Nhiều khu chợ tại Hà Nội hai đầu hai mức giá khác nhau

authorPhương Nam 09:48 14/05/2017

(VietQ.vn) - Cùng kinh doanh một mặt hàng trên cùng một khu chợ nhưng lại có mức giá chênh nhau đến khó tin. Đó là những khu chợ truyền thống tại thủ đô Hà Nội.

Sự kiện: tin tức thị trường

Nếu tại những khu chợ đã quy hoạch và có Ban quản lý thì giá cả các mặt hàng luôn được quy định rõ ràng và bình ổn. Mức giá chênh lệch tại các khu chợ này nếu có cũng không quá cao, chỉ hơn nhau vài ngàn đồng/đơn vị tính.

Tuy nhiên, với những khu chợ truyền thống thì khác. Nhiều khu chợ cùng kinh doanh một mặt hàng nhưng lại có mức giá chênh lệch đến khó tin, dẫu mặt hàng ấy cùng xuất xứ, cùng chủng loại.

Đơn cử như tại chợ Giáp Bát (Hoàng Mai – Hà Nội), cùng là mặt hàng thịt bò nhưng mức giá ở hai gian hàng hai đầu chợ lại khác nhau.

Nếu gian hàng thịt bò phía giáp với phố Kim Đồng của chị Thu Phương có mức giá mặt hàng thịt bò thăn là 240.000 đồng/kg thì phần chợ giáp với đường Giải Phóng tại gian hàng của chị Mai Anh thịt bò thăn được bán với mức giá 210.000 đồng/kg.

Nhiều khu chợ tại Hà Nội hai đầu hai mức giá khác nhau

 Với chợ truyền thống, mức giá khác nhau giữa hai gian hàng là điều bình thường

Tương tự vậy, với hai hàng rau, cũng tại hai đầu ở chợ Giáp Bát mức giá cũng chênh nhau tương đối nhiều.

Nếu như bắp cải trắng tại một hàng rau phía gần phố Kim Đồng có mức giá là 6.000 đồng/kg thì tại phía chợ gần đường Giải Phóng các tiểu thương tại đây bán với mức giá là 12.000 đồng/kg (đắt gấp đôi).

Để lý giải về điều này, chị Nguyễn Thị Vân (một tiểu thương) cho rằng, giá các mặt hàng tại đây phụ thuộc rất lớn vào nguồn hàng. Theo đó, nếu những tiểu thương tại các vùng quê ven đô như Thường Tín, Phú Xuyên, Ứng Hòa … mang rau, thịt, cá lên đây và thuê địa điểm bán thì sẽ có giá rẻ hơn là những tiểu thương nhập ở chợ đầu mối.

“Nếu những tiểu thương từ quê mang hàng lên bán thì nguồn hàng nhập rẻ hơn. Họ lấy tận gốc. Còn chúng tôi nhập lại từ các chủ hàng tại chợ đầu mối thì tất nhiên, giá thành sẽ cao hơn”, chị Vân nói.

Theo chị Vân, những tiểu thương lấy hàng tại quê và mang lên bán đa phần họ bán chợ sáng và khoảng 11 giờ là hết hàng. Sau đó, họ về quê và sáng hôm sau lại tiếp tục bán. Còn những tiểu thương như chị Vân lấy hàng tại chợ đầu mối phía Nam thì bán hàng tại đây cả ngày.  Sau giờ chợ sáng thì giá thành chợ chiều các mặt tiếp tục tăng giá hơn chừng 5% so với giá buổi sáng.

Nhiều khu chợ tại Hà Nội hai đầu hai mức giá khác nhau

 Việc cùng một loại rau, mức giá ở hai gian hàng khách nhau là chuyện bình thường 

Cũng giống chợ Giáp Bát, việc hai đầu chợ bán hai mức giá khác nhau tại chợ Đại Từ cũng diễn ra và thậm chí, mức giá chênh lệch còn cao hơn .

Theo đó, tại chợ Đại Từ, người dân tại đây còn khoanh vùng và chia chợ ra hai đầu với tên gọi là “chợ đầu trên” và “chợ đầu dưới”. Theo đó,  “chợ đầu trên” luôn có mức giá các mặt hàng cao hơn “chợ đầu dưới” chừng 10.000 – 20.000 đồng. Thậm chí, nhiều mặt hàng hoa quả, hải sản mức giá còn chênh gần gấp đôi.

Theo cô Nguyễn Thị Bình (Đại Từ - Hoàng Mai – Hà Nội), thì “chợ đầu trên” vào buổi sáng giá các mặt hàng luôn cao hơn, đơn cử như thịt lợn tại khu vực này luôn có mức giá từ  80.000-100.000 đồng/kg tùy loại. Trong khi đó, "chợ đầu dưới" giá thịt lợn chỉ dao động từ 45.000 đồng – 60.000 đồng/kg. Hay ngay như giá các loại gia cầm tại khu vực “chợ đầu dưới” cũng rẻ hơn khu vực “chợ đầu trên” chừng 20.000 đồng/kg.

“Chênh lệch nhất chính là mặt hàng hoa quả, chẳng hạn, nếu “chợ đầu trên” bán dưa lê chỉ 15.000 đồng/kg thì “chợ đầu dưới” giá 35.000 đồng/kg. Sự chênh lệch này thấy rõ từ tấm biển treo ở trước xe của các tiểu thương chứ không cần hỏi giá”, bà Bình cho biết.

Theo bà Bình, ngoài dưa lê thì các mặt hàng hải sản cũng có mức chênh lệch cao.

Nhiều khu chợ tại Hà Nội hai đầu hai mức giá khác nhau

Nhiều khu chợ tại Hà Nội hai đầu hai mức giá khác nhau 

Theo lời bà Bình, PV Chất lượng Việt Nam đã khảo sát giá cá tươi tại hai đầu chợ Đại Từ. Theo đó, tại khu vực “chợ đầu trên”, giá cá chép được bán với mức 45.000 đồng/kg loại 1kg trở lên, cá trắm 38.000 đồng/kg, cá rô phi 30.000 đồng/kg. Trong khi đó, tại khu vực "chợ đầu dưới", giá cá chép được bán với mức 55.000 đồng/kg loại 1kg trở lên, cá trắm 45.000 đồng/kg, cá rô phi 40.000 đồng/kg.

Nguyên nhân của tình trạng giá thành chênh lệch đến khó tin tại cùng một khu chợ và các gian hàng chỉ cách nhau vài bước chân được chị Nguyễn Thị Mai (một tiểu thương bán hàng tại chợ Đại Từ) giải thích, giá thành các mặt hàng khu “chợ đầu dưới” đắt hơn là do các tiểu thương phải thuê ki ốt bán hàng với mức giá 2 triệu – 2,5 triệu đồng/tháng. Và khu vực này bán hàng cả ngày nên giá được giữ xuyên suốt. Còn khu chợ “nửa đầu trên” đa phần chỉ bán buổi sáng, buổi chiều không họp chợ nên giá mềm hơn.

“Tuy rằng buổi sáng không bán được nhiều hàng vì người dân mua hết khu “chợ đầu trên”, nhưng kéo theo được buổi chiều, sinh viên và người đi làm họ về nấu cơm tối mua nhiều. Sự chênh lệch về giá đã diễn ra nhiều năm nay. Tuy nhiên, do là truyền thống và cũng là thói quen rồi nên mọi người vẫn coi là điều bình thường”, chị Mai nói.

Không chỉ tại chợ Giáp Bát, Đại Từ mà sự chênh lệch về giá như thế này còn diễn ra ở chợ Lủ, chợ Định Công (Hoàng Mai), chợ Vồ (Hà Đông) và nhiều khu chợ truyền thống khác. Nhất là những khu chợ ngoài việc bán hàng buổi sáng thường có riêng khu bán buổi chiều. Và điều này cũng lý giải vì sao chợ chiều thường đắt hơn chợ sáng. 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang