Nhiều địa phương "xén" lương công chức sai mục đích

author 10:56 18/07/2012

(VietQ.vn) - Theo "Báo cáo kết quả kiểm toán năm 2011" của Kiểm toán Nhà nước công bố sáng nay (18/7), nhiều địa phương còn dùng nguồn cải cách tiền lương để chi sai mục đích.

“Xà xẻo” lương công chức

Lương công chức đã thấp nhưng nhiều nơi còn bị "xà xẻo". Ảnh: internet
Lương công chức đã thấp nhưng nhiều nơi còn bị "xà xẻo". Ảnh: internet

Kết quả kiểm tra ở 20 bộ và 34 tỉnh, thành cho thấy, nhiều đơn vị trực thuộc bộ, ngành và 29/34 địa phương, chưa trích đủ nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo quy định.

18/34 địa phương còn sử dụng nguồn cải cách tiền lương để chi thường xuyên, chi đầu tư xây dựng, trả nợ vốn vay, chi hỗ trợ…nhưng chưa được cấp thẩm quyền cho phép như Hải Phòng (66 tỷ đồng), tỉnh Bắc Ninh (64 tỷ đồng), Đồng Tháp (52 tỷ đồng), Thanh Hóa (20 tỷ đồng), Bà Rịa – Vũng Tàu (18 tỷ đồng), Bắc Giang (8 tỷ đồng)…

Trong khi lương công chức nhiều nơi còn thấp nhưng tổng số tiền đáng ra phải chi để nâng lương cho họ (nhưng bị chi sai mục đích) lên đến 263 tỷ đồng.

Quá nhiều dự án vượt khả năng chi

Cũng theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, hầu hết các địa phương và một số bộ, ngành được kiểm toán việc bố trí vốn đầu tư còn dàn trải, thiếu tập trung, một số đơn vị chưa ưu tiên vốn cho các dự án có khả năng hoàn thành trong năm 2010. Các tỉnh có sai phạm này là Ninh Thuận, Lào Cai, Lạng Sơn.

Nhiều địa phương phê duyệt quá nhiều dự án, vượt khả năng bố trí vốn. Đó là TP Hải Phòng (vốn chỉ đáp ứng 12,8% nhu cầu), tỉnh Gia Lai phê duyệt 575 dự án mới với tổng đầu tư hơn 5200 tỷ đồng, gấp gần 10 lần kế hoạch vốn cân đối ngân sách địa phương…

Nhiều địa phương bố trí vốn ứng trước không đúng đối tượng, bố trí sai nguồn (như tỉnh Lào Cai thanh toán cho dự án Trung tâm hội nghị tỉnh tại Sapa; tỉnh Sơn La sử dụng vốn đối ứng xây dựng các trung tâm cụm xã cho các dự án đầu tư xây dựng cơ bản 13,7 tỷ đồng). Tỉnh Sơn La đã điều chỉnh vốn chi đầu tư của chương trình 30a sang chi sự nghiệp gần 100 tỷ đồng, cho vay để thanh toán các dự án thuộc nguồn vốn khác hơn 10 tỷ đồng. Trong khi tỉnh Hòa Bình giải ngân vốn ứng năm 2011 là 51 tỷ đồng, chỉ đạt 60% kế hoạch…

Mua thiết bị y tế đắt tiền nhưng ít sử dụng

Báo cáo cũng vạch ra việc sử dụng kinh phí sửa chữa, duy tu, bảo dưỡng đường bộ, đường sắt trong 3 năm (2008 đến 2010) có một số chỗ chi sai mục đích, sai đối tượng, giao kế hoạch thiếu cơ sở, công tác chuẩn bị đầu tư thiếu hợp lý dẫn đến khi thi công phải điều chỉnh.

Bộ Giao thông Vận tải chưa làm tốt công tác tổng hợp kinh phí. Năm 2010, Tổng cục đường bộ Việt Nam lập dự toán kinh phí cho lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông đường bộ chiếm 300 tỷ đồng nhưng không có phương án đền bù, giải tỏa và không có nội dung công việc.

Việc sử dụng vốn ODA của Bộ Y tế còn hạn chế như tỷ lệ giải ngân còn thấp, sử dụng tài sản sai đối tượng, lãng phí. Nhiều tài sản đắt tiền, mua lâu ngày nhưng ít sử dụng; một số gói thầu kéo dài thời gian thực hiện, dẫn đến trang thiết bị không còn phù hợp, một số trang thiết bị không còn phù hợp với điều kiện Việt Nam, xảy ra trục trặc hoặc vận hành thiếu chính xác.

Hoàng Lan

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang