Nhiều diễn biến phức tạp về vi phạm an toàn thực phẩm trong 8 tháng năm 2017

author 16:28 05/09/2017

(VietQ.vn) - Trong 8 tháng năm 2017, tình trạng vi phạm an toàn thực phẩm vẫn diễn biến phức tạp. Đặc biệt là kinh doanh thực phẩm không nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ,...

Từ đầu năm 2017 đến nay, tình trạng vi phạm an toàn thực phẩm vẫn diễn biến phức tạp, vẫn còn hiện tượng sử dụng hóa chất, chất cấm, chất phụ gia không được phép sử dụng trong bảo quản và chế biến thực phẩm. Hoạt động vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm từ động vật không giấy chứng nhận kiểm dịch, dấu kiểm soát giết mổ, trốn tránh kiểm dịch vẫn còn xảy ra.

Công an TP Cần Thơ kiểm tra, bắt quả tang cơ sở sản xuất cà phê không bảo đảm an toàn thực phẩm. Ảnh: Quân đội nhân dân 

Đặc biệt, tình trạng kinh doanh thực phẩm không nhãn mác, không dán tem, không rõ nguồn gốc xuất xứ, đặc biệt là đối với sản phẩm rượu vẫn đang tiếp diễn. Trước thực trạng trên, lực lượng chức năng đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phát hiện và xử lý nhiều vụ vi phạm.

Vào ngày 17/1, Đội Quản lý thị trường số 7 thuộc Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Hưng Yên phối hợp với Tổ công tác Đội 4 – Phòng Cánh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Công an tỉnh Hưng Yên và Đoàn kiểm tra liên ngành Ban chỉ đạo Vệ sinh an toàn thực phẩm huyện Văn Lâm kiểm tra xe mô tô mang biển kiếm soát 89H3 – 1706 do ông Hoàng Văn Nam (trú tại Nguyễn Xá, Nguyên Hoà, Mỹ Hào, Hưng Yên) điều khiển. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 350kg mỡ lợn không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Tại thời điểm kiểm tra, ông Nam khai nhận đã mua gom mỡ lợn trôi nổi trên thị trường để bán lại kiếm lời. Ông Nam không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc số mỡ trên. Cơ quan Thú ý sau khi kiểm tra đã xác nhận toàn bộ số mỡ trên đã bị nhiễm tạp chất và có biểu hiện ôi thiu, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. 

Vào 27/2, lực lượng chức năng phát hiện 100 bao tải dứa chứa đựng 6.000 kg mỡ động vật đã bị nhiễm tạp chất và có biểu hiện ôi thiu đang trên đường đi tiêu thụ. Chủ hàng là ông Đỗ Thái Hậu (trú tại xã Đình Dù, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc số mỡ động vật trên. Anh Hậu khai nhận toàn bộ số mỡ trên được mua gom trôi nổi trên thị trường. 

Hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thực phẩm gồm những gì?(VietQ.vn) - Trước khi được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thực phẩm, chủ cơ sở và người chế biến phải được tập huấn kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Trong tháng 3, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Kạn phối hợp với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về môi trường (PC49) kiểm tra xe ô tô mang biển kiểm soát 20C - 104.69 do lái xe Dương Đức Thạch (trú tại xã Thượng Đình, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) điều khiển. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 90.000 quả trứng gia cầm không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc. Lái xe khai nhận chở thuê số trứng trên cho chủ hàng từ Cao Bằng về Thái Nguyên tiêu thụ. 

Một xe container mang biển kiểm soát 51R-112.76 chở khoảng 4 tấn nầm gia súc không có giấy kiểm dịch động vật và hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc bị lực lượng chức năng phát hiện vào 18/4. Bước đầu, tài xế điều khiển xe khai nhận chở thuê cho một cơ sở ở Hà Nội đưa vào tỉnh Long An tiêu thụ. 

Ngày 27/4, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với lực lượng chức năng kiểm tra cơ sở đông lạnh Thắng Hiền do bà Nguyễn Thị Hiền (trú tại phương Sông Trí, thị xã Kỳ Anh) làm chủ trên địa bàn thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 500kg đùi gà, cánh gà đã quá hạn sử dụng trên 1 năm, 136 kg mực ống đã đổi màu, bốc mùi và không rõ nguồn gốc. Lực lượng chức năng đã lập biên bản tạm giữ toàn bộ số hàng trên để điều tra, xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật.

Ngày 11/5, Chi cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội phối hợp với lực lượng chức năng kiểm tra Công ty TNHH đồ câu cá Quang Uy Việt Nam trên địa bàn quận Long Biên, phát hiện khoảng 4 tấn thức ăn chăn nuôi thủy sản do Trung Quốc sản xuất, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc. 

Ngày 12/5, Đội QLTT số 12 huyện Vân Hồ phối hợp với Đội điều tra tội phạm về hình sự, kinh tế, ma tuý - Công an huyện Vân Hồ tiến hành khám xe ô tô mang biển kiểm soát 29C-199.55 của Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Hải Minh (địa chỉ Km 21, Quốc lộ 6, thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) do ông Hà Thành Minh làm Giám đốc đại diện. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên xe ô tô có 600 hộp bột đậu nành Trường Xuân, trên bao bì có hiện tượng tẩy xoá, sửa chữa thời hạn sử dụng.

Ngày 11/7, Tổ Công tác liên ngành gồm Đội QLTT số 4 thuộc Chi cục QLTT Hưng Yên, Đội điều tra tội phạm về hình sự, kinh tế, ma tuý - Công an huyện Mỹ Hào kiểm tra xe ô tô mang biển kiểm soát 34C-138.79 do ông Vũ Đình Thình (trú tại thôn Lỗ Xá, xã Nhân Hoà, Mỹ Hào, Hưng Yên) điều khiển. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 1.500kg mỡ lợn đã qua chế biến không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Ông Thình khai nhận chở số mỡ lợn trên từ Hưng Yên đi Hải Dương để bán cho người có nhu cầu. Cùng ngày, tổ công tác liên ngành gồm Đội Quản lý thị trường số 4 thuộc Chi cục Quản lý thị trường Hưng Yên; Đội 04 – Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường – Công an tỉnh Hưng Yên đã kiểm tra, phát hiện cơ sở giết mổ kinh doanh thịt lợn của ông Vũ Khúc Thạo (địa chỉ: Thông Yên Xá, xã Phan Đình Phùng, Mỹ Hào, Hưng Yên) chứa 596kg thịt lợn bị ôi thiu, biến đổi màu sắc, mùi vị. Lực lượng chức năng tiến hành tiêu hủy toàn bộ số hàng trên và xử lý theo quy định của pháp luật.

Ninh Lan

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang