Nhật Bản đã đi vào năng suất chất lượng như thế nào?

author 11:47 25/06/2015

(VietQ.vn) - Hiện nay phong trào năng suất Nhật Bản nhận được sự ủng hộ và hợp tác chặt chẽ của trên 10.000 thành viên bao gồm các tập đoàn kinh tế, công ty tư nhân, liên đoàn lao động, và các tổ chức kinh tế - xã hội khác.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Giai đoạn 1945-1954, Nhật Bản bước vào giai đoạn phục hồi nền kinh tế sau cuộc chiến tranh thế giới lần thứ 2 với tình trạng là một nước nghèo, hệ thống, trang thiết bị công nghiệp, công nghệ cũ kỹ và lỗi thời.

Tháng 12/1953, Chính phủ Mỹ đã gợi ý mở rộng các chương trình viện trợ kỹ thuật cho Nhật Bản theo cách tương tự như chương trình Marshall. Tiếp nhận lời đề nghị này, Chính phủ Nhật Bản mà đại diện là Bộ Công nghiệp và Thương mại quốc tế (MITI) cho rằng, cách thức tốt nhất là phải thành lập được một tổ chức năng suất tương tự như Hội đồng Năng suất Anh quốc: một tổ chức ba bên, phi chính phủ, phi lợi nhuận và có sự tham gia của người lao động. Đầu năm 1955, Chính phủ Nhật Bản và Mỹ đã trao đổi các văn bản chính thức về các chương trình hợp tác kỹ thuật và dẫn đến sự ra đời của Trung tâm Năng suất Nhật Bản (JPC) vào tháng 3/1955.

Nhiều tập đoàn kinh tế ủng hộ việc thực hiện phong trào năng suất chất lượng ở Nhật Bản

Nhiều tập đoàn kinh tế ủng hộ việc thực hiện phong trào năng suất chất lượng ở Nhật Bản

Việc làm đầu tiên của JPC là cử các đoàn nghiên cứu đi khảo sát học tập kinh nghiệm tại các quốc gia phát triển là Mỹ và Tây Âu. Với sự hỗ trợ về tài chính của Mỹ, tổng số đoàn đại biểu Nhật Bản do JPC cử đi nghiên cứu về năng suất đã lên tới 395 đoàn với 4.011 thành viên, trong đó bao gồm các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, các thủ lĩnh nghiệp đoàn, các nhà khoa học và các nhà chuyên môn. Việc chứng kiến tận mắt những thành tựu thực sự của nước Mỹ đã đem lại cho các chuyên gia Nhật Bản những bài học bất ngờ và bổ ích, tạo thêm động lực thúc đẩy phát triển phong trào năng suất và chất lượng tại Nhật Bản trong những năm tiếp theo.

Ngoài ra, JPC đã mời các chuyên gia hàng đầu của Mỹ sang Nhật Bản tiến hành các cuộc hội thảo, và giảng bài trên toàn quốc, nhờ đó đã có nhiều chuyên gia Nhật Bản thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau đã được đào tạo, phát triển kỹ năng và hình thành hàng loạt hiệp hội chuyên ngành, như Hội Tiếp thị Nhật Bản, Hội Kỹ thuật Công nghiệp Nhật Bản, Hội Chuyển giao Nguyên vật liệu Nhật Bản, Hội Công nghệ bao gói Nhật Bản, Hội các Hệ thống hậu cần Nhật Bản và cả Hội Người tiêu dùng Nhật Bản.

Phong trào năng suất đã phát triển nhanh chóng trên toàn lãnh thổ Nhật Bản với việc thành lập thêm 7 trung tâm năng suất địa phương bao gồm: Trung tâm Năng suất Hokkaido; Trung tâm Năng suất Kansai; Trung tâm Năng suất Shikoku; Trung tâm Năng suất Chugoku; Trung tâm Năng suất Kyushu; Trung tâm Năng suất Chubu và Trung tâm Năng suất Tohoku.

Được biết, trước Việt Nam hàng chục năm, nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là những nước có nền sản xuất phát triển và có vai trò chủ lực đều đã thông qua “con đường” tăng năng suất, chất lượng sản phẩm để nâng cao giá trị và sức cạnh tranh cho doanh nghiệp, hàng hóa của mình. Trong số đó phải kể đến Nhật Bản, quốc gia hiện đứng đầu thế giới về những quy định, quy trình khắt khe đối với chất lượng hàng hóa tiêu dùng.

PV

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang