Nhìn lại điểm nhấn hoạt động xuất khẩu nông lâm thủy sản trong năm 2020

author 13:43 15/12/2020

(VietQ.vn) - Trong bối cảnh thiên tai và dịch bệnh liên tiếp, những kết quả đạt được trong hoạt động xuất khẩu nông lâm thủy sản nói riêng và toàn ngành nông nghiệp nói chung góp phần quan trọng giúp nền kinh tế chung của cả nước giữ được mức tăng trưởng dương.

Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tháng 11/2020 đạt 3,72 tỷ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu 11 tháng của nước ta đạt 37,42 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2019. Ở chiều ngược lại, nhập khẩu nông, lâm, thủy sản khoảng 28,05 tỷ USD, giảm 0,2%. Như vậy, giá trị xuất siêu nông, lâm, thủy sản đạt gần 9,37 tỷ USD, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2019.

Xuất khẩu gạo 11 tháng đạt 5,74 triệu tấn với 2,85 tỷ USD, giảm 2,2% về khối lượng nhưng tăng 10,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Theo thống kê, hiện có 8 nhóm, mặt hàng nông sản xuất khẩu hơn một tỷ USD; trong đó có bảy nhóm, mặt hàng có giá trị xuất khẩu hơn 2 tỷ USD (cà phê 2,5 tỷ USD, gạo 2,85 tỷ USD, hạt điều đạt 2,9 tỷ USD, rau quả đạt 3,0 tỷ USD, tôm 3,4 tỷ USD, gỗ và sản phẩm gỗ đạt 8,4 tỷ USD).

Dự kiến năm 2020, ngành nông nghiệp đạt kim ngạch xuất khẩu 41,5 đến 42 tỷ USD, là một trong những nước dẫn đầu Đông - Nam Á về xuất khẩu nông sản. Trong bối cảnh thiên tai và dịch bệnh liên tiếp, những thành quả này trở thành dấu ấn của toàn ngành nông nghiệp trong bức tranh kinh tế - xã hội, góp phần quan trọng để nền kinh tế chung của cả nước giữ được mức tăng trưởng dương.

Dự kiến năm 2020, ngành nông nghiệp đạt kim ngạch xuất khẩu 41,5 đến 42 tỷ USD, là một trong những nước dẫn đầu Đông - Nam Á về xuất khẩu nông sản. Ảnh minh họa. 

Tuy nhiên, điểm nhấn của hoạt động xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2020 phải kể đến việc các ngành hàng đã bước đầu tiếp cận hiệu quả thị trường châu Âu nhờ vào những lợi thế khi Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020.

Ngay sau đó, nhiều lô hàng nông sản của nước ta liên tiếp được xuất khẩu sang châu Âu với mức thuế ưu đãi là 0%, cụ thể như: gạo, trái cây, thủy sản… So với tháng 7/2020, trị giá xuất khẩu sang EU trong tháng 8 và tháng 9/2020 của nước ta lần lượt tăng 11,5% và 32,4%, góp phần khẳng định chất lượng nông sản Việt Nam khi đáp ứng được các tiêu chuẩn về mẫu mã, chất lượng khắt khe của châu Âu.

Điều quan trọng là với EVFTA, ngành nông nghiệp nước ta còn có cơ hội thu hút nhiều hơn nguồn vốn đầu tư nước ngoài, nâng cao công nghệ sản xuất và chất lượng sản phẩm để đáp ứng theo tiêu chuẩn EU. Mặt khác, môi trường kinh doanh cũng ổn định và minh bạch hơn nhờ hệ thống pháp luật được điều chỉnh, bổ sung quy định để phù hợp với các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết. Đây là đòn bẩy cho tăng trưởng xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam không chỉ ở thị trường châu Âu mà ở tất cả các quốc gia trên thế giới.

Mới đây nhất, Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) cũng được ký kết, mở ra cơ hội xuất khẩu lớn cho các mặt hàng thế mạnh, nhất là nông sản nhiệt đới và thực phẩm chế biến của nước ta trong thời gian tới. Do đó, yêu cầu đặt ra đối với ngành nông nghiệp là cần chuẩn bị tốt nhất các điều kiện về sản xuất, đáp ứng yêu cầu về chất lượng, truy xuất nguồn gốc, vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như hàng loạt cam kết khác về lao động, môi trường, phát triển bền vững… để đưa xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trở thành lĩnh vực đem lại giá trị gia tăng cao cho nền kinh tế.

Muốn vậy, ngành nông nghiệp cần tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị; bám sát quy định của các FTA để phát triển nhóm sản phẩm chủ lực xuất khẩu vào các thị trường chất lượng, vừa đem lại kim ngạch cao vừa giảm bớt sự lệ thuộc vào các thị trường truyền thống, giá trị thấp. Tuy nhiên, cùng với nỗ lực của ngành nông nghiệp thì thời gian tới, Nhà nước cũng cần tăng cường đầu tư hiệu quả hơn nữa cho lĩnh vực này để nông nghiệp có thể phát huy tốt nhất vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế trong nhiều thời điểm...

Năng suất có ý nghĩa quan trọng trong việc vận dụng hiệu quả nguồn lực lao độngTrong bối cảnh đại dịch covid, hơn lúc nào hết vai trò của việc cải thiện năng suất có ý nghĩa quan trọng trong việc vận dụng một cách hiệu quả nguồn lực lao động, đó là con người cần cù và ưu tú.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang