Nhiều tỉnh đòi tăng viện phí, Bộ Y tế nói gì ?

author 09:04 01/07/2014

(VietQ.vn) - Mới đây, một loạt tỉnh đang "đòi" tăng viện phí. Tỉnh Hà Nam đề xuất nâng viện phí từ 62% khung lên 80%, Thái Nguyên đề xuất nâng thêm so với mức 64% khung hiện hành, tỉnh Yên Bái cũng có ý định điều chỉnh viện phí...

Trước đó, "đầu tàu" Hà Nội sẽ có 1.348 dịch vụ y tế điều chỉnh giá.

Nhiều tỉnh

Nhiều tỉnh "đòi" tăng viện phí

Mức tăng dự kiến: với bệnh viện hạng 1 giá dịch vụ từ mức 80% lên 100% (so với khung giá dịch vụ do Bộ Y tế - Tài chính ban hành); bệnh viện hạng 2 từ 75 lên 95% và bệnh viện hạng 3, phòng khám đa khoa khu vực, nhà hộ sinh điều chỉnh từ 65% lên 85%.

Trao đổi với Chất lượng Việt Nam sáng nay 1/7, Đại diện Vụ Tài chính, Bộ Y tế cho biết, Bộ Y tế và Tài chính chỉ ban hành khung giá viện phí, theo Thông tư 04/2012. Việc quyết định điều chỉnh cụ thể như nào là do UBND các địa phương quyết định, nhưng không được "vượt trần".

Theo Bộ Y tế, dù Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT-BYT-BTC của liên Bộ Y tế - Bộ Tài chính (gọi tắt là Thông tư 04) có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/4/2012, nhưng để thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương thực hiện điều chỉnh giá theo lộ trình, phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội, tỷ lệ tham gia BHYT và thu nhập của người dân ở từng địa phương, cụ thể: Không thực hiện điều chỉnh đồng loạt mà có phân chia tiến độ điều chỉnh: năm 2012 chỉ điều chỉnh của một số bệnh viện trực thuộc các Bộ, ngành và 45/63 tỉnh; 8 tháng đầu năm 2013 có 17/63 tỉnh thực hiện (riêng thành phố Hồ Chí Minh sẽ thực hiện từ 01/6/2014).

Về mức độ điều chỉnh: Chưa thực hiện điều chỉnh ở mức tối đa ngay mà chủ yếu trong khoảng từ  60-80% mức giá tối đa theo quy định, chỉ có một số bệnh viện đặc biệt, chữa trị người bệnh nặng, hiểm nghèo, triển khai các kỹ thuật cao có mức chi phí (theo 03 yếu tố) lớn được điều chỉnh ở mức trên dưới 90% mức giá tối đa.

Do đó, mặc dù Thông tư đã ban hành được 2 năm, nhưng đến nay nhiều địa phương mới thực hiện chưa được 01 năm, riêng thành phố Hồ Chí Minh chưa thực hiện, nên việc sơ kết có chậm. Tuy nhiên, Bộ Y tế đang đề nghị các đơn vị, địa phương sơ kết việc thực hiện và gửi báo cáo về Bộ Y tế để tổng hợp, đánh giá. Qua báo cáo của các đơn vị, địa phương, Bộ Y tế thấy rằng hầu hết các bệnh viện, địa phương đã nhất trí rằng: việc thực hiện Thông tư 04 đã tạo điều kiện cho các cơ sở khám chữa bệnh có thêm nguồn thu để trang trải các chi phí phục vụ người bệnh, góp phần từng bước nâng cao chất lượng khám chữa bệnh; Các bệnh viện đã dành 15% tổng số thu khám bệnh và ngày giường bệnh (có bệnh viện đã chi hàng chục tỷ đồng) để đầu tư nên khu vực khám bệnh, các buồng bệnh đã được cải thiện, khang trang, sạch sẽ hơn trước, cải tiến quy trình khám bệnh, kể cả việc thu viện phí để giảm thời gian chờ đợi, người bệnh đã hài lòng hơn.

Quyền lợi của người bệnh có thẻ BHYT được nâng lên rõ rệt vì không phải trả thêm hoặc phải tự mua một số thuốc, vật tư mà trước đây giá thấp, người bệnh phải tự mua hoặc phải trả thêm do quỹ BHYT không thanh toán. Khuyến khích các bệnh viện tuyến dưới thực hiện các kỹ thuật mới được chuyển giao, góp phần nâng cao trình độ chuyên môn tuyến dưới, từng bước giảm quá tải cho tuyến trên, Quỹ BHYT vẫn cân đối được thu chi trong năm 2013.

 

 

Minh Hà

 

 

 


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang