Theo Tiến sỹ Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội di sản văn hóa Việt Nam, kể từ khi được công nhận, Làng cổ Đường Lâm đã được quan tâm đầu tư về cơ sở hạ tầng xã hội, mặt bằng chung đã cao hơn các địa phương khác, hoạt động du lịch, dịch vụ cũng từng bước phát triển, mang đến sức sống mới cho Làng, do đó nói việc nhân dân không được hưởng lợi từ di tích là không có cơ sở.
 
Ông Trần Đức Cường, Phó chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam chia sẻ, khi làm hồ sơ đề nghị công nhận di tích quốc gia, đa phần nhân dân xã Đường Lâm đều vui mừng và nhất trí rất cao, nên khi di tích được công nhận thì đã trở thành tài sản quốc gia, các cấp chính quyền và cộng đồng nhân dân phải có trách nhiệm, nghĩa vụ bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Song điều quan trọng ở đây là phải đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của nhà nước và lợi ích của nhân dân, để những người chủ thực sự của di tích phải được hưởng lợi từ chính di tích đó, có như vậy nhân dân sẽ tự nguyện bảo vệ di tích của họ, ông Trần Đức Cường nhấn mạnh. 
 
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị cho rằng, Đường Lâm là mô hình đặc thù, là làng cổ đầu tiên của cả nước được công nhận, do đó trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích còn có những khó khăn, vừa làm vừa rút kinh nghiệm trên tinh thần chia sẻ, cầu thị. Sau 8 năm được công nhận là di tích kiến trúc – nghệ thuật cấp quốc gia, công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích có những kết quả tích cực và cả những điểm còn hạn chế, từ cấp Bộ, TP đến địa phương đều tích cực vào cuộc, công tác tuyên truyền, quảng bá được đẩy mạnh, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội của Đường Lâm được quan tâm đầu tư hơn so với các xã trong khu vực; nhận thức, ý thức, trách nhiệm của nhân dân trong bảo vệ di tích được nâng lên, đại bộ phận nhân dân trong xã đã được hưởng lợi từ di tích. Với những kết quả tích cực đó, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị đánh giá cao, hoan nghênh tình cảm, trách nhiệm của đại đa số nhân dân Đường Lâm trong công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích.

Chia sẻ với những khó khăn, bức xúc của nhân dân, Bí thư cho rằng nguyên nhân là do các cấp chính quyền chưa thực sự vào cuộc trong việc xây dựng những cơ chế, chính sách phù hợp với một di tích lịch sử văn hóa có tính chất đặc thù như Đường Lâm. Mặc dù đã có chủ trương về lập quy hoạch, cấp đất giãn dân song tiến độ triển khai chậm, chính vì thế nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu là phải sớm hoàn thành phê duyệt Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích Làng cổ Đường Lâm (trong tháng 6/2013), cùng với đó là sớm triển khai quy hoạch khu tái định cư để tổ chức cấp đất giãn dân cho các hộ trong khu di tích.
 
Bí thư Thành ủy nhấn mạnh, việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích phải tôn trọng quan điểm di sản là của dân thì phải vì dân và do dân, để dân là người chủ thực sự của di tích; nghiên cứu và cân nhắc, có sự chọn lọc kỹ lưỡng, chặt chẽ về không gian bảo tồn, những công trình tiêu biểu phải bảo tồn nguyên trạng, còn những công trình có tính phổ quát thì áp dụng linh hoạt, không thể vì bảo tồn mà để nhân dân gặp khó khăn, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị nhấn mạnh.

Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị cũng yêu cầu trong quá trình xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù cần phải phù hợp với Luật Di sản văn hóa và điều kiện thực tiễn của di tích; đẩy mạnh phân cấp, gắn thẩm quyền và trách nhiệm nhiều hơn cho thị xã Sơn Tây và xã Đường Lâm. Về mô hình Ban Quản lý di tích, Bí thư yêu cầu cần phát huy vai trò của cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể nhân dân xã Đường Lâm trong việc cùng tham gia quản lý; tiếp tục rà soát điều lệ quản lý khu di tích, loại bỏ những điểm không phù hợp, không đi vào cuộc sống. Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị mong muốn nhân dân xã Đường Lâm phát huy trách nhiệm, cùng chung tay bảo vệ và phát huy giá trị của di tích.
 
Trọng Toàn

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang