Nhiều tỉnh ủng hộ kỳ thi Quốc gia theo phương án 1

author 16:23 30/07/2014

Sau khi công bố phương án thi Quốc gia 2015, nhiều tỉnh đã ủng hộ phương án 1 là thi 8 môn, không tích hợp...

Sự kiện: Kỳ thi THPT Quốc gia 2017

Sau khi Bộ GD&ĐT công bố dự thảo Phương án tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia tại Hội nghị tổng kết năm học 2013 – 2014, nhiều Giám đốc các Sở GD&ĐT đã có những phân tích, đánh giá về các phương án được đưa ra.
Ông Trần Xuân Trường - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng: Đồng ý với phương án 1 là thi theo 8 môn. Đồng thời cho rằng, phương án này đã tập trung được những nội dung thử nghiệm đổi mới trong nhiều năm nay.

Sau kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014, Bộ GD&ĐT đã có đánh giá sơ bộ cho thấy kỳ thi vừa qua đã có nhiều đổi mới quan trọng. Phương án 1 đã kế thừa, phát huy những đổi mới thành công trong kỳ thi; Đồng thời gắn liền với mục đích: Học sinh phát huy được sở trường của trong thi cử, tạo điều kiện cho các trường CĐ-ĐH trong tuyển sinh; Tạo thuận lợi cho các tỉnh/thành phố tổ chức kỳ thi; Kỳ thi đã tiệm cận với yêu cầu đổi mới cấp bách của đất nước...

Tuy nhiên ông Trường cũng cho rằng vấn đề tổ chức coi thi, chấm cần được  nghiên cứu thêm.

Kỳ thi quốc gia 2015 thi đại học 2015 theo phương án nào

Bộ Giáo dục sẽ quyết định thi Quốc gia 2015 theo phương án 1 ?

Ông Hoàng Minh Quân - Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc khẳng định: Tổ chức kì thi hai trong một sẽ giảm đi sự tốn kém trong công tác tổ chức thi.

Việc thi theo dự thảo phương án của Bộ GD&ĐT sẽ không gây ra xáo trộn lớn. Hiện nay việc thi cử đối với HS và GV đã trở nên bình thường, không có gì mới cả.

Việc đổi mới thi có lẽ chỉ gây ra chút khó khăn nhất định khi thay đổi cách thức tổ chức, phương pháp làm thi với cơ quan quản lý, với cán bộ làm công  tác coi thi, chấm thi.

Đối với học sinh thì việc làm bài thi sẽ không có biến động nhiều, vẫn đảm bảo được tính khách quan của kết quả kiểm tra, đánh giá học sinh. Kì thi 2 trong 1 như đề xuất sẽ giảm đi được nhiều chi phí tốn kém, giảm đi được vất vả cho các cơ sở giáo dục.
Về tổ chức thi, ông Quân cho rằng: Theo cụm thi vẫn đảm bảo được tính trung thực nếu chúng ta làm tốt các quy trình tổ chức coi thi và chấm thi. Tổ chức thi hai trong một theo cụm thì công tác chỉ đạo sẽ cần phải tiến hành chặt chẽ hơn. Thi theo cụm có thể đáp ứng được nhu cầu thi hai trong một trong những năm sắp tới.

Trong 3 phương án dự thảo được Bộ GD&ĐT đưa ra, ông Quân nghiêng về phương án 1 - Thi theo môn và cho rằng có thể thực hiện ngay trong năm 2015 tới đây.

Nếu thi tổng hợp theo bài thi – Phương án 2 và 3 thì hiện nay giáo viên chưa được chuẩn bị kĩ, học sinh cũng chưa được chuẩn bị kĩ để làm bài luận tổng hợp kiến thức liên môn. Nếu tổ chức thay đổi kì thi ngay theo một trong hai phương án này sẽ gặp nhiều khó khăn - Ông Quân khẳng định.

Phương án 2 và phương án 3 rất tốt nhưng cần phải chuẩn bị kĩ hơn về đào tạo đội ngũ giáo viên, về các bước chuẩn bị cho học sinh từ đầu cấp học THPT.

Ông Bùi Đức Cường - Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Nguyên đồng tình và nhất trí cao về mục đích và nguyên tắc kì thi mà dự thảo nêu ra. Đồng thời đề xuất chọn phương án 1;

Ông phân tích: Từ thực tiễn giáo dục ở các địa phương chúng tôi thấy phương án 1 có các ưu điểm: thực trạng dạy và học hiện nay phù hợp với cách kiểm tra đánh giá, gần với công việc mà ngành chúng ta đang làm; Không gây ra sự xáo trộn đột ngột, không gây ra những tâm lí lo lắng trong xã hội.

Với GV, kì thi năm vừa qua đã thay đổi lớn về nhận thức về công tác coi thi, ra đề thi. Việc đổi mới đề thi trong những năm vừa qua đã đánh giá được năng lực của học sinh.  Cũng như việc chấm bài theo hướng mở đã đặt ra yêu cầu đối với giáo viên phải đổi mới phương pháp dạy, đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá.

Kết quả thi đã tác động mạnh vào nhận thức của học sinh, giúp các em phát triển năng lực phẩm chất và các kĩ năng; giúp định hướng nghề nghiệp sau THPT cho học sinh. Kì thi cơ bản đã tạo được kết quả khá khách quan, trung thực; tạo tiền đề cho việc đổi mới phương pháp đánh giá, thi cử.

Cách ra đề thi tốt nghiệp THPT trong năm 2014 rất thích hợp bởi đề thi đã đảm bảo được các yếu tố cơ bản như sau:Thứ nhất là đảm bảo về kiến thức cơ bản mà học sinh cần đạt tới.

Thứ hai là đảm bảo cho học sinh có khả năng, có sức sáng tạo trong quá trình làm bài. Thứ ba là không gò bó, không ép buộc học sinh phải học thuộc.Cách ra đề thi như thế và phương án 1 của Bộ đưa ra triển khai trong thời gian tới là phù hợp. Phương án này có thể triển khai ngay trong năm 2015 mà không lo sớm hay muộn. Ông Bùi Đức Cường nhận định.

Với Phương án 2 và 3, ông Cường cho rằng: Để thi theo phương án này thì cần phải có thời gian chuẩn bị cho thầy và trò. Sau khi thay đổi cách học thì mới có thể thay đổi cách làm bài tích hợp như vậy. “Bài tích hợp đòi hỏi phải có sự chuẩn bị về cách dạy cách học, rồi phương thức, cách thức ra đề” – Ông Bùi Đức Cường nhận xét.
Cụ thể phương án 1 như sau:

a) Thi 8 môn, gồm: Toán, Ngữ văn, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí và Ngoại ngữ; có 8 buổi thi trong 4 ngày, mỗi buổi thi 1 môn;

b) Để được xét công nhận tốt nghiệp THPT, mỗi thí sinh phải dự thi 4 môn (gọi là các môn thi tối thiểu) gồm: 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 môn do thí sinh tự chọn trong số các môn: Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lí;

Kết quả của 4 môn thi tối thiểu được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT; kết quả 4 môn thi này cũng được sử dụng để đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ có các môn thi phù hợp với ngành đào tạo.

c) Ngoài 4 môn thi nói trên, thí sinh có quyền đăng ký thi thêm các môn thi của Kỳ thi THPT quốc gia còn lại để sử dụng cho việc đăng ký tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ theo yêu cầu của các ngành đào tạo do từng trường ĐH, CĐ quy định.

d) Theo lộ trình đổi mới thi, các môn thi sẽ được chuyển dần thành các bài thi với mức độ tích hợp từ ít đến nhiều, từ thấp đến cao phù hợp với thay đổi việc dạy và học ở nhà trường trong quá trình triển khai Nghị quyết 29-NQ/TW.

* Ưu điểm

- Việc thi theo môn và cho thí sinh chọn môn thi phù hợp với định hướng của Nghị quyết 29-NQ/TW; tạo thuận lợi cho việc ra đề thi, đảm bảo đánh giá được mức độ học vấn phổ thông và phân hóa tốt hơn trình độ thí sinh; phân luồng mạnh đối với người học sau cấp THPT; giúp các trường ĐH, CĐ lựa chọn được thí sinh phù hợp với ngành đào tạo của trường; 

- Ít xáo trộn, không gây lo lắng, áp lực tâm lý đối với giáo viên, học sinh nhất là đối với những học sinh đã học xong chương trình THPT từ năm 2014 về trước tham dự Kỳ thi; việc chấm bài thi thuận lợi, dễ dàng.

- Học sinh có thể dự thi nhiều môn nên có nhiều cơ hội dự tuyển vào các trường ĐH, CĐ.

* Khó khăn, hạn chế

- Kỳ thi diễn ra trong 4 ngày (8 buổi thi) nên công việc của giáo viên nhiều hơn, chi phí tổ chức kỳ thi sẽ tăng thêm;

- Có thể dẫn đến việc dạy dồn hoặc cắt xén chương trình đối với những môn không thi.

Theo Giáo dục Thời đại


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang