Nhìn lại chặng đường phát triển của điện hạt nhân

author 15:16 23/06/2015

(VietQ.vn) - Các nhà máy điện hạt nhân đã trải qua quá trình phát triển kéo dài 60 năm với những đóng góp to lớn trong việc nâng cao chất lượng sống của con người, tuy nhiên nó cũng để lại “cơn ác mộng” sau những vụ tai nạn chấn động.

Sự kiện: Phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam

Cho tới nay, điện hạt nhân đã có lịch sử phát triển hơn 60 năm, tính từ ngày 20/12/1951 khi Lò phản ứng hạt nhân thử nghiệm EBR-1 của Mỹ công suất 100 kW phát ra dòng điện đầu tiên được sản xuất bằng năng lượng hạt nhân (hay năng lượng nguyên tử). Năm 1954, Liên Xô xây dựng xong nhà máy điện hạt nhân đầu tiên trên thế giới, lò graphit nước nhẹ 5 MW đặt tại Obninsk (ngừng hoạt động 4/2002).

Cũng trong năm đó nhà máy điện nguyên tử Beloyarskaya cũng được triển khai xây dựng, nhưng mãi tới ngày 26 tháng 4 năm 1964 thì tổ máy phát điện đầu tiên mới đi vào hoạt động. Tới tháng 8 năm 1964 thì khối 1 của nhà máy điện nguyên tử Novovoronezhskaya với công xuất 210 MW mới được khởi công. Khối 2 với công suất 365 MW được khởi công vào tháng 12 năm 1969. Tiếp đến năm 1973 người ta khởi công nhà máy điện nguyên tử Leningradskaya.

Sau Liên Xô thì các nhà máy điện hạt nhân khác cũng được xây dựng, với nhà máy điện hạt nhân Calder Hall ban đầu cũng chỉ có công suất 46 MW được đưa vào vận hành ngày 27 tháng 8 năm 1956 tại Anh. Sau đó 1 năm, tại Mỹ nhà máy điện hạt nhân Beaver Valley với công suất 60 MW cũng được bắt đầu xây dựng tại Shippingport, Pennsylvania.

điện hạt nhân đã có lịch sử phát triển hơn 60 năm

Điện hạt nhân đã có lịch sử phát triển hơn 60 năm

Năm 1979 xảy ra một sự cố rất nghiêm trọng tại Mỹ tại nhà máy điện hạt nhân Three Mile Island. Sau sự kiện đó Hoa Kỳ đã ngừng xây dựng các lò phản ứng, trong dự kiến tới năm 2017 sẽ xây dựng xong 2 lò phản ứng mới trong khu nhà máy cũ.

Vào năm 1986 xảy ra một thảm họa hạt nhân là sự cố nổ nhà máy điện hạt nhân Chernobyl, thành phố Pripyat, Ukraine. Vào rạng sáng ngày 26/4/1986, lò phản ứng số 4 của nhà máy gặp sự cố, dẫn tới hiện tượng các thanh nhiên liệu hạt nhân tan chảy. Vụ nổ và cháy lò phản ứng khiến hạt phóng xạ lan rộng tới các nước châu Âu.

Tai nạn xảy ra khi các công nhân thử nghiệm tính năng làm mát khẩn cấp trong lõi lò phản ứng. Lò số 4 được tắt theo đúng quy trình nhưng sự cố xảy ra khiến các thanh nhiên liệu hạt nhân chảy. Hơi nước kẹt trong lò phá hủy phần mái bê tông nặng 2.000 tấn của công trình, khiến phóng xạ phát tán ra môi trường. Vụ tai nạn đã khiến 31 người thiệt mạng và hàng nghìn người khác nhiễm xạ. Hiện tại, nhà chức trách Ukraine và các tổ chức quốc tế chưa thể thống kê chính xác số nạn nhân của thảm họa Chernobyl, tờ Zing News cho hay.

Sau thảm kịch Chernbyl tốc độ phát triển điện hạt nhân bị giảm mạnh, thậm chí một số nước như Đức và Thụy Điển chủ trương từng bước loại bỏ điện hạt nhân. Người ta bắt đầu đánh giá lại tính an toàn, tính kinh tế của điện hạt nhân và áp dụng mọi biện pháp nâng cao an toàn, nghiêm ngặt hơn trong phê duyệt các dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân.

Đến đầu thế kỷ XXI, ấn đề ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng vì nền kinh tế thế giới bắt đầu phục hồi và các quốc gia càng ngày càng thiếu năng lượng. Bên cạnh đó, do công nghệ điện hạt nhân ngày một hoàn thiện, điện hạt nhân lại được chú trọng phát triển.

Tính đến cuối năm 2012, toàn thế giới có 31 nước khai thác hơn 437 nhà máy điện hạt nhân với tổng công suất 3,7 tỷ kW, trong đó Mỹ có 104 nhà máy, Pháp – 58, Nhật – 50, Nga – 33, Hàn Quốc – 23, Ấn Độ – 20, Canada – 19 v.v… Hiện nay, điện hạt nhân cung cấp khoảng 15% tổng sản lượng điện toàn cầu. Tỷ lệ điện hạt nhân trong tổng sản lượng điện ở một số nước rất cao, như Pháp tới 77,7%, Hàn Quốc – 34,6%, Nhật – 18,1%, Mỹ – 19,2%. Ngoài ra toàn thế giới đang xây dựng 68 lò phản ứng hạt nhân với tổng công suất 70,7 triệu kW, trong đó hơn 70% ở Trung Quốc, Ấn Độ và Nga.

Sau thảm kịch Chernbyl tốc độ phát triển điện hạt nhân bị giảm mạnh

Sau thảm kịch Chernbyl tốc độ phát triển điện hạt nhân bị giảm mạnh

Tuy vậy trong giới chính trị, giới khoa học cũng như dư luận các nước vẫn có những quan điểm khác nhau về vấn đề có nên sử dụng điện hạt nhân hay không. Sau tai họa rò rỉ phóng xạ ở Fukushima (Nhật, 3/2011), điện hạt nhân toàn cầu sụt giảm mạnh (chủ yếu ở Nhật và Đức), năm 2011 chỉ còn cung cấp 10% sản lượng điện và đang đối mặt với hai thách thức lớn là nhận thức của công chúng và vấn đề kinh tế.

Ngày nay, Theo cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), tính đến năm 2014 trên thế giới có 436 lò phản ứng (LPƯ) đang hoạt động tại 31 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng công suất là 373,504 MW. Các nước có số LPƯ năng lượng đang hoạt động nhiều nhất là Mỹ: 100, Pháp: 58, Nhật: 48, Nga: 33, Hàn Quốc: 23...

Căn cứ vào báo cáo về tình trạng phát triển công nghiệp năng lượng hạt nhân vào năm 2014 thì sự phát triển đó đang có xu hướng giảm dần. Đỉnh điểm của sự phát triển được ghi nhận vào năm 2006 với mức năng lượng điện là 2,66 TW. Năng lượng hạt nhân năm 1996 chiếm 17,6% năng lượng điện toàn cầu và đã giảm xuống còn 10,8% năm 2013.

Theo nghiên cứu về thời gian làm việc của các lò phản ứng thì tuổi thọ trung bình của mỗi lò phản ứng hạt nhân là 28,5 năm. Lò phản ứng hạt nhân có tuổi thọ lớn nhất là tại Thụy Sĩ với hơn 45 năm làm việc. Hiện tại đã có 153 lò phản ứng ngừng làm việc, thời gian làm việc trung bình của các lò đó là 23 năm.

Nhiều ý kiến cho rằng, nguồn năng lượng hạt nhân khổng lồ sẽ đem lại những lợi ích vô cùng to lớn cho nhân loại và giải quyết được một loạt các vấn đề cấp bách cho con người.

Anh Đức

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang