Nhật Bản, Ấn Độ quyết không nhượng bộ Trung Quốc trên biển Đông

author 06:29 12/11/2014

(VietQ.vn) - Trong khi Nhật Bản không nhượng bộ Trung Quốc về vấn đề quần đảo Senkaku ở Hoa Đông thì Ấn Độ cũng sắp có tuyên bố cứng rắn chống bành trướng ở Biển Đông.

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

Theo những tin tức mới nhất trên báo chí, trước thềm Hội nghị Cấp cao APEC, chính phủ hai nước Nhật - Trung tuyên bố đạt được đồng thuận nguyên tắc 4 điểm, hai bên nhận thức được "tồn tại chủ trương khác nhau" trong vấn đề đảo Senkaku và các hòn đảo lân cận. Do chính phủ hai nước đạt được đồng thuận nhất định về vấn đề như đảo Senkaku, trong thời gian hội nghị, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tổ chức hội đàm đã được xác định. Đây sẽ là lần đầu tiên ông Abe tổ chức hội đàm cấp cao Nhật - Trung kể từ khi lên nắm quyền lần thứ hai.

Tình hình Biển Đông ngày 12/11: Nhật Bản không nhượng bộ Trung Quốc về vấn đề đảo Senkaku và lịch sử

Tình hình Biển Đông ngày 12/11: Nhật Bản không nhượng bộ Trung Quốc về vấn đề đảo Senkaku và lịch sử. Ảnh Báo Đất Việt

Giới phân tích cho rằng, chính phủ hai nước luôn tiến hành trao đổi về việc tổ chức hội đàm cấp cao trong thời gian Hội nghị APEC, nhưng Trung Quốc yêu cầu Nhật Bản thừa nhận đảo Senkaku “tồn tại vấn đề chủ quyền” và cam kết ông Shinzo Abe không tiếp tục thăm đền Yasukuni trong nhiệm kỳ. Trong khi đó, Nhật Bản chủ trương tổ chức hội đàm mà không có điều kiện tiền đề.

Bên cạnh đó, thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã viết vào nội dung “Cục trưởng Bảo đảm an ninh quốc gia Nhật Bản Shotaro Yachi và Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì tổ chức hội đàm, hai bên đạt được đồng thuận”. Về vấn đề đảo Senkaku, hai bên nhận thức được "tồn tại chủ trương khác nhau về tình hình căng thẳng xuất hiện ở vùng biển Hoa Đông những năm gần đây, trong đó có đảo Senkaku". Chính phủ Nhật Bản trước đó kiên trì lập trường “không tồn tại vấn đề chủ quyền”, nay đã “nhượng bộ” (theo tuyên truyền của Bắc Kinh) với Trung Quốc.

Trong khi đó, tờ "Nihon Keizai Shimbun" cho rằng, Nhật Bản và Trung Quốc tiến hành đối thoại cấp cao chính thức, hướng tới cải thiện quan hệ. Quan hệ lạnh nhạt giữa hai nước cũng đã ảnh hưởng đến lĩnh vực kinh tế. Do được cho là có thể xảy ra xung đột ngẫu nhiên trên biển và trên không, hai bên nhất trí cho rằng nếu bỏ mặc sẽ không có lợi cho hai bên. Nhưng, ngòi lửa xung quanh vấn đề đảo Senkaku và Thủ tướng thăm đền Yasukuni hoàn toàn chưa chấm dứt. Quan hệ song phương Nhật-Trung phải chăng bước vào quỹ đạo phát triển ổn định vẫn còn chưa rõ.

Trung Quốc thường xuyên đi ngược lại quan điểm chung của khu vực và thế giới về tình hình biển Đông và Hoa Đông

Trung Quốc thường xuyên đi ngược lại quan điểm chung của khu vực và thế giới về tình hình biển Đông và Hoa Đông. Ảnh minh họa

Đồng thời, trên đài truyền hình Fuji, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhấn mạnh ý nghĩa của hội đàm cấp cao Nhật - Trung, cho biết: "Điều này sẽ trở thành bước đi đầu tiên (cải thiện quan hệ), sẽ truyền đi thông điệp rất tốt với thế giới". Từ đó, giới quan sát nhận định, khi phối hợp hội đàm cấp cao, trở ngại lớn nhất là xoay quanh vấn đề lãnh thổ và nhận thức lịch sử. Đồng thuận nguyên tắc 4 điểm đưa ra ngày 7/11 là kết quả mà hai bên không dễ dàng đưa ra thỏa hiệp. Thủ tướng Nhật Bản nhiều lần nhấn mạnh, cánh cửa lớn đối thoại luôn rộng mở, qua đó để thúc đẩy Trung Quốc tiến hành nhượng bộ, nhưng cuối cùng ông Shinzo Abe cũng đã “nhượng bộ”.

Truyền thông Nhật Bản đánh giá, Trung Quốc công bố trước một cách hiếm thấy về đồng thuận nguyên tắc 4 điểm cho tiền đề của hội đàm cấp cao, được cho là muốn nhấn mạnh "thành quả" đã buộc được Nhật Bản tiến hành “nhượng bộ” trong vấn đề đảo Senkaku và Thủ tướng Shinzo Abe thăm đền Yasukuni. Theo đó, từ khi ông Tập Cận Bình lên cầm quyền đến nay, ông đã triển khai thế “tấn công mạnh” đối với Nhật Bản trong vấn đề đảo Senkaku và lịch sử, kiên trì cho rằng chỉ cần không có tiến triển trong hai vấn đề này, sẽ không tiến hành hội đàm với Thủ tướng Shinzo Abe.

Tuy nhiên, trong khi truyền thông Trung Quốc tung hô rằng Nhật Bản đã nhượng bộ bởi trước đó Tokyo kiên trì lập trường không tồn tại vấn đề chủ quyền thì phía Nhật Bản phủ nhận điều này.Phát biểu trên truyền hình, ông Shigeru Ishiba – quan chức cấp cao Nhật Bản bàn về vấn đề hai nước Nhật - Trung gần đây đề cập đến “tồn tại chủ trương khác nhau” về tình hình đảo Senkaku trong đồng thuận cải thiện quan hệ và cho rằng, "Điều này hoàn toàn không có nghĩa là thừa nhận (đảo Senkaku) tồn tại tranh chấp. Tư thế của Nhật Bản hoàn toàn không thay đổi". Ông đồng thời cũng tán thành quan điểm "(Nhật-Trung) lúc nào xảy ra xung đột ở đảo Senkaku đều không ngạc nhiên. Để ngăn chặn xung đột, đối thoại rất quan trọng".

Tình hình biển Đông ngày 12/11: Ấn Độ tìm cách chống sự bành trướng của Trung Quốc ở biển Đông

Tình hình biển Đông ngày 12/11: Ấn Độ tìm cách chống sự bành trướng của Trung Quốc ở biển Đông. Ảnh minh họa

Trong khi Nhật Bản tỏ ra không nhượng bộ với Trung Quốc trong vấn đề quần đảo Senkaku thì Ấn Độ cũng chuẩn bị đưa ra tuyên bố mạnh mẽ chống sự bành trướng của Trung Quốc tại Biển Đông. The Hindu ngày 11/11 đưa tin, mối quan ngại của Ấn Độ trước việc Trung Quốc bành trướng và tìm cách thống trị Biển Đông sẽ được Thủ tướng Narenda Modi đưa ra thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh Đông Á ở Naypyidaw, Myanmar trong tuần này.

Đồng thời, ông Modi cũng có khả năng đưa ra một tuyên bố mạnh mẽ về quyền tự do hàng hải trong các cuộc thảo luận với Thủ tướng Úc Tony Abbott. Giáo sư Srikanth Kondapalli từ đại học Jawaharlal Nehru bình luận: "Đây là những khu vực Ấn Độ có lợi ích hợp pháp với 55% tổng giá trị thương mại đi qua Biển Đông. Trung Quốc đã tìm cách đẩy chúng tôi ra khỏi Biển Đông ngay khi Bắc Kinh tìm cách xâm nhập Ấn Độ Dương. Vì vậy đó sẽ là một tình huống một mất một còn đối với chúng tôi".

Minh Thùy (tổng hợp từ Báo Đất Việt, Giáo Dục)

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang