Tuyên Quang: Nhiều giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng chè Sơn Dương

author 11:17 11/10/2015

(VietQ.vn) - Huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) có thế mạnh phát triển cây chè. Những năm qua, loại cây này đã mang lại nguồn thu nhập chính cho người dân ở nhiều xã trong huyện.

Sơn Dương hiện có 1.560 ha chè. Huyện đã quy hoạch vùng chè hàng hóa với diện tích 913 ha ở 11 xã và có 175 ha chè nằm ở 21 xã ngoài vùng quy hoạch. Năm 2014, sản lượng chè búp tươi đạt 8.391 tấn. Năm 2015, sản lượng chè búp tươi ước đạt 13.729 tấn.

Trên địa bàn huyện hiện đã hình thành thương hiệu chè Vĩnh Tân thuộc Làng nghề chè Vĩnh Tân xã Tân Trào và tổ hợp tác sản xuất, chế biến chè thôn Trung Long, xã Trung Yên sản xuất chè theo mô hình VietGAP. Toàn huyện có 8 vườn ươm chè và 7 cơ sở sản xuất, kinh doanh chè, tạo thuận lợi trong việc đảm bảo cung ứng giống và đầu ra cho sản phẩm. Nhằm cải tạo các giống chè cũ, người dân ở nhiều xã đã đưa các giống chè mới năng suất cao, chất lượng tốt vào trồng như PT10, Bát Tiên, Đại Bạch Trà, LDP1, LDP2, PH8…

Nhiều giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng chè Sơn DươngMô hình tưới ẩm tự động cho cây chè

Bên cạnh việc mở các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trong chăm sóc, chế biến và sản xuất chè, huyện đã triển khai hiệu quả việc cung ứng giống chè theo chương trình 135 ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn, hỗ trợ người dân mở rộng diện tích, thay thế các giống chè cũ. 

Ông Trần Đức Hạnh, Chủ tịch UBND xã Tân Trào cho biết, xã có trên 180 ha chè, năng suất bình quân 13 tấn/ha. Hầu hết diện tích chè được thu hoạch bình quân 4 đến 6 tháng/năm do chưa chủ động được nguồn nước tưới.

Xã Tân Trào đã phối hợp với Viện Khoa học Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc xây dựng mô hình điểm tưới ẩm tự động cho chè tại hộ gia đình ông Phạm Văn Rẫn, thôn Vĩnh Tân. Đây là mô hình đầu tiên trong huyện thực hiện công nghệ tưới tự động cho chè. Ông Rẫn cho biết, trước đây khi chưa có mô hình tưới ẩm tự động, gia đình ông phải dùng bơm điện từ suối để tưới cho chè và trông vào nguồn nước tự nhiên. Tuy nhiên, khi đưa mô hình tưới ẩm tự động, năng suất và sản lượng chè búp tươi của gia đình ông Rẫn sẽ tăng lên cao hơn. Để đảm bảo đủ nguồn nước tưới cho diện tích chè, xã Tân Trào đã tiến hành khảo sát nguồn nước ngầm; tới đây, xã sẽ vận động nhân dân đầu tư giếng khoan tại chỗ để tưới cho cây chè. 

Thôn Đồng Đon, xã Minh Thanh có 14 ha chè với trên 80% hộ dân trồng chè. Ông Nguyễn Văn Quang, trưởng thôn cho biết, cây chè là thu nhập chính của gia đình anh cũng như nhiều hộ trong thôn. Tuy nhiên do không chủ động được nguồn nước tưới nên việc nâng cao năng suất, sản lượng chè vẫn là một khó khăn. Hiện nay, gia đình anh và 3 hộ khác trong thôn đã được khảo sát để đầu tư mô hình tưới tự động.

Cùng với thôn Đồng Đon, hiện nay, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đã phối hợp với Chi cục Thủy lợi, Sở Nông nghiệp và PTNT tiến hành khảo sát xây dựng mô hình tưới tự động cho chè tại hai thôn Đồng Hoan, xã Tú Thịnh và Đồng Diễn, xã Hợp Thành. Tại các thôn này, huyện sẽ xây dựng 3 mô hình sản xuất chè Vietgap theo hình thức tổ hợp tác với diện tích trên 20 ha. 

Đồng thời huyện tiến hành khảo sát, đánh giá hiện trạng tại 9 xã nằm trong vùng quy hoạch chè; đề xuất các giải pháp nâng cao giá trị sản phẩm chè trên địa bàn. Việc phát triển cây chè là cây trồng chủ lực theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung được huyện tiếp tục xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. 

Cúc Phương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang