Nhiễm liên cầu khuẩn lợn sau khi ăn tiết canh, chuyên gia cảnh báo gì?

author 13:49 21/12/2018

(VietQ.vn) - Ăn lợn bệnh, thịt lợn sống, tiết canh, nội tạng lợn chưa nấu chín… có nguy cơ nhiễm liên cầu khuẩn lợn dẫn tới tử vong.

Mới đây, Bệnh viện Đa khoa Bãi Cháy (Quảng Ninh) tiếp nhận bệnh nhân nam (62 tuổi) nhập viện trong tình trạng suy đa tạng, sốc nhiễm khuẩn, nhiễm trùng huyết rất nguy kịch do nhiễm liên cầu khuẩn lợn sau khi ăn tiết canh.

Bệnh nhân nhập viện sau khi ăn tiết canh lợn. Ảnh: BVCC 

Được biết, bệnh nhân có ăn tiết canh lợn rồi bị sốt cao, đau bắp đùi và đi ngoài phân lỏng nhiều lần. Người nhà đưa bệnh nhân vào viện trong tình trạng tụt huyết áp, nhiễm trùng huyết nặng, cẳng chân phải sưng đau.

Sau khi tiếp nhận và xét nghiệm lâm sàng, cận lâm sàng, các bác sĩ khoa Hồi sức BV Đa khoa Bãi Cháy chẩn đoán bệnh nhân bị nhiễm khuẩn huyết, suy đa tạng do bệnh liên cầu lợn.

Bệnh nhân được tiến hành lọc máu, dùng thuốc nhưng tình trạng vẫn nguy kịch với hàng loạt triệu chứng sốc thuốc nhiễm khuẩn, viêm cơ tim, suy hô hấp, suy đa tạng, cẳng chân sưng phồng, tím tái, diễn biến hoại tử.

Theo bác sĩ Nguyễn Sỹ Mạnh, khoa Hồi sức tích cực và chống độc BV Đa khoa Bãi cháy, nếu bệnh nhân không được lọc máu kịp thời sẽ dẫn tới tử vong trong khoảng 2, 3 ngày.

Chia sẻ với PV Chất lượng Việt Nam Online (Vietq.vn), GS Hoàng Công Đắc, Chuyên gia tiêu hóa, Bệnh viện Thanh Nhàn (nguyên GĐ Bệnh viện E) cho hay, liên cầu khuẩn lợn là loại vi khuẩn thường trú ở hầu họng con lợn và có thể lây cho người nếu tiếp xúc trực tiếp. Người bị bệnh thường có dấu hiệu sốt cao, đau đầu, ớn lạnh và đi ngoài. Do đó, bệnh nhân thường nhầm lẫn với các bệnh khác và nhập viện trong tình trạng nặng, nguy kịch như: suy hô hấp, suy đa tạng, sốc nhiễm khuẩn.

Từ vấn đề trên, GS Hoàng Công Đắc khuyến cáo, mọi người không nên ăn đồ sống, đặc biệt là tiết canh lợn. Bởi trong quá trình chế biến, nguyên liệu, dụng cụ làm tiết canh lợn… rất có thể không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Thời điểm giáp Tết Dương lịch, Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 và lễ hội Xuân, số lượng lợn được giết mổ tăng lên, kéo theo nhu cầu sử dụng tiết canh lợn tăng. Đây là lúc người tiêu dùng dễ mắc phải liên cầu khuẩn lợn.

Do đó, GS Đắc khuyến cáo người dân không giết mổ lợn ốm chết, không xử lý thịt lợn sống với tay trần, nhất là tay có vết thương. Sau khi chế biến cần phải rửa sạch tay. Ngoài ra, người dân không ăn lợn bệnh, thịt lợn sống, tiết canh, nội tạng lợn chưa nấu chín và đặc biệt không ăn thịt lợn ốm, chết. Trong bất cứ trường hợp tiếp xúc với lợn ốm, chăm sóc, nuôi hoặc giết mổ, tiêu hủy nên có các phương tiện phòng hộ.

Khi có dấu hiệu bệnh như sốt cao, xuất hiện các mảng xuất huyết hoại tử dưới da, tiêu chảy, cứng cổ... có thể khó thở cần tới bệnh viện ngay, tránh nguy cơ tử vong.

Giáp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019: Tăng cường kiểm tra cơ sở sản xuất ATTP(VietQ.vn) - Ban chỉ đạo công tác ATTP thành phố Hà Nội yêu cầu các ban, ngành tập trung thanh tra, kiểm tra vệ sinh ATTP phục vụ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019.

Triệu Vy

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang