Nhập lậu cá tầm Trung Quốc 'ồ ạt' - nguy hại khó lường, chất lượng cá thương phẩm thấp

author 11:13 10/03/2021

(VietQ.vn) - Trước thực trạng cá tầm nhập lậu từ Trung Quốc ồ ạt chiếm lĩnh thị trường, Ban chỉ đạo 389 Quốc gia đề nghị cần tăng cường kiểm tra chặt chẽ việc các doanh nghiệp có hoạt động nhập khẩu cá tầm.

Liên tiếp thu giữ cá tầm nhập lậu từ Trung Quốc

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, lượng cá tầm Trung Quốc nhập khẩu về Việt Nam trong các năm từ 2018, 2019 và 2020 lần lượt là 1.164 tấn, 1.849 tấn và hơn 1.000 tấn. Chỉ trong 2 tháng đầu năm 2021, số lượng cá tầm Trung Quốc nhập về qua 2 cửa khẩu quốc tế là Hữu Nghị (Lạng Sơn) và Kim Thành (Lào Cai) đã đạt con số 812 tấn. Trong đó, riêng tại cửa khẩu Hữu Nghị là 687 tấn. Điều đáng nói, lượng lớn cá tầm nhập khẩu đều vi phạm về nguồn gốc xuất xứ gây ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình kinh doanh loại cá này.

Cụ thể, trong thời gian qua lực lượng chức năng một số tỉnh đã liên tiếp bắt giữ lượng lớn cá tầm nhập lậu từ Trung Quốc về. Vụ việc mới đây nhất phải kể tới đó là Chi cục Hải quan Cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) phát hiện và bắt giữ lô hàng 4.000kg cá tầm Trung Quốc trị giá 413.947.200 đồng nhập về Việt Nam. Dù hình thức là nhập chính ngạch, tuy nhiên doanh nghiệp đã “biến tấu” không khác gì buôn lậu khiến cơ quan chức năng xử phạt doanh nghiệp nhập cá tầm 140 triệu đồng.

Tiếp đến, lãnh đạo Đội Quản lý thị trường số 7 thuộc Cục Quản lý thị trường Lào Cai cũng đã phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an tỉnh Lao Cai) phối hợp bắt giữ 400kg cá tầm nhập lậu từ Trung Quốc về Việt Nam tại khu vực tổ 18, phường Duyên Hải, TP Lào Cai do ông Trần Văn Giang, sinh năm 1977, thường trú tại tổ 33, phường Kim Tân, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai là chủ.

Theo nhận định của lực lượng chức năng tỉnh Lào Cai, đây là vụ bắt giữ cá tầm nhập lậu đầu tiên do đơn vị thực hiện, tuy nhiên, trên địa bàn thời gian qua các đơn vị khác cũng đã phát hiện, bắt giữ một số vụ vi phạm liên quan đến mặt hàng này. 

 Cần kiểm tra chặt chẽ hoạt động kinh doanh cá tầm. Ảnh minh họa

Nhập lậu cá tầm Trung Quốc gia tăng có thể 'bóp nghẹt' cá tầm trong nước

Theo Tổng Cục Hải Quan, thực trạng buôn lậu cá tầm từ Trung Quốc thời gian qua vẫn diễn ra dưới nhiều hình thức, tiếp tục trở thành nguy cơ “bóp chết” cá tầm Việt Nam.

Ngay từ những năm 2013, “vấn nạn” cấ tầm Trung Quốc nhập lậu tràn ngập thị trường Việt Nam đã được cảnh báo. Ước tính thời điểm đó, mỗi năm có đến 5.000-6.000 tấn cá tầm bằng cách này hay cách khác xâm nhập vào thị trường Việt Nam. Từ đường hàng không cho đến đường tiểu ngạch, cá tầm Trung Quốc sau khi vào Việt Nam đã được “tẩy” nguồn gốc, trà trộn với cá tầm Việt Nam khiến người tiêu dùng không thể nào phân biệt nổi. “Cơn bão” đó cũng đã khiến nhiều trang trại cá tầm trong nước không thể cạnh tranh nổi, phải phá sản hoặc chuyển sang nuôi trồng các loại thủy sản khác.

Còn theo báo cáo của các địa phương sản xuất cá nước lạnh có quy mô như Lâm Đồng, Lào Cai, Cao Bằng, Yên Bái... thách thức từ cá tầm Trung Quốc là đặc biệt lớn, nhiều ý kiến còn cho rằng, nguy cơ “bóp chết” cá tầm trong nước là hiện hữu.

Trước hết là thách thức về chất lượng con giống cũng là vấn đề được xem là nghiêm trọng đối với nghề nuôi cá nước lạnh hiện nay. Vấn đề là ở chỗ, trứng cá nhập khẩu từ các nước Âu, Mỹ thường đảm bảo chất lượng cũng như kiểm dịch thú y rất chuẩn mực. Chất lượng trứng như vậy thường tương ứng với giá thành cao, nên con giống sản xuất ra cũng có giá cao. Trong lúc đó, các nhà cung cấp trứng, giống từ Trung Quốc gần kề luôn đưa ra giá thấp hơn 20-35%. Lẽ đương nhiên, phần lớn người nuôi nhỏ lẻ, thậm chí nhiều doanh nghiệp vì lợi ích ngắn hạn đã chấp nhận mua trứng, con giống từ Trung Quốc mà bỏ qua kiểm định chất lượng cũng như các tiêu chuẩn kiểm dịch. Điều này sẽ gây hậu quả cho người nuôi và rõ ràng là thách thức lớn đối với hiện tại và tương lai trong bối cảnh cạnh tranh giữa các nhà cung cấp.

Thách thức thứ hai là hiện nay cá tầm Việt Nam chất lượng cao giá cao đang phải cạnh tranh với cá tầm Trung Quốc chất lượng thấp, giá thấp. Thực tế, Trung Quốc xuất khẩu (bằng con đường tiểu ngạch) sang Việt Nam cá tầm có giá chỉ bằng 50-75% giá cá tại trang trại của Việt Nam. Trong sâu xa, chưa ai giải thích được vì sao giá cá tầm Trung Quốc lại thấp như vậy. Nhưng ai cũng nhận thấy chất lượng cá tầm Trung Quốc thấp (so sánh mùi vị, firmility…).

Mặc dù sau đó các cơ quan quản lý đã có những động thái siết chặt kiểm tra nguồn gốc cá tầm Trung Quốc, tuy nhiên thực trạng nhập lậu cá tầm Trung Quốc vào thị trường Việt Nam vẫn tiếp tục diễn ra.

Xử lý nhiều hàng hóa vi phạm dịp trong và sau Tết Nguyên đán(VietQ.vn) - Trong đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường trong và sau Tết năm 2021 lực lượng QLTT tỉnh Bắc Giang, Hòa Bình đã xử lý nhiều vụ vi phạm về hàng hóa.

Siết chặt hoạt động nhập khẩu cá tầm

Trước thực trạng cá tầm nhập lậu từ Trung Quốc ồ ạt chiếm lĩnh thị trường, đẩy ngành chăn nuôi cá tầm trong nước vào cảnh hết sức khó khăn, nhiều doanh nghiệp, gia đình có nguy cơ phá sản,. Phó Trưởng ban thường trực BCĐ 389 quốc gia Đinh Tiến Dũng vừa có văn bản yêu cầu một số bộ ngành và Ban Chỉ đạo 389 các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường kiểm tra chặt chẽ việc các doanh nghiệp có hoạt động nhập khẩu cá tầm.

Theo đó, Ban chỉ đạo 389 quốc gia yêu cầu các bộ: Tài chính, Công an, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quốc Phòng và Ban Chỉ đạo 389 các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh, Hà Giang, Lào Cai và các địa phương có liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra chặt chẽ việc các doanh nghiệp có hoạt động nhập khẩu cá tầm từ Trung Quốc vào Việt Nam bảo đảm đúng quy định của pháp luật.

Tăng cường công tác quản lý, kiểm soát trong thị trường nội địa (nhất là các trung tâm tiêu thụ lớn tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh) để đấu tranh, ngăn chặn, xử lý đối với các hành vi vi phạm quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh, buôn bán mặt hàng cá tầm (nguồn gốc, xuất xứ, giấy phép, sở hữu trí tuệ; kiểm dịch, an toàn vệ sinh thực phẩm, gian lận thương mại...).

Bên cạnh đó, giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố rộng rãi danh sách các loại cá tầm được phép nhập khẩu để các cơ quan chức năng thuận lợi trong việc thực hiện và kiểm tra, kiểm soát.

Chỉ đạo này của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia thực hiện chỉ đạo của đồng chí Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình về những thông tin báo chí nêu thời gian qua về việc NK và kinh doanh cá tầm. Bên cạnh đó là một số kiến kiến nghị, xem xét các vấn đề về nhập nhập khẩu cá tầm từ Trung Quốc…

Cá tầm là một loại cá nước lạnh, hơn nữa là một loại cá “không xương”. Chúng được khai thác triệt để bởi cấu tạo của cá hoàn toàn từ sụn nên có thể ăn được. Sụn của loại cá này giàu canxi rất tốt cho sự phát triển chiều cao của trẻ, cũng như có lợi cho khớp của tất cả mọi người, đặc biệt là người lớn tuổi.

Cá tầm là một loài cá chứa nhiều chất dinh dưỡng cao dễ hấp thu và dễ tiêu hóa.Thịt cá tầm chứa nhiều vitamin A, phốt-pho, selen và vitamin B6, B12 đặc biệt là omega 3 và omega 6. Hàm lượng DHA trong 100gr thịt cá là khoảng 0,54gr, cá tầm là nguồn cung cấp DHA cho bà mẹ mang thai và trẻ em.

An Dương 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang