Nhiều tổ chức nghiên cứu còn chờ vào 'bầu sữa' ngân sách

author 09:22 17/11/2014

(VietQ.vn) - 10 năm sau khi Nghị định 115 của Chính phủ ra đời, vẫn còn nhiều tổ chức nghiên cứu công lập thiếu quyết tâm thực hiện mà còn tâm lý ỷ lại vào 'bầu sữa' ngân sách của nhà nước.

Sự kiện: Hoạt động Khoa học & Công nghệ

Đây là nhận định của TS. Tạ Hải Tùng - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quốc tế về công nghệ định vị sử dụng vệ tinh (Navis) xung quanh vấn đề công khai, minh bạch trong xét duyệt đề tài.

TS. Tạ Hải Tùng cho rằng, các tổ chức nghiên cứu công lập xét ở khía cạnh nào đó họ sống khỏe từ ngân sách Nhà nước nhưng số tiền đó không được phân bổ một cách sòng phẳng. Những nhà nghiên cứu trẻ thiệt thòi hơn nhiều so với các nhà quản lý và những người nghiên cứu lâu năm. 

TS. Tạ Hải Tùng - Giám đốc Navis. Ảnh: N. N

Thực tế này dẫn đến việc khó thu hút được những người giỏi có đam mê, với tư duy sáng tạo đột phá trong nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Mặt khác, do những quy định về biên chế của các tổ chức khoa học mang tính hành chính nên người lãnh đạo cũng không thể sàng lọc bớt những cán bộ khoa học thiếu năng lực. 

"Đối với tổ chức nghiên cứu không tinh nhuệ như vậy, sẽ không dễ dàng để đảm nhận những đề tài, dự án bắt buộc phải cam kết có sản phẩm đầu ra. Ở các tổ chức nghiên cứu này, một trong những giải pháp hàng đầu với quy định biên chế hiện hành, để thúc đẩy tự chủ là phải sàng lọc bộ máy và tuyển dụng những nhà khoa học thực sự có tài năng", TS. Tùng nói.

Trên thực tế, người ta nói nhiều đến việc "trọng dụng/ưu tiên các nhà khoa học trẻ". Theo TS. Tùng, ngoài việc quan trọng hàng đầu là phải tạo điều kiện để các nhà khoa học có thể sống được bằng nghiên cứu, cần phải đối xử với tất cả các nhà khoa học một cách bình đẳng. Nếu học có năng lực, tâm huyết, có sản phẩm tốt, dù là ai cũng đều được ưu tiên. Sự công bằng, bình đẳng đó trước hết nên bắt đầu bằng việc xét duyệt đề tài nghiên cứu khoa học, thay vì phụ thuộc vào học hàm, học vị, hội đồng cần đánh giá năng lực dựa trên chất lượng các nghiên cứu và sản phẩm của họ trước đó. Đồng thời việc xét duyệt phải diễn ra một cách công khai, minh bạch, với vai trò của các phản biện độc lập từ nhiều thành phần ở trong nước, hoặc thậm chí từ nước ngoài.

"Mặc dù tôi rất ủng hộ cơ chế khoán chi đến sản phẩm cuối cùng, tuy nhiên, qua trao đổi với các đồng nghiệp tôi cũng hiểu vẫn còn một số khó khăn về áp lực ra sản phẩm cuối cùng. Vì cần phải khẳng định rằng, những đề tài có ý nghĩa với tính mới, tính sáng tạo được đề cao luôn tiềm ẩn nguy cơ rủi ro. Vì vậy nếu quá đặt nặng cam kết đến sản phẩm cuối cùng với cơ chế xử lý rủi ro nặng nề thì họ có thể cam kết những sản phẩm an toàn", TS. Tùng nói thêm.

Hồng Anh (ghi)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang