Nhiều doanh nhân bị bắt được Bộ trưởng ví như ‘ngã xuống trên trận địa’

author 06:00 01/02/2016

(VietQ.vn) - “Chúng ta không bao giờ muốn họ vấp ngã, không bao giờ muốn họ ngã xuống trên trận địa của họ”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên bày tỏ.

Doanh nhân được coi như “xương sống” của nền kinh tế, nhưng thời gian gần đây có nhiều doanh nhân đứng đầu các doanh nghiệp lớn vướng vào vòng lao lý.

Mới đây là trường hợp bà Nguyễn Minh Thu, nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Đại dương (OCeanBank) đã bị bắt với cáo buộc làm trái quy định pháp luật về quản lý kinh tế.

Trước đó hồi tháng 10/2014, nguyên Chủ tịch HĐQT ngân hàng này là ông Hà Văn Thắm cũng đã bị bắt vì vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

doanh nhân bị bắt

Ba doanh nhân nổi tiếng trong lĩnh vực tài chính ngân hàng bị bắt: Ông Phạm Công Danh, bầu Kiên và Hà Văn Thắm

Lâu hơn nữa là vào tháng 7/2014, ông Phạm Công Danh - nguyên Chủ tịch Tập đoàn Thiên Thanh, kiêm Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB) bị Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam, liên quan đến vụ án “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Và vụ rúng động nhất là bắt giạm “bầu Kiên” vào tháng 8/2012 về hành vi "kinh doanh trái phép".

Chia sẻ về vấn đề này tại phiên họp báo thường kỳ Chính phủ diễn ra chiều 30/1, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho rằng, việc bắt tạm giam một số lãnh đạo các doanh nghiệp lớn do những vi phạm trong quản lý kinh tế thời gian qua là câu chuyện buồn, kể cả các cơ quan bảo vệ pháp luật cũng không bao giờ muốn điều đó xảy ra.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên

Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên

Bộ trưởng Nên nhấn mạnh, doanh nhân, doanh nghiệp là những người làm công việc rất quan trọng, có thể gọi là những “chiến sĩ thời bình”, là một phần không thể thiếu của đất nước.

“Cho nên chúng ta không bao giờ muốn họ vấp ngã, không bao giờ muốn họ ngã xuống trên trận địa của họ”, Bộ trưởng Nên bày tỏ.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng nêu rõ, khi vận hành trong nền kinh tế và ứng xử trước xã hội, pháp luật vẫn là trên hết. Tất cả mọi người đều phải sống và làm việc theo pháp luật. Một khi vi phạm pháp luật, đứng ở vị trí nào cũng phải bị xử lý.

“Quan điểm của Chính phủ là làm hết sức, thông qua thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, nhắc nhở, tạo điều kiện khắc phục tối đa, không để “hình sự hóa các vấn đề kinh tế. Thực ra là không muốn, nhưng khi các giải pháp khác không còn ngăn chặn được thì cơ quan luật pháp mới bắt đầu tiến hành xử phạt nghiêm minh. Mặc dù không muốn nhưng chúng ta không còn cách nào khác”, Bộ trưởng Nên nói.

Viết Cường


 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang