Nhiều ý kiến ủng hộ kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu qua một đầu mối

author 07:05 20/02/2020

(VietQ.vn) - Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) cho biết, có 90% doanh nghiệp ủng hộ chủ trương của Chính phủ trong việc tiếp tục đẩy mạnh một đầu mối kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu. Việc này không đảo lộn chức năng kiểm tra chuyên ngành của các Bộ, cơ quan.

Nhiều kết quả tích cực

Phát biểu tại cuộc họp với các Bộ, cơ quan liên quan về việc xây dựng dự thảo Đề án "Đổi mới mô hình kiểm tra chất lượng hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu" theo Nghị quyết 99/NQ-CP và 02/NQ-CP năm 2020 của Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, năm 2019, được sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, công tác kiểm tra hải quan, kiểm tra chuyên ngành (KTCN) đã có nhiều tiến bộ lớn được các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp đánh giá cao. Trong đó đặc biệt là công tác cải cách của Tổng cục Hải quan từ ứng dụng CNTT, đầu tư thiết bị kiểm tra hiện đại, tái cấu trúc các cơ quan, nâng cao chất lượng cán bộ...

Trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đến nay nhiều Bộ đã ban hành văn bản quy phạm pháp luật để cắt giảm danh mục dòng hàng, thủ tục KTCN, đơn giản hóa thủ tục hải quan, phân định tập trung một đầu mối KTCN, giảm chồng chéo, phiền hà cho doanh nghiệp.

Qua thống kê cho thấy, tỉ lệ tờ khai KTCN đối với hàng hóa nhập khẩu đã giảm dần theo từng năm (Tỉ lệ tờ khai KTCN/tổng số tờ khai trong các năm 2015 - 2018 lần lượt là 25,93%; 23,24%; 20,36%; 20,19%. Riêng trong năm 2019 rút xuống còn 19,1% tỉ lệ hàng hóa nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành).

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cũng nhận định, trong thời gian qua nhiều bộ tích cực cải cách. Đối với 1.501 mặt hàng chồng chéo, các Bộ, ngành đã ban hành văn bản quy phạm pháp luật để xử lý như: Bộ Y tế ban hành thông tư xử lý 610 mặt hàng về dược liệu; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng ban hành 2 Thông tư để cải cách những chồng chéo trong lĩnh vực nông nghiệp...

"Việc làm được cái này là cho thấy chúng ta đang tích cực để cải cách triệt để, không lừng chừng", Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nhận định.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh VGP 

Tuy nhiên, đến nay, công tác kiểm tra chuyên ngành vẫn tồn tại những bất cập như: Danh mục mặt hàng KTCN còn nhiều nhưng tỉ lệ phát hiện lô hàng không đạt yêu cầu về chất lượng là rất thấp (chỉ từ 0% đến 0,47 % ); việc áp dụng quản lý rủi ro chưa phát huy tính hiệu quả, chưa áp dụng rộng rãi việc công nhận lẫn nhau, áp dụng truy xuất nguồn gốc trong KTCN, dẫn tới kéo dài thời gian, tạo gánh nặng hành chính cho doanh nghiệp xuất, nhập khẩu...

Bên cạnh đó dù quyết liệt nhưng còn tình trạng chồng chéo trong kiểm tra chuyên ngành, có mặt hàng vẫn còn 2-3 cơ quan kiểm tra gây tốn kém về thời gian, chi phí thủ tục. Trong khi đó thời gian lãng phí này có thể sản xuất ra nhiều sản phẩm, những hiệu quả thấp này dồn lại là doanh nghiệp phải gánh chịu. Địa điểm KTCN chung chúng ta có nhưng hiệu quả rất thấp.

Từ những tồn tại có thể nhận diện được, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng là quyết liệt cải cách; đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác KTCN. Tại Nghị quyết số 99/NQ-CP, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chủ trì xây dựng Đề án cải cách kiểm tra chuyên ngành theo hướng cơ quan hải quan là đầu mối thực hiện kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu (trừ các mặt hàng liên quan đến an ninh, quốc phòng, kiểm dịch...).

Vì vậy, VPCP tổ chức cuộc họp này để đánh giá tình hình, tiến độ, kết quả triển khai các nội dung trên. Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP cũng nhấn mạnh, những cải cách này theo chỉ đạo của Thủ tướng là tạo dư địa cho tăng trưởng, vì vậy đề nghị các bộ, cơ quan ủng hộ để tạo điều kiện về công tác cải cách, vẫn kiểm tra được chất lượng hàng hóa và tạo điều kiện cho doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu.

Ủng hộ kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu qua một đầu mối

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai, thực hiện Nghị quyết số 99/NQ-CP, Bộ Tài chính đã chỉ đạo giao Tổng cục Hải quan chủ trì các phiên họp với các cơ quan liên để xây dựng đề án. Đến nay đề án đã được xây dựng xong dự thảo với các phụ lục, số liệu minh chứng cho các nhận định, đánh giá trong dự thảo đề án.

Theo Tổng cục Hải quan, Dự thảo đề án bao gồm 6 chương, bao gồm: Tổng quan về công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; hoạt động kiểm tra hải quan tại cơ quan hải quan; một số kinh nghiệm quốc tế; đề xuất mô hình mới về kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm hàng hóa xuất nhập khẩu; giải pháp triển khai mô hình mới và việc tổ chức thực hiện đề án.

Đánh giá trong dự thảo đề án cho thấy, qua 5 năm cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, cộng đồng doanh nghiệp đã ghi nhận những bước cải thiện rõ rệt so với năm 2015. Cụ thể như thủ tục kiểm tra an toàn thực phẩm đã đơn giản, thuận lợi hơn trước; hầu hết việc kiểm tra chuyên ngành (KTCN) đã được tập trung vào một đầu mối, về cơ bản đã khắc phục tình trạng một lô hàng do hơn 1 cơ quan, đơn vị kiểm tra; phần lớn các lĩnh vực kiểm tra chất lượng đã chuyển từ thủ tục 2 bước (do 2 cơ quan, tổ chức khác nhau tiến hành, mỗi cơ quan, tỏ chức thực hiện một công đoạn) sang thủ tục 1 bước (chỉ 1 cơ quan, tổ chức thực hiện).

Thời gian kiểm tra chuyên ngành nhìn chung đã được rút ngắn trong tất cả các lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành. Thời gian đăng ký KTCN phổ biến là trong ngày. Thời gian kiểm tra trung bình 5-7 ngày đối với lĩnh vực kiểm dịch động vật. Thời gian kiểm tra dài nhất là 10-25 ngày với mặt hàng ô tô, xe máy chuyên dùng, sản phẩm CNTT. Đề án cũng đánh giá những vấn đề còn tồn tại trong hệ thống kiểm tra chuyên ngành hiện nay; đưa ra lộ trình thực hiện để bảo đảm triển khai mô hình mới...

Tại cuộc họp, đại diện các bộ, cơ quan đều đánh giá cao Bộ Tài chính khi xây dựng đề án với tinh thần đổi mới và cải cách, nhằm tiết kiệm chi phí, thời gian cho doanh nghiệp. Đồng thời đưa các ý kiến góp ý về dự thảo, đề nghị nhóm soạn thảo triển khai cụ thể với các bộ, ngành để khi triển khai mang lại hiệu quả và trơn tru trong thực tiễn. Đặc biệt là cần có cơ chế trao đổi và minh bạch thông tin giữa các Bộ, cơ quan; có lộ trình triển khai phù hợp để bảo đảm rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành.

Đại diện Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) cho rằng góc nhìn của doanh nghiệp là nhìn vào một chuỗi vấn đề để đạt được mục tiêu cuối cùng là xuất nhập khẩu. Qua khảo sát các hiệp hội, ngành hàng, Ban IV nhận thấy 90% doanh nghiệp ủng hộ chủ trương của Chính phủ trong việc tiếp tục đẩy mạnh 1 đầu mối, cụ thể là theo hướng cơ quan hải quan là đầu mối thực hiện kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu. Việc này không đảo lộn chức năng kiểm tra chuyên ngành của các Bộ, cơ quan.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP đánh giá cao Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan trong xây dựng dự thảo đề án, đồng thời trân trọng cảm ơn các ý kiến của các đại biểu tại hội nghị. Dự thảo đề án đã đánh giá và đề xuất hướng xử lý đối với các vấn đề tồn tại, vướng mắc, cũng như đưa ra giải pháp xây dựng mô hình mới trong công tác kiểm tra chuyên ngành. Qua các ý kiến tại hội nghị giúp VPCP có cái nhìn tổng thể, thực tế nhằm đề xuất tới Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong vấn đề cải cách.

Tiếp thu toàn bộ các ý kiến tại hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP cho biết VPCP sẽ tiếp tục làm việc với Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp... để hoàn thiện đề án, báo cáo Chính phủ theo đúng tiến độ của Nghị quyết số 99/NQ-CP.

Bảo Lâm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang