Nhiều người dùng đồ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ mà không hay biết

author 11:14 28/08/2019

(VietQ.vn) - Bà Nguyễn Thị Thu Trang – Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập nêu thực tế, rất nhiều người dùng đồ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ mà không hay biết.

Theo Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh, với EVFTA, ngay khi Hiệp định có hiệu lực, 85,6% số mặt hàng, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được hưởng thuế 0%. Sau 7 năm, 99,2% số mặt hàng sẽ được hưởng thuế 0%, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Điều này sẽ giúp Việt Nam tận dụng mạnh hơn nữa cơ hội xuất khẩu vào thị trường EU.

Ngoài ra, theo Bộ trưởng Công Thương, những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới thì phạm vi không chỉ dừng ở các cam kết mở của thị trường hàng hóa, ngoài ra còn có vấn đề sở hữu trí tuệ. Đây được coi là một nội dung mới chỉ xuất hiện trong một số ít FTA mà Việt Nam tham gia, trong đó có Hiệp định EVFTA.

Theo người đứng đầu Bộ Công Thương, với mức độ cam kết khá cao về lĩnh vực sở hữu trí tuệ, dự kiến Hiệp định EVFTA sẽ tạo ra những thách thức không nhỏ về sửa đổi pháp luật trong nước. Trong khi đó, nhận thức chung về xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam vẫn còn thấp.

Cùng chia sẻ về vấn đề trên, bà Nguyễn Thị Thu Trang – Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập nêu thực tế, rất nhiều người dùng đồ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ mà không hay biết. Thêm nữa, đối với doanh nghiệp chủ thể quyền nhiều khi chưa chủ động, ngại đấu tranh để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.

"Nếu như trước đây chỉ có các đối tượng như quyền tác giả, các quyền liên quan được bảo hộ sở hữu trí tuệ thì đối với EVFTA, bảo hộ cả những quyền về biện pháp kỹ thuật được sử dụng hay những thông tin liên quan đến quyền đó. Ví dụ, không phải chúng ta làm hàng giả, hàng nhái mới vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ mà kể cả việc phá mã một điện thoại iPhone hay một sản phẩm Sở hữu trí tuệ thì hành động đó cũng vi phạm sở hữu trí tuệ", bà Trang cho hay.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang – Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang cũng bày tỏ lo ngại về các biện pháp kỹ thuật chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (TPM) mở rộng các hành vi sử dụng xâm phạm TPM, không chỉ áp dụng đối với việc sản xuất, nhập khẩu, phân phối, lắp ráp, bán, cho thuê..., mà còn áp dụng với việc tàng trữ với mục địch thương mại, cung cấp dịch vụ nhằm quảng bá, thúc đẩy. Hay các biện pháp ảnh hưởng thông tin quản lý quyền (RMI) không chỉ bảo vệ thông tin đối với bản gốc, mà còn bảo vệ thông tin với bản sao, bản công bố ra công chúng.

Các cam kết của EVFTA cao hơn WTO ở khía cạnh tăng quyền của Tòa án trong quyết định các biện pháp tạm thời đối với không chỉ các chủ thể vi phạm, mà còn cả các chủ thể đang lưu giữ hàng hóa vi phạm, không chỉ bằng các biện pháp hiện tại mà có thể áp dụng các biện pháp khác như đóng băng tài khoản, thu giữ chứng cứ liên quan...

Theo bà Trang, nhóm các doanh nghiệp và chủ sở hữu quyền, các cam kết này không chỉ giúp gia tăng lợi ích kinh tế, tăng động lực sáng tạo mà còn góp phần tiết kiệm chi phí, tự tin trong đăng ký bảo vệ quyền.

Tuy nhiên đối với nhóm doanh nghiệp và các chủ thể sử dụng sản phẩm được bảo hội về sở hữu trí tuệ, muốn sử dụng sản phẩm được bảo hộ sẽ phải chi trả chi phí mua cao, giảm khả năng tiếp cận sản phẩm giá rẻ. Cùng với đó, rủi ro vi phạm, rủi ro chi phí do bị xử lý vi phạm tăng lên sẽ là yếu tố đặc biệt đối với các doanh nghiệp và chủ thể sử dụng sản phẩm được bảo hộ.

Bàn về giải pháp giải quyết những rủi ro có thể gặp khi tham gia EVFTA, bà Trang cho rằng các doanh nghiệp chủ thể quyền và đại diện sở hữu trí tuệ phải thay đổi nhận thức, nhận biết được các quyền mới và tham gia mạnh hơn vào quá trình nội luật hoá.

“Nhiều khi các dự thảo luật được đăng trên cổng mãi không nhận được ý kiến nào, đến lúc thực thi rồi thấy có vấn đề mới lại bắt đầu có ý kiến”, bà Trang nêu thực tế.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ông Chu Ngọc Anh cho biết, nhìn chung, đa số các cam kết về sở hữu trí tuệ trong Hiệp định EVFTA là phù hợp với pháp luật Việt Nam.

Tuy nhiên, EVFTA cũng đặt ra một số tiêu chuẩn cao hơn pháp luật Việt Nam, trong đó có thể kể đến như bảo hộ 169 chỉ dẫn địa lý của EU với mức độ bảo hộ cao như mức độ mà pháp luật Việt Nam đang bảo hộ cho chỉ dẫn địa lý đối với rượu vang và rượu mạnh; hoặc gia nhập Thỏa ước La Hay về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp trong vòng 2 năm kể từ khi Hiệp định này có hiệu lực…

Do đó, theo ông Chu Ngọc Anh, cùng với việc tích cực chuẩn bị hồ sơ để trình Quốc hội phê chuẩn Hiệp định EVFTA, chúng ta đã và đang có những sự chuẩn bị kỹ lưỡng để đảm bảo thi hành đầy đủ và hiệu quả các cam kết này.

Bộ trưởng Bộ KH&CN cũng cảnh báo, việc chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nghiêm minh hơn có thể khiến doanh nghiệp của Việt Nam nếu không nhận thức rõ nguy cơ, sẽ phải chịu gánh nặng đối với các thủ tục kiểm soát (ví dụ như kiểm soát tại biên giới), đặc biệt là khi bị rơi vào tranh chấp, kiện tụng.

Phong Lâm

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh: Doanh nghiệp phải chú trọng nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ(VietQ.vn) - Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh nhấn mạnh, khi tham gia EVFTA, các doanh nghiệp phải chú trọng nâng cao nhận thức về lĩnh vực sở hữu trí tuệ cũng như không ngừng đổi mới sáng tạo, cải thiện năng lực công nghệ nội tại....
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang