'Nhiều trạm BOT thu phí như trấn lột người dân'

author 13:00 09/09/2017

(VietQ.vn) - Đó là nhận định của tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, ông cho rằng, cho rằng hiện nay có tình trạng thu phí BOT như kiểu “trấn lột” người dân.

Trả lời Zing.vn bên lề cuộc tọa đàm khoa học "Các dự án BOT - chính sách và giải pháp sáng 8/9, tiến sĩ Nguyễn Sỹ Dũng khẳng định cách làm BOT tại Việt Nam đang tồn tại rất nhiều vấn đề gây bức xúc cho người dân.

Ông Dũng cho rằng BOT là một vấn đề rất lớn. Ông rất “choáng váng” khi nghe có người nói hợp đồng BOT là hợp đồng mật giữa đơn vị quản lý nhà nước và chủ đầu tư.

'Nhiều trạm BOT thu phí như trấn lột người dân'

 Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng nhiều trạm BOT thu phí như "trấn lột người dân". Ảnh: Văn Chương/Zing.

Theo tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, hợp đồng BOT phải công khai bởi đụng chạm đến lợi ích của rất nhiều cổ đông. Đó là nhà đầu tư; ngân hàng; nhà thầu; cơ quan quản lý là nước; người dân và các doanh nghiệp vận tải nữa.

Các công ty làm dịch vụ vận tải và người dân là cổ đông lớn nhất. Họ bị đụng chạm trực tiếp đến việc làm ăn, cuộc sống. Nhưng khi xây dựng các dự án BOT, hai cổ đông lớn nhất này bị phớt lờ, không được có ý kiến. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến các vụ việc phản đối trại các trạm BOT trên cả nước thời gian qua.

Theo ông Dũng, trong vấn đề này, Quốc hội phải vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa. Bởi Quốc hội đại diện cho dân, các ĐBQH là tiếng nói của dân. Dân phản ứng thì Quốc hội nên vào cuộc và điều trần về các sự việc này.

Các sự việc này không giải quyết kịp thời sẽ rất căng thẳng và dẫn đến nhiều hệ lụy khác.

Ông Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng hiện nay có tình trạng thu phí BOT như kiểu “trấn lột” người dân. Chủ đầu tư xây dựng đường tránh ở một chỗ, đặt trạm thu phí ở chỗ khác.

Chính vì thế, Bộ GTVT phải yêu cầu chủ đầu tư dời trạm thu phí. Họ không thể giải thích đã hứa, ký hợp đồng với nhà đầu tư nên không di dời trạm. Như thế là “trấn lột’ người dân.

Nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ khẳng định việc chủ đầu tư đặt trạm BOT ở gần khu dân cư khiến người dân không đi trên đường cũng phải trả phí. Mỗi lần thu phí như vậy chẳng khác nào “cân điêu” cho người dân.

Lâu nay, nhiều người dân phản ứng vì chủ đầu tư chỉ tráng lại đường quốc lộ nhưng ngang nhiên đặt trạm thu phí. Về vấn đề này, các cơ quan chức năng phải làm rõ số tiền người dân nộp phí bảo trì đường bộ đã được sử dụng vào đâu, sử dụng như thế nào? Đây là điều chưa được làm rõ.

Ông Dũng dẫn chứng đương cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, mở rộng đường đã có sẵn nhưng lại thu phí như làm đường mới. Điều này là vô lý.

Tại buổi tọa đàm, để minh bạch hoạt động của các nhà đầu tư BOT, tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng kiến nghị quá trình thu chi các trạm thu phí phải lắp đặt chế độ thu tự động để có số liệu chính xác về số lượng xe đi qua trạm BOT.

Bên cạnh đó, các khoản tiền chi trả cho ngân hàng, nhân công, vận hành… cũng phải công khai. Làm được điều này chắc chắn sẽ giảm được thời gian thu phí tại các trạ BOT.

Về vụ việc này, báo An ninh thủ đô cho biết, liên quan đến giải pháp xử lý tại trạm BOT QL5 trong thời gian tới, đại diện Vidifi cho hay, đơn vị đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và chờ ý kiến chỉ đạo. Tương tự, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ cũng cho biết, phương án xử lý đã được Vidifi gửi tới Chính phủ. Sau khi Chính phủ chỉ đạo, Tổng cục và Vidifi sẽ triển khai.

Trong phương án xử lý có nội dung, sẽ xem xét việc giảm phí tại trạm này cùng với toàn bộ các trạm thu phí trên toàn quốc theo chủ trương của Chính phủ. “Hình thức thu phí hở không thể đảm bảo công bằng đối với 100% đối tượng tham gia. Bởi vậy, rất mong người dân chia sẻ và ủng hộ, việc thu phí trên QL5 của nhà đầu tư hiện tại chính là thu hộ tiền đối ứng của Chính phủ vào dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng”, ông Nguyễn Văn Huyện bày tỏ.

HD (T/h).

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang