Nhập lậu nguyên liệu thuốc đông y từ Trung Quốc về tiêu thụ với số lượng 'khủng'

author 14:49 22/09/2020

(VietQ.vn) - Trong mấy ngày gần đây lực lượng chức năng một số tỉnh liên tiếp phát hiện và thu giữ hàng hóa vi phạm là nguyên liệu thuốc đông y, thuốc bắc nhập lậu.

Cụ thể, theo Cục Quản lý thị trường (QLTT) Tuyên Quang vừa có văn bản đề nghị cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Tuyên Quang tiếp nhận hồ sơ, tang vật, phương tiện để điều tra theo quy định của pháp luật vụ vận chuyển thuốc đông y không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hợp pháp lớn nhất từ trước tới nay.

Cụ thể, trước đó, Đội QLTT số 1 thuộc Cục QLTT Tuyên Quang đã tiến hành kiểm tra phương tiện vận tải mang nhãn hiệu (HYUNDAI) MIGHTY DONGVANG biển kiểm soát 22C-064.37 vận chuyển hàng hoá là nguyên liệu thuốc đông y không có hoá đơn chứng từ.

Lượng lớn nguyên liệu thuốc đông y bị phát hiện tại Tuyên Quang. Ảnh: Cục QLTT Tuyên Quang 

Làm việc với Đội QLTT số 1, bà Đặng Thị Duyên có địa chỉ thường trú tại xóm 10, xã Lang Quán, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang thừa nhận là người chịu trách nhiệm đối với hàng hoá. Đồng thời khẳng định toàn bộ hàng hoá chở trên xe ô tô 22C-064.37 là do bà thuê ông Bùi Việt Hùng vận chuyển, đồng thời tự nguyện giao nộp phần hàng hoá còn lại được cất giữ tại nhà. Tổng số hàng hóa bà Duyên giao nộp trên 13 tấn nguyên liệu thuốc đông y gồm: kỷ tử, xuyên khung, sinh địa, bạch truột, bạch thược, xuyên quy.

Cũng theo lời khai của bà Duyên, tất cả số hàng trên đều không có hoá đơn chứng từ theo quy định. Một số hàng hoá được chứa đựng trong bao bì có chữ Trung Quốc. Bà Duyên khai nhận đã nhập lô hàng trên từ Trung Quốc về tiêu thụ.

Đội QLTT số 1 đã tạm giữ toàn bộ lô hàng và phương tiện ô tô biển kiểm soát 22C-064.37 để xác minh làm rõ vụ việc. Đồng thời tiến hành khảo sát giá và tổ chức họp định giá đối với hàng hoá, tang vật là nguyên liệu nguyên liệu thuốc đông y nêu trên. Ban đầu đã xác định trị giá của lô hàng trên 2,7 tỷ đồng.

Qua xem xét thấy vụ việc có dấu hiệu tội phạm, tội buôn lậu. Cục QLTT Tuyên Quang đã có văn bản đề nghị cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Tuyên Quang tiếp nhận hồ sơ, tang vật, phương tiện để điều tra theo quy định của pháp luật.

Cách đây ít hôm lực lượng QLTT tỉnh Lạng Sơn cũng phát hiện và bắt giữ số lượng lớn nguyên liệu thuốc bắc do các đối tượng nhập lậu đưa vào nội địa tiêu thụ.

Cụ thể, Tổ QLĐB huyện Lộc Bình thuộc Đội QLTT số 3 phối hợp với Công an huyện Lộc Bình phát hiện xe ô tô biển kiểm soát 12A-047.20 đang trên đường lưu thông từ hướng khu nhà thờ thị trấn Lộc Bình, huyện Lộc Bình ra thành phố Lạng Sơn.

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng QLTT phát hiện trên phương tiện đang vận chuyển một số bao tải dứa, chứa các nguyên liệu khô. Phối hợp với lực lương chức năng kiểm đếm trực tiếp đoàn kiểm tra thấy số hàng hóa gồm 140kg quả mộc qua, cam thảo, không có hóa đơn chứng từ, chứng minh nguồn gốc hàng hóa. Đoàn kiểm tra đã tiến hành tạm giữ phương tiện, hàng hóa và làm việc với lái xe để làm rõ các tình tiết liên quan đến vụ việc.

Tiếp đến, Đội QLTT số 3 cùng các lực lượng chức năng khac của tỉnh Lạng Sơn đã phát hiện và bắt giữ 350kg nguyên liệu thuốc Bắc được tập kết tại khu vực biên giới. Qua kiểm tra thực tế, số nguyên liệu thuốc bắc này gồm mộc qua, bách hoa xà, cỏ kim ngân và đại hoàng. Cùng thời điểm này, Đồn Biên phòng cửa khẩu Chi Ma cũng thu giữ 130 kg nguyên liệu thuốc bắc do các đối tượng bỏ lại khi phát hiện thấy có sự kiểm soát của lực lượng chức năng.

Tiêu chuẩn chất lượng đối với dược liệu, thuốc cổ truyền

Ngày 15/5/2018, Bộ Y tế ban hành Thông tư 13/2018/TT-BYT quy định về chất lượng dược liệu, thuốc cổ truyền. Theo đó, việc áp dụng tiêu chuẩn chất lượng đối với dược liệu, thuốc cổ truyền được quy định như sau:

- Dược liệu, thuốc cổ truyền phải áp dụng chất lượng của dược liệu, thuốc cổ truyền theo dược điển hoặc theo tiêu chuẩn cơ sở của cơ sở sản xuất, chế biến.

- Đối với cơ sở kinh doanh dược liệu, thuốc cổ truyền phải thẩm định tiêu chuẩn chất lượng do cơ sở sản xuất công bố áp dụng tại phòng kiểm nghiệm đạt thực hành tốt phòng thí nghiệm thuốc, nguyên liệu làm thuốc (GLP).

- Bộ Y tế tổ chức thẩm định hồ sơ và phê duyệt tiêu chuẩn chất lượng dược liệu, thuốc cổ truyền theo quy định về đăng ký dược liệu, thuốc cổ truyền chưa có giấy đăng ký lưu hành.

- Dược liệu, thuốc cổ truyền sử dụng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải có phiếu kiểm nghiệm chất lượng do Phòng kiểm nghiệm đạt Thực hành tốt phòng thí nghiệm thuốc, nguyên liệu làm thuốc ban hành, trừ trường hợp thuốc cổ truyền quy định tại Khoản 2 Điều này.

- Đối với thuốc cổ truyền do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sản xuất theo quy định tại Điều 70 Luật dược: Định kỳ 03 tháng một lần, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải gửi lô thuốc cổ truyền mới nhất đến cơ sở kiểm nghiệm thuốc, nguyên liệu làm thuốc của Nhà nước hoặc cơ sở kinh doanh dịch vụ kiểm nghiệm thuốc, nguyên liệu làm thuốc đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc để kiểm nghiệm, kiểm tra chất lượng.

- Dược liệu, thuốc cổ truyền phải được kiểm tra, kiểm nhập thông qua Hội đồng kiểm nhập của bệnh viện quy định tại Thông tư số 22/2011/TT-BYT ngày 10 tháng 6 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định tổ chức và hoạt động của Khoa Dược bệnh viện hoặc bộ phận kiểm nhập của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác. Bộ phận kiểm nhập do người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quyết định thành lập tối thiểu gồm: người phụ trách bộ phận dược, kế toán, thủ kho, cung ứng. Dược liệu, thuốc cổ truyền chỉ được sử dụng trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi đạt yêu cầu về chất lượng.

- Trường hợp phát hiện có yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng dược liệu, thuốc cổ truyền, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải gửi mẫu đến cơ sở kiểm nghiệm thuốc, nguyên liệu làm thuốc của Nhà nước hoặc cơ sở kinh doanh dịch vụ kiểm nghiệm thuốc, nguyên liệu làm thuốc đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc để kiểm nghiệm, kiểm tra chất lượng.

- Cơ sở kinh doanh dược liệu, thuốc cổ truyền, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có sử dụng dược liệu, thuốc cổ truyền phải thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc để bảo đảm khả năng nhận diện, truy tìm sản phẩm tại các công đoạn xác định của quá trình nuôi trồng, thu hái dược liệu, kinh doanh, sử dụng dược liệu, thuốc cổ truyền.

- Việc truy xuất nguồn gốc phải bảo đảm xác định được thông tin về cơ sở cung cấp và cơ sở sản xuất dược liệu, thuốc cổ truyền trong suốt quá trình kinh doanh, sử dụng của cơ sở.

An Dương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang