Nhiều vụ vi phạm nghiêm trọng trong kinh doanh thương mại điện tử

author 15:37 27/12/2020

(VietQ.vn) - Cục Quản lý thị trường Lào Cai cho biết, tình trạng vi phạm kinh doanh hàng giả, hàng gian lận thương mại trên sàn thương mại điện tử ngày càng gia tăng và phức tạp.

Cục Quản lý thị trường (QLTT) Lào Cai cho biết, lợi dụng việc đi lại của người dân bị hạn chế do dịch bệnh Covid-19 tác động, nhu cầu tiêu dùng tăng, tình trạng kinh doanh hàng giả nhãn hiệu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ... thông qua mạng xã hội facebook, zalo... (kinh doanh online) đã có những diễn biến phức tạp tập trung vào các mặt hàng khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn, thực phẩm, bánh kẹo, quần áo, giầy, dép, đồ chơi trẻ em, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng...

Tuy nhiên bằng những công tác nghiệp vụ kiểm tra, kiểm soát, phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra… đã phát hiện và xử lý 14 vụ vi phạm kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử. Trong đó có những vụ việc vi phạm lớn, nghiêm trọng, Cục QLTT Lào Cai đã chuyển giao lực lượng công an điều tra, xử lý theo pháp luật.

 Tình trạng kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng gian lận thương mại trên sàn điện tử ngày càng gia tăng. Ảnh: Cục QLTT Lào Cai

Vụ việc điển hình có thể kể đến, trong tháng 7/2020, Cục QLTT Lào Cai phối hợp với phòng Nghiệp vụ 1- Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường (Tổng cục QLTT) và Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động (K02), Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an)..., kiểm tra địa điểm bán hàng qua mạng xã hội thông qua tài khoản Facebook “Thảo Trần” và “Giày Đồng Giá 11”, tại địa chỉ 145, đường Hoàng Diệu, thành phố Lào Cai.

Tại đây lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều mặt hàng gồm giày dép, quần áo, kính mắt, đồng hồ, mỹ phẩm, thực phẩm, đồ gia dụng... trên bao bì có in chữ nước ngoài, trong đó có một số mặt hàng có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu của các thương hiệu lớn với 237 mặt hàng (158.014 sản phẩm và 811 mã đơn hàng) đã được đóng gói chờ chuyển phát.

Cũng tại thời điểm kiểm tra không có người nhận là chủ sở hữu 02 tài khoản Facebook nêu trên, toàn bộ số hàng hóa đã bị tạm giữ để xử lý. Vụ việc đã được Cục QLTT tỉnh Lào Cai chuyển cơ quan cảnh sát điều tra (PC01) Công an tỉnh Lào Cai tiếp tục xác minh, điều tra, xử lý theo pháp luật.

Những loại thuốc trị tiểu đường chứa chất cấm gây ung thư bị thu hồi(VietQ.vn) - Trong điều trị bệnh tiểu đường, các thuốc trị tiểu đường đóng một vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên thời gian gần đây không ít loại thuốc trị tiểu đường bị thu hồi do chất chất cấm.

Vụ việc khác, trong tháng 8/2020, quản lý thị trường ở Lào Cai cùng với lực lượng cảnh sát kinh tế thuộc Công an tỉnh Lào Cai và các lực lượng chức năng có liên quan khác, thực hiện khám kho hàng kinh doanh online qua tài khoản Facebook “ Shop Linh Thùy 6886” và “Linh thùy 002 - hàng nội địa trung cao cấp”, phát hiện các lô hàng hóa áo phao nữ mùa đông các loại (200 chiếc), đồng hồ đeo tay nữ nhãn hiệu DIOR (110 chiếc), mỹ phẩm (phấn nước, kem chống nắng, nước tẩy trang, son các loại 1.486 lọ), tất chân trẻ em các loại (1.500 đôi), sữa tắm các loại (146 chai); quạt đồ chơi trẻ em (1.440 chiếc).

Tại thời điểm kiểm tra, chủ hàng chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ hợp pháp của số hàng hóa trên. Lực lượng chức năng đã tạm giữ toàn bộ lô hàng, trình cấp có thẩm quyền xử phạt hành chính 46.250.000 đồng.

Theo Cục QLTT tỉnh Lào Cai, từ nay tới cuối năm, đặc biệt là sang năm 2021 tình hình sản xuất, kinh doanh, thương mại, dịch vụ sẽ tăng cao hơn rất nhiều. Lợi dụng tình hình hình này, các đối tượng sẽ lợi dụng để buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng và vận chuyển trái phép các loại hàng hóa vào Việt Nam cũng có thể gia tăng theo. Trong đó, không loại trừ các hoạt động kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng không đảm bảo chất lượng... qua môi trường thương mại điện tử (mạng zalo, facebook...) sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp.

Do đó, theo Cục QLTT tỉnh, để kịp thời ngăn chặn tình trạng trên lực lượng chuyên ngành trong tỉnh cần thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm đó là thường xuyên kiếm soát thị trường. Tăng cường các biện pháp kiểm tra, kiểm soát, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm minh theo pháp luật các hành vi buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ kinh doanh thông qua thương mại điện tử, các website bán hàng, mạng xã hội facebook, zalo...

Ngày 26/8/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Nghị định số 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Theo đó, Nghị định này quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Đối tượng bị xử phạt hành chính được quy định cụ thể tại Điều 2 Nghị định, bao gồm: cá nhân, tổ chức Việt Nam hoặc cá nhân, tổ chức nước ngoài thực hiện hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này trên lãnh thổ Việt Nam. Hộ kinh doanh được thành lập theo quy định của pháp luật; hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối và những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, làm dịch vụ có thu nhập thấp không phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật vi phạm các quy định tại Nghị định này bị xử phạt như đối với cá nhân vi phạm.

Các hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định tại Nghị định này gồm có:

Hành vi vi phạm về hoạt động kinh doanh theo giấy phép kinh doanh, trừ trường hợp đã được quy định tại nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước khác;

Hành vi kinh doanh dịch vụ thuộc ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh; sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng cấm; Hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu; hàng hóa lưu thông trong nước bị áp dụng biện pháp khẩn cấp; hàng hóa quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ và có vi phạm khác;

Hành vi vi phạm về kinh doanh thuốc lá; Hành vi vi phạm về kinh doanh rượu;

Hành vi đầu cơ hàng hóa và găm hàng; Hành vi vi phạm về hoạt động xúc tiến thương mại;

Hành vi vi phạm về xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ liên quan đến xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa; Hành vi vi phạm về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;

Hành vi vi phạm về thương mại điện tử; Hành vi vi phạm về thành lập và hoạt động thương mại của thương nhân nước ngoài và người nước ngoài tại Việt Nam;

Các hành vi vi phạm khác trong hoạt động thương mại.

 

An Dương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang