Nhiều doanh nghiệp hưởng lợi sau khi Việt Nam tham gia CPTPP

authorĐăng Duy 19:24 28/11/2018

(VietQ.vn) - Tham gia CPTPP xét về tổng thể là có lợi cho Việt Nam với kỳ vọng mang lại động lực phát triển mới cho nhiều ngành kinh tế. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng sản lượng của một số ngành có sức cạnh tranh thấp sẽ có nguy cơ giảm

Theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, với CPTPP, Việt Nam sẽ đạt được lợi ích không nhỏ từ xuất khẩu với tổng mức tăng thêm về kim ngạch hơn 4%, tương đương khoảng bốn tỷ USD. Việc tăng xuất khẩu sẽ chủ yếu ở nội khối với tốc độ tăng xuất khẩu sang các nước trong CPTPP tăng thêm 14,3% (giả định lũy tiến đến năm 2035), tương đương 2,61 tỷ USD, trong khi xuất khẩu sang các quốc gia ngoài CPTPP sẽ tăng thêm 1,7% (tương đương 1,4 tỷ USD).

 Như vậy, CPTPP có tác động chuyển hướng thương mại khá lớn và việc tham gia hiệp định này có thể giúp Việt Nam đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, từ đó thúc đẩy tăng trưởng nhiều ngành sản xuất trong nước. Trong đó, dệt may và da giày được cho là những ngành sẽ hưởng lợi nhiều nhất về tăng thêm quy mô sản xuất cũng như giá trị xuất khẩu. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tăng thêm của dệt may được dự báo sẽ ở mức cao (từ 8,3% đến 10,8%), do đây là ngành có sức cạnh tranh về giá lớn hơn ở các thị trường mới trong CPTPP, trong khi vẫn giữ được các thị trường chủ lực là Mỹ và EU.

Nhiều doanh nghiệp hưởng lợi sau khi tham gia CPTPP

Tham gia CPTPP, nhiều doanh nghiệp hưởng lợi

Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Lê Tiến Trường cho biết: “Việc tham gia CPTPP sẽ là cơ hội lớn để ngành dệt may Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường các nước nội khối, nhất là những thị trường tiềm năng như Australia, Canada. Ðây là hai thị trường có sự phát triển cao, mức tiêu thụ khoảng 10 tỷ USD/năm trong khi thị phần xuất khẩu của dệt may Việt Nam vào các thị trường này còn nhỏ, chỉ khoảng 500 triệu USD. Chính vì vậy, dung lượng để mở rộng thị phần rất lớn, đóng góp chung vào mục tiêu tăng trưởng hơn 10% của ngành”.

Tương tự, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, mức tăng trưởng xuất khẩu của ngành da giày vào thị trường Nhật Bản đang ở mức khoảng 12%, Mexico 11%, Canada 16% và Australia là 18,4%,… Trong khi mức bảo hộ hiện nay của nhóm ngành này ở các nước trong khối còn khá cao, chênh lệch giữa mức thuế suất nhập khẩu ưu đãi thông thường MFN (Most favoured nation) và mức thuế quan ưu đãi trong CPTPP cũng khá lớn, đồng nghĩa với việc cắt giảm thuế quan càng tạo ra thuận lợi lớn trong cạnh tranh về giá cho ngành này.

Nhiều doanh nghiệp hưởng lợi sau khi tham gia CPTPP

Doanh nghiệp cần phải hiểu biết khi tham gia CPTPP

Bên cạnh đó doanh nghiệp cũng cần phải có hiểu biết để không bị “dính đòn”. Phát biểu tại Hội thảo CPTPP – Cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam được tổ chức sáng nay (28/11) tại Hà Nội. Đề cập đến thách thức khi tham gia CPTPP, TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh - nhấn mạnh “Câu chuyện ‘thẻ vàng’ của EU đối với thủy sản Việt Nam là bài học lớn mà các doanh nghiệp cần phải lưu tâm”.

Để có thể tận dụng được các cơ hội từ CPTPP, TS. Thành cho rằng, “các doanh nghiệp cần phải nắm được các quy định có liên quan tới doanh nghiệp mình, và tìm cách đáp ứng các yêu cầu đó. Các quy định về xuất khẩu hàng hóa ngày càng khắt khe, ngoài tiêu chuẩn về chất lượng, còn phải đáp ứng các quy định về xuất xứ hàng hóa.

Chẳng hạn như khi Việt Nam xuất khẩu thủy sản, không chỉ đảm bảo rằng đó là sản phẩm sạch mà còn phải đảm bảo cả về quy trình đánh bắt, tính hợp pháp của vùng biển đánh bắt và phải đáp ứng cả yêu cầu về môi trường. Nếu không am hiểu thì rất dễ bị ‘dính đòn’ ”, TS. Võ Trí Thành chỉ rõ.

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang