Nhiều làng nghề “phất” nhờ khủng hoảng

author 08:39 16/10/2013

(VietQ.vn) - Trong hoàn cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, một số sản phẩm truyền thống của các làng nghề đầu ra chậm, tình hình sản xuất kinh doanh trì trệ song cũng có những làng nghề “phất” lên nhờ khủng hoảng.

Khủng hoảng kinh tế vẫn làm mỏi tay

Trong năm 2012, tại Hà Nội tổng giá trị sản xuất của các làng nghề đạt trên 10.000 tỷ đồng, chiếm 8,3% giá trị sản xuất công nghiệp -  thủ công nghiệp của thành phố. Thống kê của Sở Công thương Hà Nội cho biết năm 2013, thu nhập bình quân đầu người của các làng nghề cũng được nâng lên đáng kể, đạt mức 25 triệu/năm, cao hơn mức thu nhập của năm 2010 là 18 triệu/năm, riêng ngành gốm sứ có mức bình quân lên tới 46 triệu người/năm.

Một số làng nghề hiện nay do nắm bắt tốt nhu cầu thị trường và có sự điều chỉnh tốt nên đời sống khá khỏe, “bật dậy” trong thời khủng hoảng.

Chị Đỗ Thị Bằng, chủ cơ sở quạt có tên Quạt Bằng (Chàng Sơn, Thạch Thất) khẳng định sức sản xuất của cơ sở vẫn không hề bị suy giảm bởi tình hình kinh tế khó khăn. Trung bình cơ sở của chị xuất từ 500 – 1000 sản phẩm/ngày, vào mùa cao điểm từ tháng 1 đến tháng 3 con số này tăng vọt lên 2000 – 3000, có khi là 5000 sản phẩm/ngày.

Nhiều làng nghề vẫn làm mỏi tay dù kinh tế đang trong giai đoạn khủng hoảng (ảnh minh họa)

Chị chia sẻ: “Sản phẩm của mình sản xuất đơn giản lại thiết thực, có thể dùng cho sinh hoạt, cho biểu diễn nghệ thuật, cho trang trí nội thất, vì thế dù kinh tế khó khăn song nhìn chung thị trường tiêu thụ tương đối rộng, thu nhập vẫn khá”.

Trao đổi về tình hình sản xuất, nghệ nhân Nguyễn Văn Ứng, chủ cơ sở đúc đồng Hoa Mai (Ngũ Xã, Tây Hồ) cho biết cơ sở sản xuất của ông chỉ sản xuất theo đơn đặt hàng mà làm mỏi tay không hết việc, nhiều khi còn không dám nhận thêm vì không thể đảm bảo được chất lượng sản phẩm.

Anh Nghiêm Văn Bạo, chủ cơ sở sản xuất áo dài truyền thống làng Trạch Xá (Ứng Hòa, Hà Nội) cho biết: “Nhu cầu của khách hàng về sản phẩm là rất cao, việc làm quanh năm, vào những tháng cao điểm như lễ Tết, mùa cưới còn phải thức khuya để làm”. Do nhu cầu đa dạng của khách hàng, cơ sở của anh có hầu hết chủng loại sản phẩm từ bình dân đến cao cấp với đủ các chất liệu như tơ tằm, nhung, cotton vv… Thị trường của sản phẩm trải rộng cả nước nhưng mạnh nhất là đồng bằng Bắc Bộ.

Vì đâu “bật dậy”?

Nếu đặt trong bối cảnh chung của nền kinh tế hiện nay với sự đóng băng của bất động sản, sự tắc nghẽn của tín dụng hay sự phá sản ồ ạt của hàng vạn doanh nghiệp thì có thể thấy kinh tế làng nghề rõ ràng là một điểm sáng. Bản thân việc giữ được sức sản xuất ở một mức độ nhất định khi khủng hoảng và khởi sắc trở lại khi nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi đã là một thành tích lớn.

Ông Trịnh Quốc Đạt, Phó Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam cho rằng sức sống của các làng nghề xuất phát từ chính những đặc điểm tự thân của nó.

Sự "bật dậy" của một số làng nghề hiện nay là một thành tích lớn (ảnh minh họa)

Sản phẩm của các làng nghề có tính đa dạng, đáp ứng thị hiếu phong phú của thị trường. Ví dụ như làng gốm Bát Tràng có hàng chục dòng sản phẩm từ bình dân đến cao cấp, phục vụ cho tất cả các nhu cầu từ sinh hoạt đến trang trí, thẩm mĩ. Tùy theo sự biến động của thị trường mà các dòng sản phẩm này sẽ được điều chỉnh quy mô sản xuất sao cho phù hợp.

Các làng nghề thường có quy mô sản xuất nhỏ (chủ yếu theo hình thức hộ gia đình), vốn đầu tư không lớn. Do vậy kinh tế có khủng hoảng thì cũng không dẫn tới phá sản được. Những làng nghề chủ động được nguồn cung nguyên liệu cũng như có sự năng động trong viêc tìm kiếm thị trường thì sẽ có tiềm năng “phất lên”.

Bên cạnh đó, nhiều làng nghề thường đi bằng hai chân trong sản xuất. Ngoài việc sản xuất sản phẩm nghề, người dân còn có nghề nông hoặc nghề phụ, vì thế dù khó khăn nhưng các làng nghề vẫn được duy trì và khi thuận lợi thì sẵn sàng bật dậy.

Tuy nhiên theo ông Đạt, để giữ được sự ổn định trong sản xuất cũng như phát triển trong tương lai các làng nghề cũng phải tự đổi mới mình bằng việc cải tiến kĩ thuật, mẫu mã sản phẩm.

Lê Hải

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang