Nhiều chị em đang bán dâm được vay vốn mưu sinh

author 06:37 28/10/2015

(VietQ.vn) - Các chị em đã và còn hoạt động bán dâm được hỗ trợ để mở cửa hàng kinh doanh nhỏ với các mô hình như: Cửa hàng làm đẹp Tóc - móng; Quán ăn uống - giải khát,…

Ngày 26/10, tại Hà Nội, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội phối hợp với Tổ chức Plan tổ chức Hội nghị tổng kết dự án “Hỗ trợ nghiên cứu xây dựng chính sách và thí điểm mô hình hòa nhập cộng đồng cho nữ thanh niên lao động tình dục” tại Hà Nội, giai đoạn 2013- 2015.

Tham dự Hội nghị có lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, một số tổ chức quốc tế, đại diện lãnh đạo Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội 5 tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Cần Thơ, Hải Phòng, Quảng Ninh, đại diện nhóm đồng đẳng, nhóm hưởng lợi Dự án tại Hà Nội.

gái bán dâm

 Nhiều gái bán dâm tái hòa nhập cộng đồng, kiếm được việc làm ổn định, lành mạnh. 

Dự án “Hỗ trợ nghiên cứu xây dựng chính sách và thí điểm mô hình hòa nhập cộng đồng cho nữ thanh niên lao động tình dục tại Hà Nội” được thực hiện từ tháng 5/2013 đến tháng 10/2015 do tổ chức Plan tại Việt Nam (vùng Hà Nội) tài trợ, đối tượng hưởng lợi trực tiếp là nữ thanh niên bán dâm dưới 25 tuổi, (trường hợp trên 25 tuổi đến dưới 35 tuổi có con nhỏ). Dự án tập trung vào việc xây dựng nghiên cứu các chính sách, pháp luật, hỗ trợ người bán dâm tại Hà Nội tái hòa nhập cộng đồng.

Chi cục PCTNXH Hà Nội cho biết, dự án đi vào hoạt động đã triển khai các hoạt động truyền thông cho gần 200 người là chủ và quản lý các cơ sở kinh doanh dịch vụ có nguy cơ phát sinh tệ nạn mại dâm. Nội dung truyền thông tập trung nâng cao nhận thức về các chính sách liên quan mại dâm, quyền cơ bản của con người; giảm thiểu phân biệt đối xử, bạo lực trên cơ sở giới, và quyền được hưởng tình dục an toàn và kêu gọi sự hỗ trợ, chuyển gửi các chị em tiếp cận tới các dịch vụ của dự án.

Về tổng thể, từ khi dự án được triển khai đến hết tháng 10/2015, đã có 1.184 nữ bán dâm tại cộng đồng được tiếp cận, hưởng lợi các dịch vụ, can thiệp của Dự án: Tổ chức các hoạt động tư vấn phòng chống HIV/AIDS, khám sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục như siêu âm, khám phụ khoa, làm các xét nghiệm khẳng định, loại trừ các bệnh lây truyền qua đường tình dục, HIV/AIDS, viêm gan B,... cho 409 chị em; Tổ chức 08 khóa học nghề cho 82 chị em. Thời gian học từ 2,5 – 3,5 tháng, với các nghề: trang điểm, cắt uốn tóc, làm móng, thiết kết đồ họa, nghiệp vụ khách sạn, bán hàng. Trong đó 72 chị em đã tốt nghiệp, 42 chị em làm đúng nghề được đào tạo với thu nhập trung bình từ 3 đến 5 triệu/tháng.

Bên cạnh hoạt động dạy nghề cho chị em, Dự án còn hỗ trợ cho các chị em đã và còn hoạt động bán dâm mở cửa hàng kinh doanh nhỏ với các mô hình như: Cửa hàng làm đẹp Tóc - móng; Quán ăn uống - giải khát (ốc luộc, cháo trai, nước mía siêu sạch…); Cửa hàng may thời trang; Cửa hàng bán quần áo thời trang; Cửa hàng chăn, ga, gối... Mỗi mô hình kinh doanh cá thể sẽ được hỗ trợ mức tối đa là 15 triệu đồng; mô hình kinh doanh nhóm sẽ được hỗ trợ với mức tối đa là 25 triệu đồng, trong đó có một phần là hỗ trợ không hoàn lại, chủ yếu để chị em mua sắm trang thiết bị cần thiết và một phần cho vay không lãi suất để tạo điều kiện cho chị em có thêm vốn mua nguyên vật liệu và đầu tư cho việc kinh doanh.

Tính đến nay, dự án đã hỗ trợ được 40 mô hình của 43 chị em với tổng tiền hỗ trợ là 527.584.000đ trong đó, hỗ trợ không hoàn lại là 264.424.000đ, cho vay không lãi suất là 263.160.000đ. Theo báo cáo giám sát từ nhóm cán bộ dự án, đa số các mô hình được hỗ trợ đều đang kinh doanh ổn định, có lợi nhuận từ 4 đến 6 triệu đồng/tháng. 

Tuy nhiên, khi thực hiện dự án cũng gặp phải một số khó khăn như: Hoạt động hỗ trợ trực tiếp ở cộng đồng chưa thực sự được lồng ghép, gắn kết chặt chẽ với các chính sách hỗ trợ, các chương trình an sinh xã hội hiện có ở địa phương, vì vậy, hạn chế trong việc tăng cường các nguồn lực, hiệu quả, mở rộng phạm vi ảnh hưởng của Dự án ở cộng đồng. Hoạt động dạy nghề chưa đáp ứng đa dạng nhu cầu, khả năng của đối tượng đích để họ có thể tìm được việc làm phù hợp sau học nghề. Chi phí còn khá cao trong việc hỗ trợ các mô hình học nghề, lập nghiệp. Tâm lý của nhiều chị em bán dâm không ổn định, thường xuyên di chuyển địa điểm nên khó khăn cho công tác quản lý, hỗ trợ để đảm bảo tính bền vững. Thời gian triển khai các hoạt động Dự án ngắn, chưa đủ để xác định tính bền vững của mô hình nhằm cung cấp các dịch vụ toàn diện cho người bán dâm thay đổi cuộc sống.

Hoàng Nguyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang