Nhiều DN ý thức chưa cao, có nên để họ tự công bố tiêu chuẩn thực phẩm?

author 07:18 14/08/2017

(VietQ.vn) - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho rằng không nên để doanh nghiệp tự công bố và xác nhận an toàn thực phẩm vì ý thức chấp hành pháp luật của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong nước chưa cao.

Theo Nghị định sửa đổi Nghị định 38 của Chính phủ (gọi tắt là Nghị định 38/2012), một sản phẩm nếu muốn được đưa ra thị trường buộc doanh nghiệp phải thực hiện các bước gồm:

- Gửi mẫu sản phẩm đi kiểm nghiệm.

- Sau khi đạt chất lượng thì tự công bố tiêu chuẩn chất lượng rồi nộp hồ sơ gửi cho Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) xin xác nhận công bố phù hợp an toàn thực phẩm.

- Cuối cùng, Cục An toàn thực phẩm xem xét cấp giấy tờ xác nhận công bố thực phẩm đó phù hợp an toàn thực phẩm.

Tuy nhiên, tại một hội thảo về an toàn thực phẩm diễn ra gần đây tại Hà Nội, đại diện nhiều doanh nghiệp thực phẩm cho rằng quy định như trên đang tạo ra khó khăn, làm tăng chi phí cho doanh nghiệp.

Do đó, họ đề xuất phương án nên áp dụng quản lý an toàn thực phẩm bằng cách "hậu kiểm", có nghĩa là doanh nghiệp sau khi sản xuất thực phẩm sẽ gửi mẫu đi kiểm nghiệm tại các phòng kiểm nghiệm được chỉ định, nếu đạt chất lượng thì sẽ tự xác nhận sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn chất lượng và cung cấp ra thị trường.

Theo đại diện doanh nghiệp, như vậy họ sẽ có lợi khi không phải gửi hồ sơ xác nhận an toàn thực phẩm lên cơ quan chức năng, không phải chờ đợi mà có thể chủ động tự xác nhận.

Điều này rõ ràng giảm chi phí, thời gian cho doanh nghiệp, tuy nhiên cũng đặt ra vấn đề liệu người tiêu dùng có thể tin tưởng vào sản phẩm mà doanh nghiệp tự sản xuất rồi tự xác nhận chất lượng an toàn thực phẩm?

để doanh nghiệp tự công bố tiêu chuẩn thực phẩm?

Có nên để doanh nghiệp tự công bố tiêu chuẩn thực phẩm?

Trước những vấn đề trên, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, chúng ta thực hiện Nghị quyết số 19 của Chính phủ trong đó nêu rõ phải tạo điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thực phẩm nói riêng.

Cùng với chủ trương đó, tại dự thảo Nghị định 38 (sửa đổi) hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm, cơ quan quản lý nhà nước đã giảm bớt một loạt thủ tục ví dụ như: Doanh nghiệp nhập nguyên liệu vào sau đó sản xuất và xuất khẩu thì không phải công bố, thay đổi kích cỡ bao gói của sản phẩm không phải công bố, nhập khẩu sản phẩm thực phẩm sau đó xuất khẩu không phải ghi nhãn tiếng Việt…

Về việc doanh nghiệp đề nghị bỏ thủ tục cấp giấy chứng nhận phù hợp an toàn thực phẩm, thay vào đó doanh nghiệp sẽ tự công bố và sản xuất còn cơ quan chức năng sẽ đi kiểm tra sau, ông Phong cho rằng cách quản lý này chưa phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

Việc để doanh nghiệp tự công bố và xác nhận an toàn thực phẩm, ông Phong cho biết trên thế giới chỉ có Singapore và Nhật Bản và một số nước tiên tiến ở Châu  Âu áp dụng.

“Với điều kiện chúng ta hiện nay chưa thể áp dụng được bởi ý thức chấp hành pháp luật của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong nước chưa cao”, ông Phong nhấn mạnh và dẫn chứng ở các nước áp dụng cho doanh nghiệp công bố và sản xuất cơ quan chức năng hậu kiểm, ý thức chấp hành pháp luật người dân, doanh nghiệp rất cao. Còn điều kiện chúng ta chưa áp dụng được.

Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết, các nước gần Việt Nam như: In-đô-nê-xi-a, Thái Lan, Trung Quốc... tất cả sản phẩm thực phẩm đóng gói sẵn trước khi ra thị trường đều chịu sự quản lý, phê duyệt của cơ quan quản lý nhà nước. Thậm chí, có nước còn cấp giấy phép cho từng sản phẩm một.

Vấn đề an toàn thực phẩm có nơi ở mức báo động đỏ

Ông Nguyễn Thanh Phong cũng thông tin, vừa qua Quốc hội tiến hành chương trình giám sát tối cao về An toàn thực phẩm giai đoạn 2011 -2015.

Đoàn giám sát đã đi thực địa 21 tỉnh, thành phố kiểm tra 8 loại hình sản xuất kinh doanh thực phẩm. Kết quả cho thấy có lúc, có nơi vấn đề an toàn thực phẩm lên tới mức báo động đỏ.

Trong đó, nguyên nhân cơ bản dẫn đến mất an toàn thực phẩm là do ý thức chấp hành pháp luật của cơ sở chế biến, sản xuất thực phẩm.

Từ thực tế này, Quốc hội ra Nghị quyết 43, trong đó đưa ra giải pháp về an toàn thực phẩm đó là: “Kiểm soát chặt chẽ nông - lâm - thủy sản trước khi đưa ra thị trường” có nghĩa phải tiền kiểm chứ không phải hậu kiểm.

Kết luận 11 của Ban Bí thư Trung ương cũng nêu rõ: “An toàn thực phẩm có tầm quan trọng sống còn đối với sức khỏe, hạnh phúc của từng người dân, giống nòi dân tộc và sự phát triển của đất nước… phải phấn đầu sớm đạt mục tiêu: Tất cả thực phẩm sản xuất, kinh doanh, lưu thông và tiêu dùng trên lãnh thổ Việt Nam đều là thực phẩm an toàn”.

Theo Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, để thực phẩm sản xuất, kinh doanh, lưu thông an toàn bắt buộc phải tiền kiểm, chưa thể để doanh nghiệp tự sản xuất rồi tự xác nhận chất lượng an toàn thực phẩm.

VIẾT CƯỜNG

Thực phẩm chức năng giúp tăng chiều cao chỉ là…'nói phét'?(VietQ.vn) - Theo bác sĩ Nguyễn Đức Viên – một chuyên gia chuyên khoa chấn thương chỉnh hình, sau tuổi trưởng thành, muốn phát triển về chiều cao chỉ có một cách là phẫu thuật, tức kéo cho ống xương của mình dài ra. 
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang