Nhiều tranh luận chờ Quốc hội quyết về luật đặc khu

author 09:24 23/05/2018

(VietQ.vn) - Dự kiến được trình Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ 5, luật đặc khu vẫn còn những ý kiến tranh luận trái chiều về nhiều vấn đề, đặc biệt là mô hình tổ chức chính quyền.

Hôm nay, dự án luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc (luật đặc khu) sẽ được Quốc hội bắt đầu dành thời gian trao đổi trước khi thông qua vào cuối kỳ họp.

"Đây là một dự án luật quan trọng của kỳ họp lần này và còn nhiều ý kiến tranh luận trái chiều" - Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nói.

Sau khi trình Quốc hội lần đầu tại kỳ họp thứ 4, nửa năm vừa qua, đã có nhiều hội nghị, hội thảo được tổ chức để lấy ý kiến, góp ý cho dự thảo cho dự án luật. Đến nay, dự án luật đã có nhiều điều chỉnh, sửa đổi dựa trên việc tiếp thu ý kiến của nhiều giới, bao gồm việc thay đổi tên gọi và điều chỉnh nội dung.

Với các địa phương dự kiến xây dựng đặc khu, kỳ họp Quốc hội này có lẽ là khoảng thời gian được coi là “nín thở” để chờ luật được thông qua.

Nguồn lực ở đâu để xây đặc khu?

Theo Bộ Tài chính, để thực hiện 3 đề án đặc khu cần tới 1,57 triệu tỷ đồng. Đề án về đặc khu Vân Đồn cần vốn đầu tư khoảng 270.000 tỷ đồng giai đoạn 2018-2030. Phát triển đặc khu kinh tế Bắc Vân Phong giai đoạn 2019-2025 cần tới 400.000 tỷ đồng. Còn Phú Quốc cần khoảng 900.000 tỷ đồng trong giai đoạn từ 2016-2030.

Chia sẻ với Zing.vn, đại biểu Đỗ Thị Lan (Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh) băn khoăn về cơ chế hỗ trợ của ngân sách Nhà nước trong những năm đầu bắt đầu thành lập đặc khu còn chưa rõ. “Chưa rõ về cả mức độ, thời gian hỗ trợ, chưa thể hiện quyết tâm của Nhà nước để có giải pháp đột phá cho phát triển kinh tế xã hội”, bà nói.

nhieu-tranh-luan-cho-quoc-hoi-quyet-ve-luat-dac-khu

 Theo các đề án, tổng số tiền cần để xây dựng các đặc khu lên đến 1,57 triệu tỷ đồng. Ảnh: Hoàng Hà.

Theo bà Lan, muốn đột phá tại các đặc khu thì phải có nguồn lực. Tuy nhiên, trong dự thảo mới nhất mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình có xác định hỗ trợ của ngân sách Nhà nước nhưng lại không rõ mức. Theo đó, luật quy định mức hỗ trợ được Chính phủ đưa vào danh mục dự án đầu tư sau đó trình Quốc hội, Quốc hội cho ý kiến về mức đầu tư là bao nhiêu.

“Với vốn đầu tư, đặc khu đề nghị lên tỉnh bao nhiêu, tỉnh trình Chính phủ, Chính phủ trình ra Quốc hội, Quốc hội cho ý kiến và quyết định mức đầu tư là bao nhiêu. Thế này thì bao lâu thì tiền đến được với các đặc khu?”, bà Lan đặt câu hỏi.

Bà Lan đề nghị phải có cơ chế đột phá về tài chính cho các đặc khu và cần quy định rõ trong luật. Bà cho rằng phải làm thế nào để có nguồn lực, để các đặc khu có thể tiếp cận và sử dụng một cách nhanh nhất.

Bà cho rằng các địa phương phải biết rõ mình có bao nhiêu tiền và khi nào có để có thể chủ động trong sử dụng nguồn lực tránh lãng phí. Ngoài ra, khi biết có nguồn lực, các địa phương sẽ có kế hoạch để huy động các nguồn lực khác để đầu tư về kinh tế kỹ thuật, thậm chí cả an sinh xã hội và nhiều lĩnh vực khác.

“Khi phát triển Thâm Quyến, Trung Quốc đã quyết định mức đầu tư năm đầu tiên là 48% tổng nhu cầu đầu tư. Các năm sau đó giảm dần xuống 20%, 10%...  Như vậy họ quy định rất rõ, thể hiện sự quyết tâm đến với sự phát triển đặc khu”, bà Lan nói.

Ngoài ra, vấn đề các địa phương mong muốn giữ lại một tỷ lệ nguồn thu nhất định để xây dựng đặc khu cũng đang gây ra nhiều tranh luận. Theo đó, Bộ Tài chính tỏ ý không đồng tình với một số đề xuất về cơ chế đặc thù các tỉnh có đặc khu đưa ra như việc cho địa phương giữ lại tỷ lệ nhất định nguồn thu trong một thời gian để tiếp tục đầu tư.

Lý do đưa ra là Bộ Tài chính lo ngại việc này ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách. Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã lên tiếng trấn an rằng Nhà nước sẽ hỗ trợ vốn cho các địa phương làm đặc khu, nhưng đó là “vốn mồi” để thu hút thêm nhiều nguồn lực trong và ngoài nước.

Cơ chế đã đủ đột phá?

Ưu đãi vượt trội thu hút nhà đầu tư đến với đặc khu là một trong những vấn đề đang được tranh luận nhiều nhất. Thế nhưng, theo quan điểm của giới chuyên gia, điều quan trọng không nằm ở câu chuyện ưu đãi mà là "phòng thí nghiệm cải cách thể chế".

Thế nhưng, đại biểu Đỗ Thị Lan nói thẳng nhiều điều luật hiện nay vẫn chưa đột phá. Bà lấy ví dụ việc quản lý sử dụng cán bộ công chức thì trong luật đặc khu quy định như Luật cán bộ công chức. Ngoài ra, chính sách về nhà ở lại quy định như Luật nhà ở.

 

nhieu-tranh-luan-cho-quoc-hoi-quyet-ve-luat-dac-khu

Vẫn còn nhiều ý kiến tranh luận về ưu đãi tại các đặc khu. Ảnh: Hoàng Hà. 

 “Cơ chế tài chính lại quy định giống như Luật đầu tư công và Luật ngân sách ngân sách hiện hành. Như vậy có nhiều quy định vẫn giống hiện hành, chưa thể hiện sự đột phá”, đại biểu Lan nói.

Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh cũng băn khoăn về sự “không công bằng” của cơ chế ưu đãi tại 3 đặc khu. Theo đó, có quy định đặc khu này được hưởng cái này, đặc khu khác thì lại không. Ví như một nhà đầu tư chiến lược, đầu tư lâu dài vào đặc khu, nhưng với Phú Quốc thì được hưởng cơ chế như thế này, còn Vân Đồn, Bắc Vân Phong thì lại không. Bà cho rằng như vậy chưa hợp lý, chưa phù hợp.

“Có những việc chỉ nên quy định cơ chế chính sách khác nhau khi ngành nghề ưu tiên của 3 nơi khác nhau, nhưng mà những cái không có điểm khác nhau, đều là khuyến khích thu hút đầu tư thì không nên quy định khác nhau”, đại biểu Lan nói.

Tiền thắng casino ở đặc khu được mang trực tiếp về nước Người Việt được vào chơi casino, tiền thắng casino được mang trực tiếp về nước là những quy định thoáng bên cạnh những ưu đãi vượt trội về đầu tư, thuế ở đặc khu kinh tế.

Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hải Phòng Bùi Thanh Tùng cũng cho rằng cần nêu rõ những chính sách ưu tiên trong luật đặc khu, nhất là vấn đề liên quan đến tài chính, ngân hàng, quản lý tài sản, vì đây là nội dung rất quan trọng để phát triển. Ngoài ra, ở đặc khu, cơ chế quản lý đất đai cũng cần có cơ chế, chính sách riêng…

Trong khi đó, Đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau), Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, cho rằng cần xem xét lại các quy định ưu đãi trong luật đặc khu sao cho công bằng với các địa phương khác.

Đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê (đoàn TP.HCM) thì lưu ý mở ra cơ chế đột phá cho đặc khu nhưng không phải là sự dễ dãi. Ông cũng đề nghị cần thiết có thể đặt ra quy định chính sách phân biệt nhà đầu tư trong nước, nước ngoài. Có những vấn đề không cho phép nhà đầu tư nước ngoài tham gia.

Mô hình tổ chức chính quyền địa phương ra sao?

Tại kỳ họp thứ 4, mô hình tổ chức chính quyền địa phương được đề xuất có chức danh Trưởng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, do Thủ tướng trực tiếp bổ nhiệm, được giám sát thông qua một hội đồng cũng do Thủ tướng bỏ nhiệm, không có tổ chức HĐND.

Mô hình được coi là đột phá này này vấp phải nhiều ý kiến phản đối, thậm chí có ý kiến cho rằng trái Hiến pháp.

Trong dự thảo mới nhất, ban soạn thảo đã đưa ra phương án tổ chức chính quyền địa phương có cả UBND đặc khu và HĐND đặc khu, nhưng được tổ chức theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả. Tuy nhiên, với phương án này, nhiều đại biểu lại băn khoăn không đột phá về mặt thể chế.

 

nhieu-tranh-luan-cho-quoc-hoi-quyet-ve-luat-dac-khu

 Sân bay Vân Đồn đang xây dựng. Ảnh: Hoàng Hà.

 Đại biểu Đỗ Thị Lan cho rằng mô hình tổ chức có HĐND và cả UBND không có sự khác biệt so với các cơ quan hành chính Nhà nước hiện tại. Mô hình này chỉ khác là không có UBND cấp xã phường và có một khu hành chính tập trung giúp giảm nhẹ bộ máy cấp xã phường.

Bà Lan cho rằng phải quy định vài trò giám sát của HĐND cấp tỉnh hoặc đoàn ĐBQH, giảm cơ chế giám sát thường xuyên trực tiếp của cấp bên dưới. Giám sát những gì thì cần phải rà soát lại để quy định thẩm quyền của các cơ quan giám sát.

Nguyên thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên cho rằng thể chế, pháp luật ở đặc khu phải thể hiện sự phân quyền đầy đủ, rõ ràng, rành mạch để đi thẳng vào cuộc sống, không phải thông qua chỉ thị, thông tư mang tính hành chính.

Ông cho rằng tổ chức bộ máy cũng phải tinh gọn, linh hoạt, đột phá. Ngoài ra, phải tìm được cán bộ giỏi, sử dụng và tuyển chọn công chức thực tài.

Với nhiều vấn đề còn tranh luận, luật đặc khu chắc chắn nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng từng nói đây là một vấn đề mới, khó, chưa có tiền lệ ở Việt Nam nên việc xây dựng một bộ luật cần hướng thận trọng, cạnh tranh, phù hợp với thông lệ quốc tế…

Tuy nhiên, ông nhấn mạnh không nên quá cầu toàn, khi thế giới liên tục thay đổi. Khi có vấn đề mới phát sinh hoàn toàn có thể sửa chữa.

Theo Zing

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang