Nhật Bản cải cách kinh tế từ nâng cao năng suất

author 15:59 28/06/2014

(VietQ.vn) - Mũi tên thứ 3 của Nhật Bản là tái cấu trúc lại nền kinh tế, nâng cao năng suất lao động và cải thiện thị trường lao động.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vừa công bố những cải cách kinh tế tiếp theo nhằm thúc đẩy nền kinh tế sau khi những nỗ lực thúc đẩy trước đó đã mang lại một số thành công.

Mũi tên thứ 3 được bắn ra

Các cải cách đưa ra lần này được xem là mũi tên thứ 3 trong chính sách thúc đẩy kinh tế (Abenomics) được ông Shinzo Abe ấp ủ. Mũi tên đầu tiên trong chính sách này là nỗ lực rộng lớn nhằm kéo giá của đồng Yen xuống.

Về lý thuyết, việc hạ giá đồng Yen giúp hàng hóa xuất khẩu của Nhật Bản rẻ đi trên thị trường toàn cầu, từ đó thúc đẩy sức mua trên thị trường thế giới với hàng hóa Nhật Bản và qua đó kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong nước. Mũi tên này, thời gian qua, đã phần nào mang lại hiệu quả.

Thủ tướng Abe quyết tâm cải cách kinh tế

Thủ tướng Abe quyết tâm cải cách kinh tế, bằng nhiều biện pháp, trong đó có nâng cao năng suất lao động

Mũi tên thứ 2 tập trung vào tăng mạnh chi tiêu chính phủ. Mũi tên này phần nào phản ánh thuyết kinh tế Keynes với kỳ vọng chi tiêu mạnh tay của chính phủ có thể giúp thúc đẩy tăng trưởng. Dù chính sách này đã và đang gây ra những tranh cãi trên toàn cầu, nhưng dường nó cũng đang thực sự tạo ra những tác động tích cực cho nền kinh tế này.

Nhưng mũi tên thứ 3 mới là điều mà giới phân tích và các nhà kinh tế chờ đợi nhất, đó là tái cấu trúc lại nền kinh tế, nâng cao năng suất lao động và cải thiện thị trường lao động. Mũi tên thứ 3 là một bản kế hoạch gồm 230 điểm với kỳ vọng sẽ thực sự giúp “tái sinh” nền kinh tế Nhật Bản vốn nhiều năm chìm sâu trong đình trệ. Nhiều ý kiến còn cho rằng, đây sẽ là mũi tên chính sách giúp phục hưng nền kinh tế này.

Tuy nhiên, thay vì tiến hành một cuộc cải cách sâu rộng và toàn diện, bản kế hoạch này lựa chọn cách tiếp cận dè dặt hơn, trong đó đưa ra một danh sách giới hạn các thay đổi về quy định và luật pháp. Theo giới phân tích, cách tiếp cận này nhằm tránh những kháng cự quyết liệt từ các nhóm lợi ích trên chính trường Nhật Bản hiện nay.

Kế hoạch cải cách này cũng yêu cầu các DN phải tuân thủ một số quy định quản trị DN, cũng như hành động nhiều hơn vì lợi ích của các cổ đông. Nhiều nhà kinh tế chỉ trích rằng, văn hóa kinh doanh đóng cửa của Nhật Bản đã tạo ra các DN không thực sự vì lợi ích của các nhà đầu tư.

Điều này có nghĩa rằng, các DN Nhật thường quan tâm nhiều hơn tới chính sách bảo hộ và phong cách điều hành truyền thống hơn là theo đuổi lợi nhuận. Điều này cần được thay đổi và kế hoạch mới sẽ là cơ sở cho những thay đổi này.

Liệu có là động lực cho tăng trưởng?

Mũi tên thứ 3 tập trung vào cắt giảm thuế DN và bãi bỏ các quy định. Do đó, một trong những cải cách nhận được quan tâm nhiều nhất là đề xuất cắt giảm thuế DN, xuống dưới mức 30% từ mức 35% hiện nay. Thủ tướng Abe tin rằng, DN Nhật Bản đang từng bước lấy lại sức cạnh tranh của mình. “Sự gia tăng doanh thu của các DN đang tạo ra thêm việc làm và thu nhập cho người lao động. Những chuyển động tích cực của nền kinh tế đã bắt đầu hiện hữu” - ông Abe nói.

Nhật Bản nổi tiếng với một hệ thống các quy định phức tạp mà rất nhiều người cho rằng đã kiềm chế sự đổi mới và đầu tư trong các lĩnh vực. Vì vậy, kế hoạch mới này được kỳ vọng sẽ mở đường để giảm bớt “tính phức tạp” của hệ thống các quy định hiện nay. Bên cạnh đó, kế hoạch cũng cho thấy Nhật Bản sẽ xem xét để tăng sự tham gia của phụ nữ trong lực lượng lao động.

Việc sửa đổi thuế và mở cửa các trung tâm chăm sóc trẻ em được nhìn nhận sẽ hỗ trợ cho sự tham gia của lao động nữ. Là một quốc gia đang trải qua quá trình già hóa và giảm sút dân số, việc phụ nữ tham gia tích cực hơn vào lực lượng lao động kỳ vọng sẽ góp phần giúp cho nền kinh tế tăng trưởng.

Chính phủ Nhật Bản cũng sẽ xem xét để triển khai các đặc khu kinh tế, có thể bắt đầu ngay từ mùa Thu năm nay. Tuy nhiên, các đặc khu kinh tế sẽ hoạt động như thế nào, nhắm vào những ngành và lĩnh vực gì thì đến nay vẫn chưa rõ.

Chiến lược cải cách trong dài hạn của Nhật Bản còn bao gồm cả kế hoạch gia tăng tuyển dụng các lao động nước ngoài có trình độ cao, đồng thời nới rộng các chương trình đào tạo lao động nước ngoài vốn gây nhiều tranh cãi. Tuy nhiên Thủ tướng Abe cũng nhấn mạnh, chính sách cho người nước ngoài nhập cư dài hạn hiện cần được suy xét một cách kỹ lưỡng.

“Trong vấn đề chấp nhận thêm người nhập cư, chúng ta đã thấy được những bài học kinh nghiệm khó khăn từ các quốc gia khác. Bởi thế mà chúng ta cần thận trọng trong vấn đề này”.

Còn quá sớm để khẳng định liệu các chính sách kinh tế mà Chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe có mang lại kết quả thực sự hay không. Nhưng rõ ràng nếu so với thời điểm kinh tế Nhật Bản tăng trưởng âm tới 4% (năm 2008) thì diễn biến kinh tế hiện nay đã tích cực hơn nhiều. Các dữ liệu kinh tế cho thấy các chính sách kích thích của ông Abe đã mang lại hơi thở mới cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, các nới lỏng tiền tệ và tăng chi tiêu tài khóa dường như chưa đủ để kinh tế Nhật Bản thực sự chuyển sang chu kỳ tăng trưởng. Và điều người ta kỳ vọng chính là ở mũi tên thứ 3 này, coi đây là nhân tố giúp cho Nhật Bản cuối cùng cũng bắt đầu thoát khỏi những thập kỷ trì trệ để bước vào quỹ đạo tăng trưởng dương.

Nhưng chặng đường phía trước để kinh tế Nhật Bản trở lại quỹ đạo tăng trưởng dương bền vững dường như còn rất dài. “Ngay cả sau khi chiến lược này đã được công bố thì vẫn cần nhiều quy định pháp luật liên quan phải được ban hành và chắc chắn sẽ cần thời gian cho các DN bắt đầu đáp ứng theo. Do đó, có lẽ sẽ phải cần 10 đến 20 năm nữa trước khi Nhật Bản đạt được tốc độ tăng trưởng tiềm năng” – Phó chủ tịch Kenji Yumoto của Viện Nghiên cứu Nhật Bản nhìn nhận.

Đỗ Lê

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang